Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu ở mức 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 950 tỷ đồng.
Kế hoạch trên thấp hơn 7% so với doanh thu và 39% lợi nhuận trước thuế mà PV Trans đạt được trong năm 2023. Tuy nhiên, đây lại là những mức doanh thu và lợi nhuận kế hoạch cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp vận tải biển này.
Trên thực tế, PV Trans có xu hướng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và mức thực hiện thường xuyên vượt khoảng 170 - 230% kế hoạch đề ra. Điển hình, trong năm 2023, PV Trans hoàn thành 140% mục tiêu doanh thu (9.487 tỷ đồng) và 218% mục tiêu lợi nhuận sau thuế (1.156 tỷ đồng) cả năm.
Hiện một số tổ chức tài chính đánh giá thị trường vận tải dầu toàn cầu trong năm 2024 được đánh giá sẽ ở mức “tích cực” nhờ nguồn cung hạn chế trong khi khoảng cách vận chuyển bị kéo dài hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải dầu như PV Trans.
Bên cạnh đó, việc theo đuổi chiến lược trẻ hoá đội tàu và đẩy mạnh thâm nhập thị trường quốc tế đang bắt đầu đem lại hiệu quả, thúc đẩy rõ rệt kết quả kinh doanh của PV Trans.
Tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế của PV Trans đã tăng dần từ 40% (năm 2020) lên 54% (nửa đầu năm 2023); qua đó, biên lãi gộp tăng mạnh từ 6,6% (năm 2020) lên 17,5% (nửa đầu năm 2023).
PV Trans hiện đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế lên mức ít nhất 70%. Trong 50 tàu hiện tại phục vụ mảng vận tải của PV Trans đã có đến 41 tàu chạy tuyến quốc tế, tỷ trọng tải trọng tàu chạy quốc tế chiếm đến 70% tổng tải trọng có thể vận chuyển của doanh nghiệp này.
Chiến lược “kép” này cũng được kỳ vọng sẽ giúp PV Trans duy trì mức tăng trưởng tốt trong trung hạn khi thị trường nội địa dự kiến sẽ duy trì ổn định. Hiện MBS Research nhận định, nhờ việc tái ký các hợp đồng với giá cước cao, biên lợi nhuận mảng vận tải dầu thô, dầu sản phẩm/hoá chất của PV Trans trong năm 2024 sẽ duy trì ở mức cao từ 22% - 29,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình những năm gần đây.
Đáng chú ý, trong tháng 3 - tháng 4/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bảo dưỡng tổng thể trong vòng 50 ngày. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mảng vận tải dầu thô của PV Trans dự kiến không bị ảnh hưởng quá nhiều do trong quá trình bảo dưỡng, nhà máy không ngừng hoạt động hoàn toàn nên PV Trans vẫn thực hiện một số chuyến tàu. Bên cạnh đó, giá cước vận tải và cho thuê tàu định hạn tiếp tục neo cao trên thị trường quốc tế, mặc dù có thể không cao như năm 2023.
Ban lãnh đạo PV Trans cho biết, công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 3.374 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng đội tàu, bao gồm đầu tư tàu VLGC (hoặc tàu Aframax hoặc MR), đầu tư tàu dầu hóa chất (hoặc tàu rời), đầu tư mới 2 tàu MR (hoặc 1 tàu Aframax).
Năm ngoái, PV Trans đã đầu tư mua và thuê mua tổng cộng 12 tàu, nâng tổng số tàu trong đội tàu lên 51 chiếc với tổng trọng tải gần 1,4 triệu DWT.
PV Trans cũng dự kiến rót thêm 262 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty thành viên như PV Trans Logistics, HH Thăng Long, và Vận tải Đông Dương trong năm nay.