Với 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã được ký kết, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ hơn 50 nước đối tác FTA. Điều này biến Việt Nam trở thành một thị trường sôi động và hấp dẫn trong con mắt các nhà xuất khẩu nước ngoài.
Trong khi đó, dưới tác động của COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới giảm bớt, nhưng nguồn cung vẫn duy trì dẫn đến tình trạng dòng hàng hóa sản xuất ra bị dư thừa. Xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều thị trường lớn trên thế giới cũng khiến luồng hàng xuất khẩu chuyển hướng đến những nền kinh tế mới, có tiềm năng tăng trưởng tốt như Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, nguy cơ hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam gây thiệt hại đáng kể hoặc nghiêm trọng cho các ngành sản xuất nội địa trở nên đậm nét hơn bao giờ hết. Phòng vệ thương mại, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, đang trở thành công cụ đáng chú ý để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong quá trình hội nhập. Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy ngày càng nhiều nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như một cách thức hữu hiệu để điều tiết hàng nhập khẩu.
Biện pháp chống bán phá giá
Trong thương mại quốc tế, bán phá giá được hiểu là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được xuất khẩu sang thị trường nước khác với mức giá thấp hơn mức giá hàng hóa tương tự bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu.
Theo Điều 77 Luật Quản lý Ngoại thương, biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thương là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điểu tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.
Theo Khoản 3, Điều 77 Luật Quản lý Ngoại thương, các biện pháp chống bán phá giá bao gồm: áp dụng thuế chống bán phá giá; và cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.
Theo Điều 78 Luật Quản lý Ngoại thương, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể ngoại trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý Ngoại thương;
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị xác định bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo quy định tại khoản (b) nêu trên;
Biện pháp chống bán phá giá không được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Thuế chống bán phá giá được tính dựa trên biên độ phá giá.
Bên cạnh đó, các vụ việc điều tra chống bán phá giá chịu sự chi phối bởi quy định về nền kinh tế phi thị trường. Trong nhiều vụ điều tra áp thuế chống bán phá giá, việc bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường dẫn đến nhiều bất lợi cho Việt Nam trong quá trình các nhà điều tra nước ngoài tính toán biên độ phá giá như nguy cơ đánh trùng thuế (double counting) hoặc nguy cơ bị tính toán bất lợi trong điều tra áp thuế chống bán phá giá.
Về nguy cơ đánh trùng thuế, hai trong các nguyên tắc cơ bản của WTO là mức thuế phải được áp một cách bình đẳng đối với tất cả các thành viên dựa trên nguyên tắc Đối xử Tối huệ quốc (MFN) và cam kết thuế trần (bound rate) sẽ không được tăng trừ phi các thành viên đàm phán với nhau. Tuy nhiên, WTO vẫn có một số ngoại lệ đối với hai nguyên tắc cơ bản nêu trên, hai trong số đó là thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Trên thực tế, hiện nay nhiều thành viên WTO có xu hướng điều tra cùng một lúc hai biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với cùng một sản phẩm của một nước có nền kinh tế phi thị trường mặc dù Hiệp định GATT 1994 không cho phép việc đánh trùng thuế lên cùng một sản phẩm. Đây bị coi là một hành vi thương mại không công bằng.
Về nguy cơ bị tính toán bất lợi trong điều tra áp thuế chống bán phá giá, đối với các quốc gia bị đánh giá là nền kinh tế phi thị trường, cơ quan điều tra nước ngoài sẽ sử dụng phương pháp dùng dữ liệu của nước thay thế (surrogate country) có nền kinh tế thị trường để tính mức thuế chống bán phá giá cho nền kinh tế phi thị trường. Cách tính toán này không phản ánh giá trị thực của hàng hóa bị điều tra và làm thổi phồng biên độ phá giá.
Việc công nhận một nước có nền kinh tế thị trường (market economy status – “MES”) được phân tích và đánh giá trên cơ sở hệ thống các tiêu chí được quy định trong nội luật của mỗi nước. Một số nước có quy định nội luật về vấn đề này như Hoa Kỳ, EU, Canada, Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Ấn Độ, Nhật Bản,… Cho đến nay, đã có 64 thành viên WTO công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Biện pháp chống trợ cấp
Trong thương mại quốc tế, trợ cấp được hiểu là các khoản hỗ trợ, đóng góp từ phía Chính phủ cho các doanh nghiệp mà các khoản hỗ trợ hay đóng góp này sẽ đem lại lợi ích thương mại cho doanh nghiệp. Theo khoản 1 của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures – SCM), trợ cấp được xem là tồn tại khi thỏa mãn 02 yếu tố sau:
- Là khoản đóng góp tài chính của chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào;
- Khoản đóng góp đó phải tạo ra lợi ích do đối tượng được nhận.
