Nhiều doanh nghiệp đã nhập cuộc EVFTA

EVFTA có hiệu lực được gần 2 tháng, dù còn nhiều mới mẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ Hiệp định này.

Thời gian gần đây, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. Liên minh châu Âu (EU) là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua.

Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). Vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, EVFTA cũng tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ một đối tác đầu tư FDI hàng đầu thế giới, với nguồn vốn, công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay.

evfta
EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam

Tại Hội thảo “EVFTA: Những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay (24/9), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ, kể từ khi được thực thi (1/8), Hiệp định EVFTA đã mở ra một chân trời mới đầy hứa hẹn trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam - EU.

“EVFTA là giấy thông hành đưa hàng hóa Việt Nam đến thị trường có quy mô trên 500 triệu dân và GDP ở mức 18.000 tỷ USD”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Thông tin rõ hơn những tín hiệu tích cực từ EVFTA mang lại, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, EVFTA có hiệu lực được gần 2 tháng, dù còn nhiều mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ FTA này. EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.

Dẫn số liệu từ Bộ Công Thương, bà Trang cho biết, ngay trong tháng đầu EVFTA được thực thi, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020.

Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9.

Về tình hình xuất khẩu sang EU, trong tháng đầu triển khai EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng 600 triệu USD so với tháng trước, đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó tỷ lệ C/O ưu đãi theo EVFTA đạt 7,4%. Lũy kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 25,92 tỷ USD.

"Đây là dấu hiệu cực kỳ tích cực. Trong cả năm đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường với ASEAN, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chỉ 5-6%. Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn do dịch Covid-19 và hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá.

evfta
Nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ EVFTA kể từ Hiệp định này có hiệu lực

Ngoài những tín hiệu đáng mừng trên, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng đánh giá rất cao sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, khi ban hành 2 Nghị định, 1 Thông tư và một số văn bản hướng dẫn rất thiết thực để các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU được hưởng lợi.

Đáng chú ý theo bà Trang, Nghị định biểu thuế mới (Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi) dù ban hành chậm 2 tháng, nhưng đã làm nhanh gấp 3 lần so với nghị định biểu thuế CPTPP. Đây là điều đáng mừng, bởi Nghị định biểu thuế mới này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tự chủ được.

“Có thể nói rằng, tốc độ ban hành văn bản pháp luật ở thời điểm này đang rất tốt. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực 3 ngày thì Chính phủ đã ký ban hành kế hoạch hành động EVFTA. Tính đến thời điểm này, đã có 10 Bộ và 37 tỉnh có kế hoạch hành động với EVFTA” - bà Trang khẳng định.

Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động do dịch bệnh và EVFTA. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng, về lâu dài, có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA hứa hẹn mang lại, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

“Dự kiến dưới tác động của EVFTA, sẽ có một sự tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, với kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng 42,7% và nhập khẩu từ EU tăng 33,06% vào năm 2025 so với kịch bản không có EVFTA.

Hoạt động thương mại, đầu tư nhộn nhịp dưới tác động của EVFTA cũng dự báo giúp tăng thêm 146.000 việc làm mỗi năm, tăng thu nhập cho người dân (đặc biệt nhóm lao động trong doanh nghiệp FDI) và cả cho Ngân sách Nhà nước (khoảng 4.500 tỷ đồng trong 10 năm tới).

Trong tổng thể, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 7,07-7,72% trong giai đoạn 2030-2035”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập bổ sung thông tin.

Hạ An