CHÍNH SÁCH MỚI
Lao động trong lĩnh vực phát thanh-truyền hình có phụ cấp độc hại
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư 08/2010 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Theo đó, các nghề công việc được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm: Vận hành, điều khiển, sửa chữa máy phát thanh, máy phát hình, máy phát thanh FM, máy phát sóng viba, vận hành trạm truyền dẫn tín hiệu vệ tinh; Ghi hình, dựng hình trong trường quay, phòng dựng, phòng thu, ghi, dựng hình, đạo diễn âm thanh và hình trên xe phát thanh, xe truyền hình lưu động…
Về cách tính và chi trả phụ cấp, Thông tư quy định, trong phòng máy có nhiều máy phát công suất khác nhau thì tổng công suất các máy phát là cơ sở để tính phụ cấp.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 tiếng trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc…(Theo Website Chính Phủ 1/4)
Khai thác thủy sản cấm: Phạt đến 40 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
Theo Nghị định này, đối với hành vi khai thác các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác, mức phạt thấp nhất là 1-3 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 20 kg. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 40 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản khai thác trái phép trên 500 kg. (Pháp Luật TP.HCM 1/4)
CHỈ THỊ MỚI
2010, hoàn thành bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên
Thủ tướng vừa ra Chỉ thị số 417 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) năm 2010 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, tổ chức Trung ương, các quân khu, địa phương và cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Nghị định 116/2007 của Chính phủ, Quy định 07/2008 của Ban Tổ chức TƯ về tiêu chuẩn kiến thức QP-AN (KTQP-AN) đối với cán bộ, đảng viên và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác GDQP-AN.
Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng KTQP-AN cho các cán bộ, đảng viên, vận dụng linh hoạt các hình thức học tập trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng KTQP-AN, nội dung chương trình, thời gian học tập và chỉ tiêu về số lượng. Phấn đấu hết năm 2010 cơ bản hoàn thành việc bồi dưỡng KTQP-AN cho các cán bộ, đảng viên.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức Trung ương, các quân khu, địa phương tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN (2001-2010)…(Theo Website Chính Phủ 1/4)
Điều chỉnh phân chậm lũ hệ thống sông Hồng
Không sử dụng các công trình phân lũ, chậm lũ như một biện pháp trong phòng, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng khi hồ Sơn La tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ lưu. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng đối với việc điều chỉnh nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng.
Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình thực hiện các nhiệm vụ, dự án phục vụ cho việc bỏ các vùng phân lũ, chậm lũ theo quy hoạch được phê duyệt.
Trong Quý II/2010, Bộ NN&PTNT dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn phòng lũ có tần suất P=0,2% (500 năm xuất hiện một lần), đồng thời có tính đến các phương án dự phòng khi lũ xuất hiện ngoài sự tính toán. (Theo Website Chính Phủ 1/4)
TƯ DUY - CÁCH LÀM MỚI
TP.HCM: Lập lực lượng quản lý đê nhân dân
TP.HCM vừa quyết định thí điểm thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại 5 phường trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường. Quyết định này được đưa ra sau những lần vỡ đê, vỡ bờ bao liên tiếp tại TP.HCM trong thời gian qua.
Lực lượng quản lý đê nhân dân có nhiệm vụ: quản lý, bảo vệ đê điều; tham mưu giúp UBND phường xây dựng phương án hộ đê, phòng chống lụt, bão; tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đê điều; trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê...
Nguồn kinh phí chi trả thù lao, trang bị bảo hộ lao động, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, duy trì hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân do UBND quận cân đối sử dụng từ nguồn Quỹ Phòng, chống lụt, bão và ngân sách của quận. Mức thù lao hàng tháng cho mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân là 1.000.000 đồng. (Sài Gòn Tiếp Thị 1/4)
TP.HCM: Mô hình vá xe lưu động được nhân dân ủng hộ
31/3, các Quận Đoàn 9, 2,Thủ Đức tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm Đội hình thanh niên tình nguyện vá xe lưu động trên địa bàn.
