Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Công văn số 2015/EVN-KD ngày 1/4/2020 và Công văn số 2288/EVN-KD ngày 14/4/2020, căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 16/4/2020, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành công văn số 2698/BCT-ĐTĐL gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và EVN, theo đó hướng dẫn triển khai thực hiện giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Giảm giá điện
Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh được giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và quy định giá bán điện (Quyết định số 648/QĐ-BCT) ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Giá bán lẻ cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Đối với khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch (theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan), giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá.
Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Đối với giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ, giảm 10% giá bán buôn điện so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Giảm tiền điện
Công văn của Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ bắt đầu thực hiện giảm giá tiền điện (giá trị trước thuế) trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN.
Theo đó, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở (không phải là khách sạn) được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Giảm 20% tiền điện cho các khách sạn được dùng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.
Danh sách các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập hàng tháng cung cấp cho các đơn vị điện lực triển khai thực hiện.
Thời gian giảm giá điện, giảm tiền điện
Đúng như đề xuất trước đó của Bộ Công Thương lên Chính phủ, tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện và giảm tiền điện chính thức là 3 tháng.
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng của khách hàng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của đơn vị điện lực) sẽ được thực hiện giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020.
Đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp…), thực hiện từ kỳ hoá đơn gần nhất kể từ ngày ban hành Công văn này.
Đối với các khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, Bộ Công Thương yêu cầu EVN, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản hướng dẫn chỉ đạo chi tiết, đảm bảo việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đúng đối tượng, thời gian theo hướng dẫn tại Công văn và phù hợp với tình hình thực tế cách ly xã hội tại từng địa phương.
Sau thời hạn giảm giá điện, giảm tiền điện, sẽ quay trở lại áp dụng giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT như trước đó.
Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết các đơn vị có liên quan thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Công văn.
Đồng thời, Bộ cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, EVN và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết.