Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức đặt ra và giải pháp cho ngành kiểm toán Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ THỦY (Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Kiểm toán Việt Nam là một trong các ngành chịu tác động nhanh chóng, sâu sắc, toàn diện từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích những thách thức từ cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho ngành Kiểm toán Việt Nam; tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển bền vững ngành Kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kiểm toán, ngành kiểm toán.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (CMCN 4.0) nhận định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước” [3].

Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đã và đang mang đến những công cụ hữu ích và tạo cơ hội cho ngành Kiểm toán Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy khi lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành kiểm toán cũng gặp không ít thách thức khi nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành. Nhận thức đầy đủ những thách thức của ngành Kiểm toán trong bối cảnh CMCN 4.0; từ đó có giải pháp để ngành tranh thủ tối đa các lợi thế, vượt qua những thách thức từ cuộc cách mạng này là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Kiểm toán và cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Với vai trò là một công cụ kiểm tra tài chính, phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế, kiểm toán (Audit) có nguồn gốc lịch sử hàng ngàn năm. Từ những hình thức sơ khai ban đầu cho đến nay, hoạt động kiểm toán đã trải qua một quá trình phát triển phức tạp gắn liền với các sự kiện lịch sử trên thế giới và luôn được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế trong từng thời kỳ. Có nhiều quan niệm về kiểm toán như: “Kiểm toán là quá trình có hệ thống, độc lập, và được lập thành văn bản nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán và đánh giá  một cách khách quan để xác định mức độ thỏa mãn với các tiêu chuẩn kiểm toán” [1]; “Kiểm toán là việc thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin đó với các tiêu chuẩn đã được thiết lập; Kiểm toán phải được thực hiện bởi cá nhân có đủ năng lực và độc lập” [2].

Tại Việt Nam, hoạt động kiểm toán được chấp nhận từ khi chuyển đổi cơ chế quản lý từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước [5]. Trong cơ chế quản lý kinh tế mới, Nhà nước lãnh đạo và quản lý nền kinh tế không phải bằng biện pháp hành chính mà bằng pháp luật, bằng biện pháp kinh tế, bằng đòn bẩy và công cụ kinh tế. Kinh tế thị trường cũng đòi hỏi các hoạt động kinh tế - tài chính phải diễn ra một cách bình đẳng, công khai, minh bạch. Hoạt động kiểm toán hình thành và phát triển trở thành một nhu cầu tất yếu đối với hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng quản lý tài chính. Ngay từ những ngày đầu, cả 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán nội bộ đều được chú ý hình thành và phát triển ở Việt Nam.

Trong giai đoạn kiểm toán truyền thống, công cụ kiểm toán thủ công đòi hỏi nhiều lao động và tạo ra áp lực lớn cho các kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ xác minh trong một khoảng thời gian giới hạn. Từ những năm 1970, các kiểm toán viên đã có thể sử dụng dần dần các thiết bị máy tính, phần mềm và cơ sở dữ liệu để kiểm tra dữ liệu kế toán điện tử [4]. Những công cụ này đã ảnh hưởng đáng kể đến nỗ lực của kiểm toán viên trong việc theo dõi, tính toán và kiểm tra các giao dịch kế toán. Kể từ đó, ngày càng có nhiều công nghệ được sử dụng trong nghề kiểm toán, để tăng hiệu quả và hiệu lực của hoạt động kiểm toán, và cuối cùng là cải thiện chất lượng kiểm toán nói chung. Ngày nay, với sự tác động của cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi nghề kiểm toán cũng phải có những thay đổi thích ứng. Ở Việt Nam, mặc dù kiểm toán phát triển chậm hơn so với thế giới, nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, ngành Kiểm toán ở Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng chung của kiểm toán thế giới. 

Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Đây là cuộc cách mạng với sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. CMCN 4.0 có các đặc trưng cơ bản là: 1) dựa trên nền tảng của sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật sẽ thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. 2) sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ - công nghệ này cũng cho phép con người có thể in ra sản phẩm mới bằng những phương pháp phi truyền thống, bỏ qua các khâu trung gian và giảm chi phí sản xuất nhiều nhất có thể. 3) công nghệ nano và vật liệu mới tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. 4) trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn và chính xác hơn. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc CMCN 4.0, như: trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ kinh tế, xã hội đến an ninh - chính trị của các quốc gia. Cuộc cách mạng này đang đặt ra những thách thức lớn đối với ngành kiểm toán Việt Nam.

3. Thách thức của ngành Kiểm toán Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Một là, thách thức từ sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, trong cách mạng 4.0, các cấu trúc mới của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, kỹ thuật số… đã tác động trực tiếp đến chu trình và phương pháp kế toán, kiểm toán.

