Cái khó của hệ thống tài chính - ngân hàng: Cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch và an toàn của hệ thống

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 mới đây tại Hà Nội cho thấy cần tìm điểm cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khôi phục trở lại trạng thái bình thường, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước.
Tìm điểm cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng
Tìm điểm cân bằng giữa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng

 

Tham dự hội nghị, bên cạnh các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN còn có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc khu vực Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị.

Thảo luận về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã trao đổi quan điểm về những rủi ro và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu và khu vực.

Các Bộ trưởng và Thống đốc nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế và sự ổn định tài chính khu vực ASEAN.

Các hoạt động kinh tế bị thu hẹp đáng kể và  làm suy giảm tăng trưởng của khu vực ASEAN trong năm 2020.

Các đại biểu cùng chia sẻ quan điểm về việc tình hình dịch bệnh sẽ có thể diễn biến phức tạp và là rủi ro lớn nhất đối với phục hồi nền kinh tế khu vực trong năm 2021.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch là tất yếu, nhưng vấn đề khó nhất là vẫn phải đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng.

Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế cho rằng cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ - ngân hàng ASEAN cần tiếp tục thận trọng khi xây dựng và đưa ra các chính sách tài khóa , tiền tệ nhằm vừa hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khôi phục trở lại trạng thái bình thường, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng trong nước.

Trong bối cảnh đó, nhiều diễn giả cho rằng cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... trong dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Đây được coi là nhân tố quan trọng sẽ góp phần hướng tới nền kinh tế ASEAN phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng chống chịu lại các cú sốc tương tự như dịch bệnh COVID-19.

Các đại biểu nhất trí cho rằng hợp tác tài chính khu vực là một trong những yếu tố then chốt giúp các quốc gia tăng cường năng lực ứng phó với tác động của các bất ổn kinh tế thời gian tới đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bao trùm, bền vững.

chuyển đổi số
Nhiều diễn giả cho rằng cần phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số..

 

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ghi nhận tiến độ triển khai của các nhóm công tác.

Về phát triển thị trường vốn, Hội nghị ghi nhận và phê duyệt “Báo cáo Thúc đẩy Tài chính Bền vững trong ASEAN” với nhiều khuyến nghị có giá trị cho các nước thành viên.

Về tự do hoá dịch vụ tài chính, Hội nghị ghi nhận kết quả đàm phán của Ủy ban Công tác về Tự do hóa Dịch vụ Tài chính về Gói cam kết dịch vụ tài chính thứ 9 thuộc Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) và khuyến khích các nước thành viên đạt được các cam kết quan trọng và có ý nghĩa hơn về dịch vụ tài chính, vì đây sẽ là gói cam kết cuối cùng trước khi chuyển sang ATISA.

Về Diễn đàn Bảo hiểm ASEAN, Hội nghị đã thông qua dự thảo sửa đổi Lộ trình cho Khuôn khổ hội nhập bảo hiểm ASEAN (AIIF).

Quế Võ