Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương: Đổi mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng.
thuc hanh
Sinh viên thực hành trên hệ thống điều khiển điện, điện tử trên ô tô

Năm học 2021 - 2022, các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương đã tăng cường đổi mới giáo dục và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Kết nối nhà trường - Doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm học 3 định hướng, nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra để các Trường chủ động xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể theo đặc thù của mỗi Trường

Một là, tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau Đại dịch.

Hai là, các cơ sở GDĐH: tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị ĐH, hướng tới quản trị ĐH 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, các cơ sở GDNN: tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Đề cao thực học và thực hành

Bám sát vào định hướng, chỉ đạo của Bộ các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng. Năm học 2021-2022, các Cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

Thứ nhất, các trường tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và  giải trình xã hội

Hệ thống các văn bản nội bộ để thực hiện tự chủ đã được các Trường củng cố, hoàn thiện như: Quy chế Tổ chức và hoạt động; Quy chế về chế độ làm việc; Quy chế về hoạt động khoa học công nghệ; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về tiêu chuẩn và quy trình về công tác cán bộ; Quy chế hoạt động đảm bảo chất lượng…

Thứ hai, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đảm bảo yêu cầu Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các cơ sở giáo dục thuộc Bộ đã chú trọng công tác tuyển chọn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của người học, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của xã hội; Chú trọng đến việc thực hành các thao tác, các bước của hoạt động lắp ráp, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật, nhất là máy móc hiện đại, điều khiển từ xa, tự động hoá.

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục thuộc Bộ tổng số chương trình được xây dựng mới, chỉnh sửa là 1072 chương trình tăng 277% so với năm học 2020-2021. Đáng chú ý, tổng số chương trình dạy online, kết hợp cả dạy online và trực tiếp chiếm 50% tổng số chương trình. Việc tăng tỷ lệ chương trình, giáo trình online, kết hợp cả online và trực tiếp thể hiện việc các Trường thuộc Bộ đã linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi hình thức giảng dạy, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, các trường đã đầu tư mua mới 414 giáo trình của nước ngoài.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý

Chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý được cải thiện với 11,4% có trình độ tiến sỹ với 11,4% có trình độ tiến sỹ. Số giảng viên trẻ đi học nước ngoài về tăng lên và họ bước đầu áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiên tiến trên thế giới.

Thứ tư, tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Sinh viên được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng. 100% các Trường trực thuộc Bộ Công Thương có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong những năm gần đây với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới trên 5 nghìn đơn vị trong và ngoài nước.

Thứ năm, Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế năm học 2021- 2022 có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tư duy và định hướng mới trong hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Kết quả cụ thể: Hợp tác đầu tư cơ sở vật chất cho các trường: Dự án “Tăng cường lĩnh vực GDNN “ sử dụng vốn vay Chính phủ Nhật Bản của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Hợp tác về chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên và trao đổi sinh viên, hỗ trợ học bổng,...: KISMEC hỗ trợ đào tạo giảng viên kỹ thuật cho 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Thành phố HCM. Bộ Công Thương tiếp tục với Hiệp hội KOSEN triển khai thí điểm mô hình đào tạo kỹ sưu thực hành tại 3 trường CĐ (Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghiệp Huế, Công nghiệp và Thương mại). KOSEN hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình giảng dạy, kết nối doanh nghiệp Nhật Bản.

Các Trường thuộc Bộ tiếp tục chủ động xây dựng, ban hành các quy chế, quy định về hợp tác quốc tế trong đào tạo; kiện toàn bộ máy thực hiện công tác hội nhập quốc tế; liên kết đào tạo với những cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín; ký kết biên bản hợp tác, công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề với các trường nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Quảng Ninh, Trường Đại học Điện lực, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng,...); trao đổi giảng viên, sinh viên,... Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác và tài trợ thiết bị thí nghiệm thực hành cho các trường, nhận sinh viên thực tập và làm việc trong, ngoài nước (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sao đỏ, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp). 6 trường cao đẳng nhận chuyển giao chương trình đào tạo cho 3 nghề của Đức để đào tạo 624 sinh viên một năm…

 

Gia Hân