Mô hình này xuất phát từ quận 9 và được nhân rộng tại Quận 2 và Quận Thủ Đức nhằm góp phần giải quyết tệ nạn rải định trên các tuyến đường nhất là tuyến Xa Lộ Hà Nội.
Qua 1 năm triển khai hoạt động, mô hình vá xe lưu động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và chính quyền địa phương. Thời gian đầu, trung bình mỗi tháng các đội giải quyết hơn 100 trường hợp xe bị rãi đinh, và mỗi đợt thu gom được hơn 2kg đinh, kim loại rãi rác trên đường.
Theo các đơn vị thực hiện, khó khăn hiện nay của mô hình này chính là thiếu kinh phí hoạt động và các đội hình hoạt động còn rời rạc, chưa có sự phân công phối hợp giữa các quận để việc ứng cứu nhanh chóng và kịp thời. Ngoài ra, các thành viên trong đội còn đối mặt với những cú điện thoại quậy phá và bị những đối tượng xấu gây thương tích khi đi làm việc.
Tại hội nghị, các đơn vị thống nhất sẽ nhân rộng mô hình này thành đội cứu hộ lưu động và mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương (Theo Voh 1/4)
Hàn Quốc: Thử dịch vụ hành chính bằng smartphone
30/3, Bộ Hành chính công của Hàn Quốc cho biết, từ tháng 8 hoặc tháng 9, chính phủ nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm một dịch vụ hành chính dựa trên các smartphone, cho phép tất cả các văn phòng chính quyền từ TƯ tới địa phương làm việc thông qua các thiết bị di động của họ.
Ban đầu, dịch vụ thử nghiệm sẽ chỉ giới hạn ở việc truy lại các thông báo công cộng, trao đổi tin nhắn ngắn và thực hiện các công việc có mức độ rủi ro thấp và ít có nguy cơ bị rò rỉ.
Sau đó, sẽ dần mở rộng chương trình ra tất cả hoạt động gồm cả trao đổi thư từ điện tử, phê duyệt báo cáo điện tử của chính quyền sau khi hệ thống an ninh cho thấy đảm bảo độ an toàn.
Trong một tuyên bố, Bộ Hành chính công nhấn mạnh thông qua việc thử nghiệm dịch vụ bằng smartphone này, hy vọng có thể nâng cao hiệu quả làm việc lên mức tương đương những quốc gia tiên tiến và thiết lập cơ sở để xuất khẩu ra nước ngoài những công nghệ kiểu này trong tương lai.
Tuyên bố cho biết thêm, dịch vụ thử nghiệm một năm này sẽ chỉ giới hạn ở các quan chức thuộc Bộ Hành chính công. (Theo Vietnamplus 31/3)
BÌNH LUẬN
Lỗ hổng chồng… lỗ hổng!
Chỉ đến khi vụ cháy hệ thống thu rác nhà cao tầng gây chết hai người, Bộ Xây dựng mới phát hiện ra rằng sản phẩm của Cty Cổ phần Nhựa cốt sợi thủy tinh Mai Động đang bán trên thị trường không đúng tiêu chuẩn VN về phòng cháy chữa cháy, tức là nó đã bị cháy rụi trong khi yêu cầu là làm bằng vật liệu không cháy.
Trong khi đó đã có ít nhất 13 “ông lớn” đã lắp đặt, sử dụng hệ thống thu rác do công ty này sản xuất ở các dự án nhà của Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), TCty Nhà Hà Nội…
Cũng chỉ đến khi Trung Quốc ra lệnh cấm sử dụng loại hộp xốp để đựng thức ăn đã nấu chín thì Bộ Y tế mới sực tỉnh ra rằng thức ăn nóng đã giải phóng chất monostyren, một loại chất rất độc hại.
Ngoài ra, khi dùng loại hộp này đựng thức ăn, các chất như dầu mỡ, muối, acid từ chanh... cũng sẽ làm cho chất độc từ hộp xốp phát tán gây nguy hại đến gan, tạo ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư. Thế nhưng vài năm nay loại hộp xốp này được sử dụng đại trà để đựng thức ăn chín do sự tiện dụng và giá bán chỉ 200-300 đồng.
