Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 7/11/2019, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những nội dung liên quan đến lĩnh vực Công Thương, đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận; 10 đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, có 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi, xin gửi câu hỏi tới Bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho các đại biểu Quốc hội. Cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.
Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trước những chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng và thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua.
Trong phiên chất vấn sáng 7/11/2019, bày tỏ lo ngại về vấn đề gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp hiện nay, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay.
Đại biểu nêu rõ, cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hoá, gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hoá qua Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?
Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước hiện nay đang thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.
Đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị làm rõ con số 7,9% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội bền vững và có thực sự là nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Về lý do tại sao chỉ có đưa ra 25 mặt hàng có nguy cơ này? Bộ trưởng cho biết, bởi chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.
Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại. Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp chính.
Bộ trưởng cũng thông tin, ngoài việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt.
Về hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh và cho biết, chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của 389 quốc gia, trong đó có cả quản lý thị trường cũng phải quyết liệt.
Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công thương xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.
“Chúng tôi cũng nói luôn là không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt của mình thực sự. Đây là vấn đề phức tạp, mới được hai tháng nay, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết không thờ ơ.
Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của nó và phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của nó để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành và sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng trong sáng 7/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục giải trình trước Quốc hội nhiều vấn đề "nóng" của ngành. Nhiều câu hỏi liên quan đến các dự án điện, nhiệt điện chậm triển khai gây bức xúc trong xã hội được các đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng.