Gỡ "nút thắt" thực thi FTAs tại các địa phương

Cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy, hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các hiệp định này.

Sáng ngày 12/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định EVFTA và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác cho Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị là cơ hội để Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý về thực thi các FTA tại từng tỉnh/thành phố cùng nhau nhìn lại tình hình thực thi và tận dụng các FTA thế hệ mới trong thời gian vừa qua.

Hội nghị cũng là dịp để Bộ Công Thương và đại diện các tỉnh/thành phố chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực thi các FTA mà các địa phương đang gặp phải và những bài học kinh nghiệm, câu chuyện thực tế.

thực thi các FTA
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thông tin về tình hình thực thi và tận dụng các FTA

Còn dư địa lớn khai thác hiệu quả thị trường FTA

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).

Các FTA này đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, những kết quả thực thi các FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các Hiệp định này mang lại.

Tại Tọa đàm bàn tròn, đại diện Bộ Công Thương cùng với các tỉnh/thành phố đã trao đổi, đề xuất ra những giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA cũng như tăng cường xây dựng liên kết, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong thúc đẩy thực thi FTA trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây về tình hình thực hiện các FTA cho thấy, xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP (Canada và Mexico), Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.

Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm đúng mức...

Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan; doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế...

Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA

Cũng theo Báo cáo trên, thời gian qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp tục được triển khai tại các địa phương nhưng phần lớn các hoạt động này chủ yếu được thực hiện trong khuôn khổ chính sách phát triển chung của tỉnh, không phải dành riêng cho việc thực thi FTA nào đó. Điều này dẫn đến hoạt động hỗ trợ mang tính dàn trải, chưa có điều kiện tập trung vào các lĩnh vực hoặc ngành hàng có thế mạnh của tỉnh và có cơ hội tiếp cận thị trường từ các FTA. Thêm vào đó, các hoạt động triển khai chưa có tính liên tục, kết nối và lâu dài để tạo hiệu ứng và hiệu quả bền vững.

Công tác tuyên truyền dù được đẩy rất mạnh nhưng phần lớn còn chung chung, chưa tập trung vào các nội dung cụ thể được doanh nghiệp quan tâm, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa đổi mới nhiều.

Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA...

Thời gian tới, để giải quyết các tồn tại, tăng cường hiệu quả tận dụng các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đề xuất 06 nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến; nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; nhóm giải pháp về nhân lực; nhóm giải pháp về số liệu thống kê; nhóm giải pháp khác.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương hàng năm xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về các FTA để các Bộ, ngành và các tỉnh, thành cùng triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp và lãng phí.

Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề liên quan chủ động xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trước mắt tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ

Tài chính thống nhất phương pháp thống kê số liệu về đầu tư, xuất nhập khẩu liên quan đến thực thi các FTA cũng như cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin về các số liệu này cho các địa phương.

Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng phù hợp để tận dụng các FTA của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững…

Việt Hằng - Kim Huệ