Mục tiêu của đoàn công tác lần này, là bàn các giải pháp tăng cường thu mua, tiêu thụ thịt lợn, rà soát chi phí nhằm giảm giá thành và giá bán lẻ thịt heo trong hệ thống siêu thị.
Đoàn Công tác Bộ Công Thương làm việc với Lãnh đạo Saigon Co.opThăm gian hàng bán Thịt heo tại Hệ thống Siêu thị Saigon Co.opQua 02 ngày làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hồ Thị Kim Thoa, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố, đã tích cực chủ động và hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Điểm nổi bật là các hệ thống bán lẻ đã triển khai nhiều đợt khuyến mãi, giảm giá nhằm tăng cường lượng tiêu thụ thịt heo trên địa bàn Thành phố.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Ban lãnh đạo LOTTE MartTheo ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng giám đốc Saigon Co.op, ngay sau khi có sự biến động dư thừa thịt heo trên thị trường, Saigon Co.op đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp như: Công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty TM Satra, Công ty Hoàng Anh Thy và một số nhà cung cấp khác, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá thịt heo từ 10-20%, trên toàn hệ thống siêu thị, nhằm tăng cường lượng tiêu thụ thịt heo. Tính riêng thời điểm khuyến mãi, giảm giá từ ngày 23/4 đến ngày 3/5, bình quân Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 36 tấn thịt heo/ngày, tăng 15-20% so với trước đó, trong thời gian tới, Saigon Co.op và các nhà cung cấp sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giảm giá để hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Thành Nhân đã nhấn mạnh đến một vấn đề mà dư luận hiện nay rất quan tâm, đó là tại sao giá thành thịt heo đầu vào giảm nhưng giá bán cho người tiêu dùng vẫn cao. Ông Đào Văn Cường – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Thy, là nhà cung cấp thịt heo số lượng lớn cho các siêu thị: Co.op mart, Lotte, Big C cho biết, ngay sau khi có sự biến động, Công ty đã quyết định giảm giá 20% cho nhà bán lẻ, để hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm bớt thiệt hại theo chủ trương của Nhà nước.Người dân TP. Hồ Chí Minh ủng hộ tiêu thụ thịt heo hỗ trợ người chăn nuôiÔng Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng giám đốc Vissan đã nêu ra một số dẫn chứng, cụ thể: Thứ nhất, theo quy trình một con heo khoảng 100kg hơi (tính theo số tròn), ngay từ khi vận chuyển từ điểm thu mua về đến khâu giết mỗ cũng đã hao hụt khoảng 1-2 kg, đến khi giết mổ tổng lượng thu được còn khoảng 75kg thịt, trong đó, số lượng da và mỡ đã chiếm từ 12-14 kg, ngoài ra, giá thành 01 con heo chịu khoản phí cho lò mổ hơn 2%, và các khoản chi khác như, vận chuyển, hệ thống bảo quản và các khoản thuế khác…, một điểm quan trọng cần lưu ý là trong 100kg heo hơi, khi giết mổ xong, doanh nghiệp sau khi pha lóc chỉ chọn được khoảng gần 60 kg là bán được giá cao, còn lại sườn, đuôi, phụ phẩm lòng, tim, gan… đều bán với giá thấp. Ông Phú dẫn chứng thêm, trước khi có biến động dư thừa, giá heo hơi mua là 42.000 đồng/kg, giá bán bình quân cho người tiêu dùng tại hệ thống siêu thị gần 90.000 đồng/kg; sau khi có biến động, giá mua heo hơi từ 26.000-30.000 đồng/kg, giá bán tại siêu thị là 64.000 đồng, chưa dừng lại, sắp tới các nhà cung cấp phối hợp với các hệ thống siêu thị trên địa bàn, sẽ còn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Thứ hai, thị trường nào rất cạnh tranh, quyết liệt, thì thị trường thu mua, phân phối cũng không nằm trong ngoại lệ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi trước khi cho heo xuất chuồng, cũng phải nắm chắc thông tin, chọn rất kỹ giá để bán, cùng với quy luật mua bán đã hình thành một khung giá từ bao đời nay, không dễ gì mà siêu lợi nhuận ở thị trường này.
