Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) là Khuôn khổ hợp tác kinh tế do Hoa Kỳ đề xuất với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm.
Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) được chủ trì bởi Đại sứ - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai và Bộ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) Gina Marie Raimondo, có sự góp mặt của 14 quốc gia quan tâm bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam.
Khuôn khổ bao gồm 4 Trụ cột hợp tác kinh tế chính: Trụ cột I - Thương mại, Trụ cột II - Chuỗi cung ứng, Trụ cột III - Kinh tế sạch và Trụ cột IV - Kinh tế công bằng.
Trụ cột I bao gồm các cấu phần liên quan đến: (i) lao động, (ii) môi trường, (iii) kinh tế số, (iv) nông nghiệp, (v) minh bạch hoá và thực hành tốt các quy định, (vi) chính sách cạnh tranh, (vii) thuận lợi hoá thương mại, (viii) tính bao trùm, và (ix) hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế.
Trụ cột II bao gồm các nội dung: (i) Thiết lập các tiêu chí cho các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; (ii) Tăng sức chống chịu và tăng đầu tư vào các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; (iii) Thiết lập Cơ chế chia sẻ thông tin và ứng phó đối với khủng hoảng; (iv) Tăng cường hậu cần chuỗi cung ứng; (v) Nâng cao vai trò của người lao động và (vi) Cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
Trụ cột III tập trung vào 5 cấu phần chính là: (i) An ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng; (ii) Giảm phát khí nhà kính trong một số ngành ưu tiên ; (iii) Các giải pháp đất, nước, đại dương bền vững; (iv) Công nghệ tiên tiến cho giảm thiểu khí nhà kính; và (v) Các biện pháp khuyến khích chuyển đổi năng lượng sạch.
Trụ cột 4 bao gồm 4 vấn đề chính: (i) Chống tham nhũng; (ii) Thuế; (iii) Xây dựng năng lực và đổi mới sáng tạo; và (iv) Hợp tác toàn diện và minh bạch hoá.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao Tuyên bố Bộ trưởng đã thể hiện việc tôn trọng sự đa dạng và trình độ phát triển của các nước tham gia. Việt Nam khẳng định chủ trương luôn ủng hộ quá trình hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng có lợi cho các nước tham gia.
Bộ trưởng cũng cho biết Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và đẩy nhanh việc tham vấn trong nước về từng lĩnh vực hợp tác để có thể tham gia tích cực vào từng lĩnh vực, trụ cột cụ thể trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất các nước cần tiếp tục duy trì cách tiếp cận linh hoạt và thực tiễn như thời gian qua; làm rõ kết quả và lợi ích cụ thể mà các nước có thể có được khi tham gia Khuôn khổ; hiện thực hóa các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và năng cao năng lực cũng như làm rõ cơ chế linh hoạt cho các nước có trình độ phát triển khác nhau; và đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng để thảo luận về nội dung và lộ trình để việc triển khai được nhất quán và hiệu quả.
Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có các hoạt động phối hợp quan điểm trong ASEAN và gặp các đối tác bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Brunei để thảo luận các nội dung hợp tác đa phương, khu vực và song phương.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng các nước đã thông qua nội dung cơ bản cho 4 bản Tuyên bố cấp Bộ trưởng xoay quanh các Trụ cột, làm cơ sở để các nước thảo luận và định hình nội dung cụ thể cho những vấn đề được đề cập đến trong Tuyên bố của các Trụ cột.