Đáng chú ý hơn nữa là chỉ đến khi các sự việc trên gây hậu quả lớn, hoặc dư luận đã quá lo lắng mới thấy Bộ Xây dựng yêu cầu các sở kiểm tra, rà soát; mới thấy lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu viện kiểm nghiệm lấy mẫu. Trong khi đó Luật Xây dựng, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, 5
hàng hóa và nhiều văn bản khác đã quy định rất rõ chức trách của các cơ quan nhà nước trước tính mệnh và quyền lợi người dân.
Thị trường là thiên hình vạn trạng. Mỗi ngày có hàng trăm sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp ra thị trường. Ở hai việc trên, Công ty Cổ phần Nhựa cốt sợi thủy tinh Mai Động hay các cơ sở sản xuất hộp xốp có thể phải đóng cửa, thậm chí phá sản vì lệnh tạm dừng cung cấp sản phẩm ra thị trường từ cơ quan nhà nước nhưng người dân vẫn chưa thấy yên tâm.
Bởi sự độc hại, sự thiếu an toàn là những thuộc tính vô hình của sản phẩm mà trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không mắt thấy, tay sờ nên đành trông cậy cả vào năng lực chuyên môn cũng như sự nhiệt tâm của cán bộ nhà nước.
Nhưng thực tế lại thế. Lỗ hổng chồng lỗ hổng càng khiến dân hoang mang. (Pháp Luật TP.HCM 1/4)
Thiếu quy chuẩn, chạy theo sự vụ
Thật quả không ngoa khi một số chuyên gia dự hội nghị tổng kết chương trình ATVSTP quốc gia năm 2009 đánh giá “vấn nạn” VSTP đang gây bất an cho người dân.
Nỗi ám ảnh của nhiều loại thực phẩm mất vệ sinh được phát hiện trong thời gian qua đến mức nhiều người phải thốt lên rằng “không còn muốn ăn nhưng cũng phải nhắm mắt mà ăn”...
Chưa hết, ngay cả những thứ đựng đồ ăn như hộp xốp mà các cơ quan chức năng Trung Quốc vừa cảnh báo gây hư gan, ung thư hay cả cái cây que cầm kẹo mút phát sáng cũng phát sinh độc tố khiến người dân thêm một phen “rùng mình”. Và cứ sau mỗi lần cảnh báo như vậy, cơ quan kiểm soát y tế, cụ thể là Cục ATVSTP lại hô hào vào cuộc ngăn chặn. Thử hỏi, nếu không có cảnh báo từ phía các nước hay phản ánh của người dân, của dư luận, cục có nhanh nhạy, sốt sắng đến vậy?
Cứ đợi “mất bò mới lo làm chuồng”, và điều này gần như là căn bệnh kinh niên của các cơ quan kiểm soát thực phẩm nước ta. Từ vụ độc chất melamine trong sữa đến 3-MCPD trong nước tương... đều thể hiện rõ cung cách quản lý còn nhiều lỗ hổng, bất cập. Trong đó, công tác kiểm nghiệm thường xuyên để ngăn chặn, phòng ngừa còn nhiều hạn chế.
Tìm ra nguyên nhân, tìm ra độc chất để sớm cảnh báo, xây dựng những quy chuẩn an toàn thực phẩm là những nguyên tắc tối cần thiết. Vậy nhưng, ở đây những nguyên tắc ấy được các cơ quan kiểm soát thực phẩm nước ta thực hiện ngược lại. Nghĩa là cứ nghe, thấy sản phẩm nào, thức ăn nào gây ngộ độc, có nguy cơ gây hại thì lấy mẫu, kiểm nghiệm để cảnh báo, sau đó thì cứ ung dung!
Theo Cục trưởng Cục ATVSTP, hiện nay, mạng lưới kiểm nghiệm ATVSTP đã được hình thành rộng khắp trong cả nước. 5 trung tâm kiểm nghiệm “quy mô” đặt tại 5 khu vực của cả nước cũng được đầu tư hiện đại. Nói vậy chứng tỏ năng lực kiểm nghiệm thực phẩm được đầu tư, trang bị không phải là ít ỏi! Song thực tế ông Cục trưởng thừa nhận: 100% labo xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay chỉ mới xét nghiệm được một số chỉ tiêu vi sinh cơ bản như phẩm màu, chất ngọt tổng hợp trong thực phẩm, một số vi khuẩn gây hại Coliform, E.Coli, Samonella.
Để xây dựng một ngôi nhà, người ta phải thiết kế, rồi mới thi công và trong thi công phải có bộ phận giám sát. Vậy thì thực phẩm cũng không ngoại trừ. Đó là phải có những quy chuẩn an toàn về thực phẩm, quy chuẩn cho những đồ dùng, vật dụng dùng trong thực phẩm...
Giả dụ là hộp xốp đựng cơm thì phải có quy chuẩn gì để khi đựng cơm, thức ăn không phát sinh chất độc, để từ đó người dân biết mà sản xuất, sử dụng và để cơ quan quản lý dễ kiểm soát, ngăn chặn và xử lý. Có như vậy mới mong hạn chế phần nào “vấn nạn” ATVSTP chứ không thể cứ vận dụng mãi cái ngược đời... mất bò mới lo... chạy theo sự vụ! (Sài Gòn Giải Phóng 1/4)
QUẢN LÝ
Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020: “Bỏ quên” vấn đề thể chế
Đó là nhận định của một số chuyên gia tại buổi hội thảo ngày 31/3 khi phản biện các báo cáo trong dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam 2011-2020”.
Dự án này do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ, phối hợp thực hiện với Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT. Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ với tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020.
Nhận xét báo cáo số một, về “Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”, TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt
Nam) nói: “Báo cáo này chưa khắc họa được sự gay gắt của tranh chấp kinh tế quốc tế, thể hiện qua tranh chấp tài nguyên mà một số ví dụ gần đây là biển Đông, sông Mekong…”.
Chuyên gia kinh tế Kim Sơn đồng tình: “Nói về xu thế phát triển kinh tế toàn cầu thì không thể không nhắc tới sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Với nhu cầu khổng lồ về tài nguyên, chẳng hạn nước, nếu Trung Quốc lấy nước của sông Cửu Long để phục vụ sản xuất thì chắc chắn chiến lược lương thực, thủy sản, đời sống cư dân của chúng ta sẽ thay đổi nghiêm trọng… Tất cả yếu tố đó của Trung Quốc đều tác động tới Việt Nam nhưng báo cáo không tính đến”.
Theo ông Kim Sơn, vấn đề đối với VN không chỉ là chính sách mà còn là thể chế, tức cách thức phối hợp, tổ chức, hoạch định và thực hiện chính sách. “Cách tiếp cận của báo cáo chưa đưa ra giải pháp nào cho vấn đề thể chế”, ông nói.
Báo cáo số ba, về “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét là: “Thiếu phân tích sâu về thể chế và chính sách cạnh tranh, hay đánh giá về luật cạnh tranh 2006 của Việt Nam”. “Báo cáo chưa nói về vấn đề hoàn thiện thể chế là chưa đủ. Bàn về chính sách thì mới chỉ là phần ngọn thôi”, ông bình luận.
TS Ngô Doãn Vịnh - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đặt vấn đề thẳng: “Nếu không giải quyết vấn đề thể chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh thì có kỳ vọng tạo được năng lực cạnh tranh quốc gia không?”. (Pháp Luật TP.HCM 1/4)
Gần 1.000 thanh tra giao thông trình độ... dưới trung cấp
Mặc dù Thanh tra giao thông đòi hỏi phải có trình độ sâu về chuyên môn sâu và luật pháp, nhưng trên thực tế, có đến gần 1.000 cán bộ hiện đang ở trình độ... dưới trung cấp.
Theo tổng kết của Ngành Giao thông năm 2009, do lực lượng thanh tra quá mỏng, điều kiện vật chất chưa đảm bảo nên hiệu quả thanh tra giao thông đã không đạt được kết quả như mong muốn.