Khi xây dựng các các chuẩn mực kế toán, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là tuân thủ hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) cơ bản đã được xây dựng dựa trên trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm khác biệt với IAS. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) được Bộ Tài chính ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực quốc tế (ISA) theo như điều 6 của Luật Kiểm toán độc lập.

Việt Nam hiện có 47 chuẩn mực, trong đó 37 chuẩn mực đã được cập nhật trong năm 2012 và 10 chuẩn mực vừa được ban hành để đồng bộ với các chuẩn mực ISA42 [10]. Tuy nhiên, VAS hiện thiếu một số chuẩn mực liên quan đến các đối tượng và giao dịch đã phát sinh như: thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 02); công cụ tài chính (IFRS 9); tổn thất tài sản (IAS 19) các khoản tài trợ của Chính phủ  (IAS 20);  nông nghiệp (IAS 41); phúc lợi của nhân viên ( IAS 36)… Rõ ràng, đang tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế. Những khác biệt này có ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế về kế toán của Việt Nam.

Thời gian gần đây, Hội đồng Chuẩn mực Kiểm toán và Dịch vụ bảo đảm Quốc tế IAASB ban hành một số chuẩn mực mới và sửa đổi một số chuẩn mực để nâng cao giá trị của báo cáo kiểm toán tới các nhà đầu tư và những người sử dụng khác. Điểm đổi mới lớn nhất là việc yêu cầu công ty kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết cần phải trình bày rõ ràng những “Phát hiện cơ bản” mà kiểm toán viên đánh giá là quan trọng nhất, đồng thời trình bày họ đã giải quyết những vấn đề đó như thế nào, trên báo cáo kiểm toán. Điều này đòi hỏi VSA cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh để có thể hòa hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Hai là, thách thức từ chất lượng nhân lực kiểm toán Việt Nam.

Hiện nay, chất lượng nhân lực của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam còn nhiều hạn chế về chất lượng do tuổi đời, kinh nghiệm làm việc ít. Số lượng các kiểm toán viên đạt chứng chỉ CPA quốc tế còn khiêm tốn. Hết năm 2019 có khoảng 291/2.056 kiểm toán viên hành nghề vừa có CPA quốc tế và CPA Việt Nam, trong đó chủ yếu làm việc cho các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài và một số doanh nghiệp kiểm toán trong nước quy mô lớn. Nhân viên và kiểm toán viên biết và sử dụng thành thạo từ 2 ngoại ngữ còn ít [6]. Việc nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, trong bối cảnh tác động của cuộc CMCN 4.0; đặc biệt là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây... còn hạn chế.

Theo Hiệp định AEC, kiểm toán là một trong các ngành nghề sẽ được các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kiểm toán trong nước mở rộng thị phần ra khu vực, giúp đa dạng hóa nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người Việt Nam có chứng chỉ hành nghề kiểm toán quốc tế được làm việc tại các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực của kiểm toán Việt Nam chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu, chưa thực sự tự tin để hội nhập.

Ba là, thách thức từ những hạn chế của hạ tầng số, bảo mật

Cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán” [9]. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ số và bảo mật của nước ta còn nhiều hạn chế, đặt ra nhiều thách thức. Hiện nay, tốc độ mạng băng rộng cố định, di động ở Việt Nam vẫn ở mức trung bình khá của thế giới và khu vực, chưa tạo ra được đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Theo đánh giá thống kê của Ookla Speedtest, đến ngày 1/9/2022, tốc độ mạng cố định của Việt Nam đứng thứ 45 trong số 182 quốc gia và tốc độ mạng di động đứng thứ 47 trong số 140 quốc gia [11]. Năm 2022, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam ở mức 21,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 883 triệu USD). Bức tranh toàn cảnh an ninh mạng 2022 tại Việt Nam còn những điểm nóng đáng quan ngại: mã độc đánh cắp tài khoản đã có thể “xuyên thủng” cơ chế bảo mật 2 lớp; số lượng máy tính nhiễm mã độc APT ở mức cao; ransomware chuyển hướng tấn công sang máy chủ; lừa đảo tài chính online bùng nổ; Việt Nam có tới 6,8 triệu người dùng tham gia thị trường tiền mã hóa là tiềm năng nhưng thách thức cũng rất lớn…[7]. Những hạn chế của hạ tầng số và bảo mật thông tin thực sự là thách thức lớn đối với ngành kiểm toán Việt Nam trong việc hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Bốn là, thách thức đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam

Năng lực cạnh tranh là yếu tố sống - còn của doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0. Hiện nay, mặc dù số lượng doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, gấp 12-15 lần các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài nhưng doanh thu bình quân của 1 doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài lại gấp 9 - 13 lần doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được khách hàng lựa chọn bởi các doanh nghiệp này được đánh giá là các đơn vị có uy tín, chất lượng kiểm toán tốt, tăng khả năng minh bạch của báo cáo, và tạo dựng hình ảnh cho doanh nghiệp được kiểm toán.

Các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam tuy nhiều về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động lại không cao. Các dịch vụ và sản phẩm cung cấp cho khách hàng chưa đa dạng. Doanh thu của các doanh nghiệp kiểm toán chủ yếu vẫn từ cung cấp dịch vụ kiểm toán: kiểm toán tài chính, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, soát xét báo cáo tài chính... Các dịch vụ phi kiểm toán như: dịch vụ kế toán, tư vấn thuế, thẩm định giá, dịch vụ khác... còn hạn chế.  Giai đoạn 2015 - 2018, bình quân 1 kiểm toán viên tạo ra từ 3-3,8 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp kiểm toán. Tuy nhiên, năng suất này chênh lệch khá đáng kể so với các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài (cao gấp 3 - 6 lần) [6]. Những điều này cho thấy phần nào năng lực cạnh tranh giữa nhóm các doanh nghiệp kiểm toán trong nước so với các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài rất chênh lệch.

4. Một số giải pháp đặt ra

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam. Khẩn trương triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực về kiểm toán nội bộ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực kiểm toán. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kiểm toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán - kiểm toán. Các kiểm toán viên cần được đào tạo, bồi dưỡng nắm chắc chu trình, chương trình kiểm toán được thiết lập mới trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số, nắm chắc và sử dụng thành thạo các phần mềm kiểm toán, hiểu và nắm chắc quy trình xử lý, tổng hợp thông tin, lập và trình bày báo cáo theo chuẩn mực trong bối cảnh công nghệ số.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam. Xây dựng các tiêu chí định hướng về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với yêu cầu của thực tế, thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên; thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với nguồn cung dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán. Phát huy tốt vai trò của hiệp hội nghề nghiệp trong tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kiểm toán.

Thứ tư, phát triển hạ tầng số nhằm “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng…” [8] phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ngành kế toán - kiểm toán. Ứng dụng hiệu quả thành tựu phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động kế toán - kiểm toán tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị kế toán - kiểm toán.

Thứ năm, tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán - kiểm toán và các tổ chức phi Chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán - kiểm toán; hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán - kiểm toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác về kế toán - kiểm toán. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập kế toán - kiểm toán; thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

5. Kết luận

Cuộc CMCN 4.0 tiếp tục có bước phát triển “theo cấp số nhân” và tác động sâu sắc, toàn diện đến ngành Kiểm toán Việt Nam. Trong bối cảnh đó, những thách thức đặt ra đối với ngành kiểm toán Việt Nam sẽ còn tồn tại và ngày càng lớn, nếu như không có những giải pháp khắc phục kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Để tận dụng những thành tựu, khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra từ CMCN 4.0 đối với ngành kiểm toán cần có sự chung tay hành động từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp kiểm toán và mỗi cá nhân làm việc trong ngành kiểm toán. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành Kiểm toán Việt Nam phát triển toàn diện, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Audit guidances: ISO 19011:2011. Guidelines for Auditing Management Systems.
  2. Arens, A. A., Elder, R. J. & Beasley, M. S. (2012). Auditing and assurance services: an integrated approach. 14th ed. New Jersey: Pearson Education, Inc.
  3. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  4. Dai and Vasarhelyi (2016). Imagineering Audit 4.0. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 13(1), 1-15.
  5. Đại học Thái Nguyên, Trường Đai học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (2008), Giáo trình kiểm toán căn bản. Nxb Đại học Thái Nguyên.
  6. Đào Minh Hằng (2021), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong xu hướng toàn cầu của ngành Kiểm toán. Tạp chí Khoa học Đại học Hải Phòng (Khoa học Kinh tế và Kỹ thuật - Công nghệ), số 44, tháng 1, 5-21.
  7. Tập đoàn BKAV (2019), Báo cáo tổng kết công tác an ninh mạng năm 2022, ngày 14/12/2022.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg, ngày 23 /5/2022, về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030, Hà Nội.
  10. WB (2016), Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (rosc) lĩnh vực kế toán & kiểm toán Việt Nam. Xnb Hồng Đức.
  11. Ninh Cơ và Hải Trà (2022), Xây dựng và phát triển hạ tầng số. Truy cập tại: https://nhandan.vn/xay-dung-va-phat-trien-ha-tang-so-post716606.html.

Challenges of Industry 4.0 to Vietnam’s  audit service industry and solutions

Master. Nguyen Thi Thuy

Nha Trang University

Abstract:

Vietnam's audit service industry is one of the industries that have been affected comprehensively by the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0). This paper analyzes the challenges of Industry 4.0 to Vietnam’s  audit service industry, and makes some recommendations to support the sustainable development of Vietnam’s Vietnam’s  audit service industry in the context of Industry 4.0.

Keywords: the Fourth Industrial Revolution, audit, audit service industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]