Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió trong giai đoạn mới

Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo cơ chế phát triển điện gió sau khi giá FIT tại Quyết định 39 hết thời hạn, trong đó việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thông qua cơ chế đấu thầu và việc xác định giá sẽ trên nguyên tắc thương thảo giữa chủ đầu tư và bên mua điện theo khung giá mà Bộ Công Thương quy định.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. 

Theo đó, quy định giá mua điện đối với điện gió trong đất liền tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT). Giá mua điện đối với điện gió trên biển tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).

Quyết định 39 áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Như vậy, “deadline” đặt ra cho các nhà đầu tư dự án điện gió đã tới rất gần.

Theo báo cáo tháng 8/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có khoảng 106 dự án điện gió được xác nhận vận hành thương mại, kịp hưởng cơ chế giá bán điện cố định (giá FIT) theo Quyết định 39. 

Trong đó, có 54 dự án cấp I trở lên thuộc thẩm quyền xem xét và thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của Bộ Công Thương. Đến nay, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã nhận được báo cáo hoàn thành công trình của gần 30 dự án và đang tiến hành thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu để đảm bảo các dự án này thực hiện đúng tiến độ, được hưởng giá FIT

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng cho biết Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời. 

“Thời gian qua, có một số bài báo trích dẫn phát biểu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về vấn đề gia hạn giá FIT, nhưng tôi xin đính chính rằng, chúng tôi không trả lời bất cứ một nhà báo nào rằng sẽ gia hạn giá FIT cho điện gió hay sẽ có báo cáo Chính phủ gia hạn sau 31/10/2021”, ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương

Thông tin chi tiết hơn, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay các chủ đầu tư của nhiều dự án đang rất nỗ lực để có thể đưa dự án điện gió vào hoạt động kịp “deadline” giá FIT. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã nhận được khá nhiều văn bản của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, của các chủ đầu tư, các Hiệp hội kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT tại Quyết định 39.

Có những lý do khác nhau được đưa ra như tiến độ cung cấp turbine chậm, thời gian thi công kéo dài do thiếu nhân lực, hoạt động kiểm tra, kiểm định công trình gián đoạn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và nhập cảnh của chuyên gia bị kéo dài do các yêu cầu về giãn cách, cách ly phòng chống dịch bệnh,… Tựu chung lại thì lý do chủ yếu là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến các dự án bị chậm tiến độ và không kịp đưa vào vận hành trước 31/10.

Đối với các dự án đang thực hiện dở, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trên cơ sở đặc tính kỹ thuật của nhà máy, thương thảo giữa chủ đầu tư với bên mua điện để xác định xác mua điện,…

Theo Quyết định 39, sau ngày giá FIT đối với các dự án điện gió hết hạn, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành. 

“Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, cũng như quy định pháp luật liên quan là Luật Giá, Luật Điện lực,…”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết. Dự thảo vấn đề này có thể sẽ xem xét chuyển tiếp các dự án, bao gồm cả những dự án đang triển khai nhưng chưa kịp đưa vào vận hành công trình/phần công trình trước 1/11/2021.

Thông tin thêm về tiến độ của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết ngày 3/10 tới đây Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII sẽ tổ chức họp thẩm định. Nếu được bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương sẽ tích cực hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. 

“Hy vọng trong đầu tháng 10/2021 chúng tôi sẽ trình Quy hoạch điện VIII tới Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch sẽ phê duyệt trong năm nay”, ông Hoàng Tiến Dũng bày tỏ.

Thy Thảo