Ông Ngô Quang Đảo - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ chia sẻ: “Trong năm 2009, lực lượng đội ngũ thanh tra giao thông quá mỏng. Cơ sở vật chất như phương tiện, xe cộ, nơi ăn chốn ở còn gặp rất nhiều khó khăn. Riêng
ngành đường bộ có 35 đơn vị trên toàn quốc, thế nhưng chỉ có khoảng 7 đến 9 địa phương có trụ sở, phần còn lại là ở nhờ, ở ké, điều này thực sự không ổn”.
Một con số hết sức thuyết phục cho tình trạng “thiếu” này, đó là với chiều dài lên đến 220.000 km đường thuỷ trải dài trên cả nước, nhưng lực lượng thanh tra đường thủy nội địa trên toàn quốc hiện nay chỉ có 74 cán bộ (trung bình gần 3.000km/1 cán bộ), trong đó 12 cán bộ vẫn đang hoạt động không có lương.
Bên cạnh những đóng góp của lực lượng thanh tra GTVT trong thời gian qua, đạo đức của cán bộ ngành cũng là một vấn đề còn tồn tại. Nổi cộm trong năm 2009 là vụ ông Lê Ngọc Tiến - Chánh Thanh tra Cục Đường bộ VN có dấu hiệu nhận tiền của một số người để được bổ nhiệm. Ngoài ra vẫn còn diễn ra tình trạng "ăn tiền mãi lộ" qua các cửa ngõ. Đây vẫn là một thực trạng nhức nhối trong ngành thanh tra giao thông!
Còn đại diện ngành đường sắt cũng thừa nhận, do lực lượng thanh tra giao thông quá “mỏng” nên nhiều khi gặp phải sự chống đối của các đối tượng vi phạm khi bị bắt giữ. Bên cạnh đó, hiện 14 trụ sở của thanh tra đường sắt vẫn phải đi muợn, nên đơn vị hoạt động hết sức khó khăn.
Cán bộ Thanh tra giao thông không chỉ thiếu mà còn yếu. Điều này thể hiện ở chỗ, nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu ngành cũng như về pháp luật, một trong những yêu cầu không thể thiếu của thanh tra giao thông. Hiện, toàn ngành thanh tra giao thông có 3,2 ngàn cán bộ thì trong đó trình độ đại học, trên đại học chỉ có 1,4 ngàn người, cao đẳng, trung cấp 1,1 ngàn. Còn lại là cán bộ có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn dưới trung cấp.
Để khắc phục điểm yếu và thiếu nhân lực trong lĩnh vực thanh tra GTVT, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, khi Đề án tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng thanh tra GTVT được thực hiện thì lực lượng thanh tra GT sẽ được tăng cường và có những thay đổi triệt. Chắc chắn đời sống vật chất và năng lực của thanh tra viên sẽ được cải thiện trong năm 2010…(Theo VnMedia 31/3)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT buộc 5 TP lớn hứa không dạy chữ trước
Các trường, địa phương, cụ thể là 5 TP lớn cần sớm đưa ra lời hứa sẽ không để xảy ra hiện tượng dạy chữ trước cho trẻ, cũng như không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường liên tiếp như thời gian qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu như vậy vào sáng 31/3, tại hội nghị giao ban lần thứ 2 vùng thi đua số 7 (5 thành phố lớn trực thuộc trung ương) diễn ra ở TP.HCM.
Với 3 "nội dung nóng" về giáo dục ở các thành phố lớn (nạn bạo lực học đường, tình trạng cho trẻ học trước tuổi, cũng như những vướng mắc, lỏng lẻo trong quản lý các cơ sở trường học có yếu tố nước ngoài), ông Nhân đề nghị các địa phương phải sớm rà soát lại các văn bản pháp quy, nhằm kiện toàn các văn bản luật để đưa ra những chế tài cụ thể, rõ ràng với những sai phạm mà các trường có yếu tố nước ngoài vướng phải.