Ông Phú còn cho biết, đơn vị hiện giết mổ 1.500 con heo/ngày, sắp tới sẽ tăng cường giết mổ thêm 300 con/ngày, do đó Vissan đã nâng tổng số lượng thu mua từ 1.000 lên 1.500 con heo và 10 ngày trở lại đây, tổng thu mua heo từ các tỉnh đã lên 1.800 con/ngày để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ tháng 3/2017, Công ty đã ngừng nhập khẩu thịt heo để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm và tổ chức cấp đông một lượng lớn heo thu mua theo hợp đồng. Theo ông Phú, khi giá thịt heo đầu vào giảm, tính từ tháng 8/2016 đến nay, hệ thống bán lẻ hiện đại đã giảm giá 4 lần, tổng mức giảm là 12.000 đồng/kg. Giá mua heo loại 1 đạt tiêu chuẩn VietGap, heo nằm trong chương trình Lifsap và có truy xuất nguồn gốc Te-food là 26.900 đồng/kg, cao hơn một số đơn vị khác.Trong buổi làm việc với Lotte Mart, đơn vị đã đưa ra rất nhiều các giải pháp hỗ trợ bà con nông dân chăn nuôi heo, bàn về nguyên nhân giá thịt heo rớt nặng như hiện nay, đại diện Lotte Mart cho biết, một phần vì lượng cung vượt cầu, bên cạnh đó, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên khi nguồn cung dư thừa, rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh tiêu thụ lớn, bởi hàng hóa vào các siêu thị này, phải qua kiểm tra rất gắt gao, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, phẩm chất, quy cách sản phẩm.
Làm việc tại siêu thị Big C, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Đối ngoại và Pháp lý Tập đoàn Centra Group cho biết, bên cạnh các hoạt động khuyến mãi, giảm giá sản phẩm từ thịt heo, nhằm “giải cứu” thịt heo một cách bền vững, Centra Group đang hướng tới mở rộng và xây dựng các nhà máy chế biến thịt heo nhằm hướng tới xuất khẩu. Với nguồn cung lớn và mức giá tại Việt Nam, việc chế biến các sản phẩm từ thịt heo nhằm hướng tới xuất khẩu là hoàn toàn cạnh tranh.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc quan hệ công chúng Big C, kể từ khi thịt heo có dấu hiệu biến động thừa, đơn vị đã chủ động thực hiện chương trình giải cứu đối với người nông dân, bán ra với mức giá không lãi để tăng khả năng tiêu thụ với các sản phẩm này, bằng việc hỗ trợ chi phí hậu cần, kho vận, truyền thông để giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. So với đầu năm giá thịt heo tại siêu thị đã giảm 35%. Sau một tuần chung tay giảm giá 30% thì lượng thịt heo bán ra tăng 32% so với ngày thường.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, để hỗ trợ người chăn nuôi heo, Sở Công Thương thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị tăng cường sử dụng thịt heo làm nguyên liệu chế biến thực phẩm, tổ chức cấp đông; các doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường khuyến mại và tuyên truyền người tiêu dùng ủng hộ mặt hàng này, ngoài ra, Sở Công Thương TPHCM cũng gặp gỡ các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của nhiều tỉnh, thành như Long An, Đồng Nai... để đẩy mạnh các giải pháp. Dự kiến tổng sản lượng đưa vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm của Thành phố sẽ khoảng 9.000-10.000 con/ngày và giữ ổn định giá bán.
Về lâu dài, bà Trang cho rằng, Sở Công Thương Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo, định hướng hoạt động sản xuất, chăn nuôi phát triển theo chiều sâu, tập trung chất lượng, giảm dần hoạt động chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Đồng thời, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, liên thông trực tiếp người chăn nuôi với thương nhân, từng bước hình thành mô hình liên kết, giảm tối đa chênh lệch giá bán từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh trong việc giúp người chăn nuôi tiêu thụ thịt heo trong thời gian qua. Thứ trưởng Thoa nhận định, khi có sự biến động dư thừa thịt heo, các nhà cung ứng và hệ thống các siêu thị đã cùng liên kết để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, cụ thể như: Tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, không ép giá thu mua nhưng giảm giá tại các khâu của mình để giá bán ra thị trường giảm. Thứ trưởng Thoa cũng đề nghị các nhà cung cấp cần tăng cường hệ thống cấp đông, để dự trữ được sản phẩm, phòng khi thời gian sau này khan hiếm thịt heo, ngoài ra, các hệ thống siêu thị cần đẩy mạnh thông tin cho người tiêu dùng, động viên cán bộ công nhân viên để tiêu thụ sản phẩm…
Thứ trưởng Thoa cũng cho rằng, thị trường dư thừa thịt heo và giá xuống thấp như hiện nay chỉ mang tính cục bộ ngắn hạn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chung tay vào cuộc các bộ, ngành chức năng, không bao lâu nữa, sự biến động dư thừa này sẽ được giải tỏa, thị trường sẽ ổn định trở lại. Tuy nhiên, để giảm áp lực cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà cung cấp tại TP. Hồ Chí Minh cần hỗ trợ thêm nữa bằng cách tăng cường thu mua, mở thêm kênh bán hàng và có các chính sách khuyến mại, giảm giá hợp lý.