Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng mức xuất khẩu

Trong những tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.

Chỉ đạo sát sao, bảo đảm an toàn lưới điện

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về chất lượng cột điện bị đổ gãy trong cơn bão số 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơn bão số 5 vừa qua đã đổ bộ vào khu vực miền Trung, gây nhiều thiệt hại cho bà con nơi đây.

Trong đó, lưới cung cấp điện cũng bị thiệt hại, gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có hơn 300 cột điện trung thế, hạ thế thuộc  quản lý vận hành của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) bị đổ gãy.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Công Thương đã lập tức chỉ đạo EVN, trực tiếp là EVNCPC đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư kỹ thuật khắc phục sự cố. Chỉ trong vòng 3 ngày, EVNCPC đã khắc phục, cấp lại điện cho 100% khách hàng sử dụng.

họp báo chính phủ thường kỳ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10/2020

Liên quan đến chất lượng cột điện bị đổ gãy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, tư vấn, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách. Bộ đã kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2/10/2020 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực về điện, cùng với chủ sở hữu của EVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu trên lưới điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn.

Đặc biệt, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Thứ trưởng yêu cầu, ngành điện cần khẩn trương lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển chiến lược của ngành điện.

“Hiện nay chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan không những của EVN mà cả các doanh nghiệp sản xuất và vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Liên quan đến câu hỏi “Những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ở Quý IV khi các đơn hàng ít, dòng tiền của bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó, doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ, đều bị ảnh hưởng.

họp báo chính phủ
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu

Ở đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng  đã thông tin những kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.

9 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu thặng dư ở mức 17 tỷ USD. Xuất khẩu Quý III có kết quả tích cực hơn so với dự báo trước đây, các tháng Quý III có thể đạt 26,6 tỷ USD, tăng đến 34% so với Quý II.

Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu.

Thứ nhất, phải hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh Covid-19 không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua trực tiếp giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho Quý IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

 

Hạ An