Các dự án nguồn điện - lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh
Báo cáo tại cuộc họp định kỳ tháng 2/2020 về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, ông Nguyễn Thái Sơn – Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW.
Trong 4 năm 2016-2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.873MW, tương đương 96,3% khối lượng được giao trong giai đoạn 2016-2020. Dự án thủy điện Thượng Kon Tum 220MW sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, giúp EVN hoàn thành đủ 12 dự án với tổng công suất 6.100MW được giao trong giai đoạn này.
Hiện nay, EVN đang tiếp tục thực hiện 10 dự án trọng điểm đến năm 2030, trong đó có 4 thủy điện và 6 nhiệt điện với tổng công suất 8.240MW, bên cạnh một số vướng mắc còn tồn tại thì một số dự án nguồn điện đã được tháo gỡ khó khăn và EVN cũng đang nỗ lực làm việc với địa phương, các cơ quan chức năng để khẩn trương giải quyết.
Trong khi đó, với 8 dự án được giao làm chủ đầu tư trong giai đoạn 2016-2030, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết tất cả đều đang gặp khó khăn, vướng mắc và dự kiến không thể hoàn thành theo đúng tiến độ trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, trong đó có 2 dự án đã giao sang chủ đầu tư khác và Nhiệt định Thái Bình 2 cùng Long Phú 1 đang gặp khó nhất.
Còn lại 4 dự án với tổng công suất 2.950MW được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì 2 dự án đang triển khai, 2 dự án vẫn chưa thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, vậy là cả 4 đều đang chậm tiến độ.
Đối với các dự án BOT, đến nay có 19 dự án nhiệt điện với tổng công suất khoảng gần 27.000MW, trong đó 4 dự án đã vận hành thương mại, 4 dự án đang xây dựng, 3 dự án đang chờ đàm phán, 3 dự án đang giải quyết vấn đề về pháp lý.
Đối với các dự án IPP, hiện có 7 dự án với tổng công suất gần 2.000MW và đều được đánh giá là chậm tiến độ, trong đó thậm chí một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành, một số dự án chậm do thiếu nguồn vốn vay hay có nguy cơ không có đường dây đấu nối và một số gặp biến động tăng trong tổng mức đầu tư xây dựng.
Ban chỉ đạo cũng cho biết, thời gian qua EVN và các đơn vị đã nỗ lực đầu tư các dự án lưới điện phục vụ truyền tải công suất, cũng như phối hợp nghiệm thu các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhờ đó đảm bảo huy động 86% công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời đã vào vận hành. EVN đang tiếp tục tập trung hoàn thành các dự án lưới điện còn lại và đảm bảo đến tháng 6/2020 sẽ giải toả 100% công suất điện năng lượng tái tạo ở khu vực duyên hải miền Trung.
Không để các dự án điện chậm tiến độ hơn nữa
Đại diện Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, thực tế các dự án điện chậm tiến độ do còn một số khó khăn, vướng mắc, nhưng nổi bật là các vấn đề liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng gây ra những thách thức nhất định với nguồn lực thực hiện dự án.
“Công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp, đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian”, đại diện Ban chỉ đạo cho biết.
Chia sẻ với quan điểm này, đại diện các doanh nghiệp EVN, PVN và TKV cũng cho rằng tình hình triển khai các dự án điện vẫn còn nhiều khó khăn, đề nghị thường trực Ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ để đảm bảo cung ứng điện giai đoạn tới, trong đó có cơ chế chính sách đặc thù các dự án điện cấp bách hay tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, trong bối cảnh đảm bảo cung cấp điện đang gặp nhiều khó khăn với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều quan trọng nhất hiện nay là quan tâm đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VII, xử lý tình trạng chậm tiến độ mà nhiều dự án đang gặp phải.
“Văn phòng Ban chỉ đạo cần tiếp tục tổ chức các chuyến công tác, làm việc với địa phương và doanh nghiệp để đánh giá tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án gặp vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Cục Điện lực và Năng lực tái tạo cũng cần phối hợp thường xuyên để kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lưu ý.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần triển khai nhanh việc bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời để góp phần đảm bảo cung ứng điện, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án nguồn và lưới điện. Song song với đó, khẩn trương hoàn thiện xây dựng và báo cáo Quy hoạch Điện VIII.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp tại cuộc họp để sớm báo cáo Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xem xét chỉ đạo và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm giải pháp khẩn trương giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Dự kiến, trong tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án điện hiện nay.