Theo quy định của WTO, các chính phủ được phép trợ cấp nhưng chỉ trong các giới hạn và điều kiện nhất định. Hiện nay, WTO có hai hệ thống quy định riêng về trợ cấp, áp dụng cho hai nhóm sản phẩm:
Đối với hàng hoá nông sản, các vấn đề liên quan đến trợ cấp được quy định tại theo Hiệp định Nông nghiệp (Agreement on Agriculture) của WTO.
Đối với hàng phi nông sản, các loại trợ cấp, quy tắc và điều kiện cho mỗi loại trợ cấp và các biện pháp đối kháng được quy định tại Hiệp định SCM.
Theo pháp luật Việt Nam, trợ cấp là sự đóng góp của Chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới các hình thức sau đây đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân nhận trợ cấp:
- Chính phủ thực tế chuyển vốn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân hoặc nhận nợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân;
- Chính phủ bỏ qua hoặc không thu các khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp cho Chính phủ;
- Chính phủ cung cấp cho tổ chức, cá nhân tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ không phải là cơ sở hạ tầng chung;
- Chính phủ mua tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ của tổ chức, cá nhân với giá cao hơn giá thị trường;
- Chính phủ bán tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ cho tổ chức, cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường;
- Chính phủ góp tiền vào một cơ chế tài trợ; ủy thác, giao hoặc chỉ đạo, yêu cầu tổ chức tư nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động được quy định tại các khoản (1), (2), (3), (4), và (5) nêu trên thông thường thuộc chức năng của Chính phủ và trong thực tế không khác với những hoạt động thông thường của Chính phủ; Bất kỳ hình thức hỗ trợ về thu nhập hoặc giá;
- Bất kỳ trợ cấp nào khác không thuộc quy định tại các khoản (1), (2), (3), (4), (5) và (6), nêu trên được xác định dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý, không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, theo Điều 2 Hiệp định SCM, khi xác định trợ cấp cần phải xác định tính riêng biệt. Tính riêng biệt thể hiện ở việc liệu trợ cấp được dành chung cho tất cả các ngành sản xuất trong khu vực được nhận trợ cấp hay trợ cấp chỉ dành cho một doanh nghiệp, một ngành sản xuất hay một nhóm doanh nghiệp, nhóm ngành sản xuất. Chỉ có thể áp dụng biện pháp đối kháng đối với trợ cấp nếu hành vi trợ cấp đó mang tính “riêng biệt”.
Hiệp định SCM quy định ba loại trợ cấp gồm: (1) Trợ cấp bị cấm (prohibited subsidies); (2) Trợ cấp có thể bị đối kháng (actionable subsidies); và (3) Trợ cấp không bị đối kháng (non-actionable subsidies).
Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:
- Áp dụng thuế chống trợ cấp;
- Cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc của Chính phủ nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu;
- Các biện pháp chống trợ cấp khác.
Biện pháp chống trợ cấp được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hàng hóa được xác định có trợ cấp theo quy định và mức trợ cấp được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định khác;
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa được trợ cấp quy định tại điểm a khoản này với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại mục (2) nêu trên.
Biện pháp chống trợ cấp sẽ không được áp dụng đối với nhà sản xuất, xuất khẩu ở các nước phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 1% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước đang phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam và nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước kém phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 3% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước đang phát triển có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 4% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 9% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) được tính toán dựa trên biên độ trợ cấp.
Biện pháp tự vệ
Trong thương mại quốc tế, biện pháp tự vệ được hiểu là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hóa khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp này chỉ được áp dụng đối với hàng hóa, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
Điều 2 Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO quy định nước thành viên có thể áp dụng biện pháp tự vệ khi thành viên đó đã xác định được sản phẩm nhập khẩu vào lãnh thổ mình có sự gia tăng nhập khẩu, tương đối hay tuyệt đối so với sản xuất nội địa, mà có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.
Theo pháp luật Việt Nam, biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Các biện pháp tự vệ đối với hàng hoá được nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:
- Áp dụng thuế tự vệ;
- Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;
- Áp dụng hạn ngạch thuế quan;
- Cấp giấy phép nhập khẩu;
- Các biện pháp tự vệ khác.
Các biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Nhập khẩu quá mức khi khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu gia tăng một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước;
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng;
- Việc gia tăng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a khoản này là nguyên nhân chính gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ 01 nước đang phát triển có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 9% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.
Thực tiễn cho thấy phòng vệ thương mại chính là “chiếc van an toàn” trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động.
Việt Nam đã áp dụng hợp lý và hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã tiến hành 16 vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 06 vụ điều tra tự vệ, 01 vụ điều tra chống trợ cấp và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phóng vệ thương mại đối với các loại hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.
Các biện pháp phòng vệ thương mại này đã phần nào bảo vệ được lợi ích một số ngành sản xuất trong nước (với giá trị đóng góp lên tới 6% tổng GDP năm 2019) và giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Bên cạnh đó, các biện pháp này cũng giúp làm giảm bớt rủi ro hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp hàng hóa Việt Nam có uy tín tốt hơn trên thị trường quốc tế.