Báo cáo của ngành giáo dục đào tạo 5 thành phố lớn cho thấy, nhưng một số lĩnh vực cũng không kém phần thách thức. Nổi bật là băn khoăn về hành lang pháp lý và định biên cho việc triển khai dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học (thí điểm dạy Anh văn cho học sinh lớp 3).
Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành đề nghị các trường, các địa phương cần phải thực chất và cụ thể hơn trong hành động để đổi mới chất lượng giáo dục, phương pháp giảng dạy.
Còn ông Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng, phải xác định rõ quan điểm đánh giá để tránh những vướng mắc.
Theo ông, nếu chỉ xác định quan điểm và đánh giá như cách mà ngành giáo dục hiện nay đang làm là luôn đòi hỏi ở người giáo viên, một người quản lý phải xây dựng một ngôi trường, một lớp học đều phải xuất sắc hết thì e rằng sẽ đẩy thầy giáo và người làm quản lý trên đi đến chỗ không trung thực, sa vào bệnh thành tích bởi chính áp lực do cái quan điểm thiếu thực tế trên mang lại. (Theo Vietnamnet 1/4)
Đà Nẵng: Nhiều tham luận chủ yếu kể thành tích
Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, do Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức ngày 31/3.
Qua thời gian thực hiện thí điểm tại 14 đảng bộ cơ sở, Thành ủy Đà Nẵng cho biết nhiều đảng bộ đạt tỉ lệ cấp ủy viên là nữ trên 15%, cấp ủy viên 30 tuổi trở xuống trên 15% cũng chiếm khá đông.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận: Trong quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như: nhiều báo cáo chính trị quá dài, nhiều tham luận tại đại hội phần lớn là đọc bài viết sẵn và còn dài, chủ yếu kể lể thành tích của đơn vị, việc tranh luận, phản biện tại đại hội rất hạn chế. Đặc biệt, vẫn có tình trạng không có đại biểu tự ứng cử...(Tuổi Trẻ 1/4)
Từ 1/4, Bộ TN&MT sẽ thanh tra khai thác cát, nước ngầm
Từ 1/4-28/4, bốn đoàn của Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khai thác nước ngầm tại 13 tỉnh ĐBSCL.
Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, mục đích của đợt thanh tra, kiểm tra này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và khoáng sản, đồng thời đưa các hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp, có kế hoạch khai thác phù hợp.
Được biết, thời gian qua, hàng loạt phương tiện khai thác cát lén lút gây ra tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu. Ngoài ra, do khai thác nước ngầm quá mức nên hầu hết các giếng nước ngầm trong khu vực đều có hiện tượng tụt giảm nghiêm trọng. (Pháp Luật TP.HCM 1/4)
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Bộ GTVT: Tiết kiệm 4.800 tỉ đồng/năm nhờ đơn giản thủ tục
31/3, ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết: Bộ này đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Theo đó, trong tổng số 409 TTHC được rà soát chỉ giữ nguyên năm, sửa đổi 387 và bãi bỏ 16 TTHC. Tính toán cho thấy sau khi đơn giản hóa TTHC, các lĩnh vực tiết kiệm được nhiều chi phí là hàng không (42,9%), hàng hải (38,5%), đường sắt (33,5), đăng kiểm (32,7%), đường bộ (30,1) và đường thủy nội địa (30,5%). Dự kiến tổng số tiền tiết kiệm sau khi đơn giản hóa TTHC là hơn 4.800 tỉ đồng/năm.
Cùng ngày, Bộ TN&MT đã có báo cáo về kết quả rà soát và phương án đơn giản hóa TTHC. Theo đó, Bộ TN&MT kiến nghị đơn giản hóa trên 200 TTHC, giúp tiết kiệm trên 50% chi phí của người dân và doanh nghiệp. (Pháp Luật TP.HCM 1/4)
QUẢN LÝ NGÂN SÁCH
Đồng Tháp: Thu hồi 100% số tiền vi phạm sau thanh tra
Trong tháng 3, ngành Thanh tra tỉnh Đồng Tháp đã kết thúc 17/47 cuộc thanh tra, phát hiện 4/47 đơn vị và 222/354 đối tượng vi phạm với tổng số tiền 835,55 triệu đồng. Đến nay, đã thu hồi xong 100% số tiền vi phạm (835,55 triệu đồng); 22/30 kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý được thực hiện…(Thanh Tra 1/4)
Khánh Hòa: Thanh tra việc mua thiết bị ở Đài PTTH tỉnh
Chiều 31/3, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị truyền hình ở Đài PTTH tỉnh Khánh Hòa.
Từ đơn tố cáo nhiều lần của một cán bộ Trung tâm sản xuất chương trình của đài cho rằng đài sai phạm trong việc mua xe truyền hình lưu động và cẩu điện giá trị lớn. Tổng Thanh tra chính phủ đã đề nghị Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa kịp thời giải quyết tố cáo báo cáo kết quả giải quyết về Thanh tra TP.HCM. (Tuổi Trẻ 31/3)
PHÁP LUẬT
Cà Mau: Khai trừ đảng hai cán bộ huyện
31/3, Tỉnh ủy Cà Mau ký hai quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Văn Tuồng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi và ông Trần Xuân Khuya - Phó chủ tịch huyện.
Theo quyết định, ông Tuồng ký ba công văn và chỉ đạo cấp dưới ký một công văn trình UBND huyện Đầm Dơi cho phép khai thác rừng phòng hộ xung yếu trái quy định nhà nước. Cá nhân ông Tuồng được giao khoán 4 ha đất rừng phòng hộ để làm vuông tôm.
Ông Khuya đã ký hai quyết định, một công văn cho phép khai thác rừng phòng hộ để đào vuông nuôi tôm vượt quá thẩm quyền được giao. Cá nhân ông Khuya được giao khoán 4,9 ha đất rừng phòng hộ để nuôi tôm…
Trước đó, hai ông bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng…(Pháp Luật TP.HCM 1/4)
Long An: Một cán bộ xã tham gia mua bán bằng phổ thông giả
31/3, Công an huyện Mộc Hoá cho biết: Đang làm rõ một đường dây mua bán bằng tốt nghiệp PTTH bổ túc giả để hợp thức hoá việc theo học một số trường đại học vừa học vừa làm ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có một cán bộ tài chánh-kế hoạch của xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hoá.
Cán bộ tham gia vào đường dây này được xác định là ông Nguyễn Văn Diên, trước đây là Phó công an xã, nay chuyển qua làm cán bộ kế hoạch-tài chính xã Bình Hiệp. Bước đầu ông khai nhận có nhận làm cho khoảng 10 trường hợp bằng bổ túc cấp 3 với giá trên một triệu đồng. Phần lớn người có nhu cầu sử dụng là cán bộ đang công tác một số xã vùng sâu thuộc huyện Đồng tháp Mười. Việc “mua” bằng trên là nhằm hợp thức hoá đi học các lớp đại học vừa học vừa làm và chuẩn hoá công chức.
Theo điều tra bước đầu, đường dây này do ông Diên tham gia tiêu thụ 50-60 bằng loại bổ túc cho một số cán bộ cấp xã thuộc các huyện Đồng Tháp Mười. Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ. (Theo VOV News 2/4)
Tiền Giang: Thi hành kỷ luật 49 đảng viên
Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Khối Cơ quan Dân Chính Đảng Tiền Giang đã kỷ luật khiển trách 1 tập thể Chi ủy Chi bộ cơ sở do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu trách nhiệm để đơn vị vi phạm về tài chính, về chuyên môn, nội bộ mất đoàn kết.
Ngoài ra, cơ quan này cũng tiến hành kỷ luật 49 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý; gồm các hình thức: Khiển trách 22, cảnh cáo 21, cách chức 2 và khai trừ 4. Nội dung vi phạm: Thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật kém, phẩm chất lối sống và các vi phạm khác. (Thanh Tra 1/4)
Nguồn: Bản tin Chính sách và QLNN
BBT cảm ơn Bộ phận Báo chí tuyên truyền Văn phòng Bộ Công Thương và các biên tập viên xây dựng bản tin.