Sáng nay (20/2/2020), đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai.
Làm việc với đoàn Bộ Công Thương có ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và đại diện các Sở, ban, ngành tại địa phương.
Về phía Bộ Công Thương, có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương và các đơn vị liên quan. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cùng tham gia buổi làm việc.
Gia Lai - "cứ điểm" quan trọng trong lĩnh vực năng lượng
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 49 dự án thủy điện đang vận hành, tổng công suất 2.246,15 MW, 1 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 5,6 MW, 25 thủy điện đang được xem xét với tổng công suất dự kiến khoảng 204,6 MW.
UBND tỉnh đã cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 41 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.578,5 MWp, phê duyệt quy hoạch 3 dự án tổng công suất 158MWp.
Bên cạnh đó, cho phép 89 dự án điện gió khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng với tổng công suất dự kiến khoảng 13.532,4 MW; 1 dự án điện gió 50 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư; 88 dự án đang xem xét với tổng công suất dự kiến lên tới 13.482,4 MW.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và vận hành 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 144,6MW.
Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng, Gia Lai hiện có 2 trạm biến áp 500 kV với 9 xuất tuyến 500 kV cùng nhiều trạm biến áp và các tuyến đường dây 220 kV, 110 kV.
Bày tỏ sự đánh giá cao với các kết quả này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng thời gian vừa qua, Gia Lai là một trong những tỉnh có sự năng động và nỗ lực, liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực thi các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt về năng lượng tái tạo.
Gia Lai đã cho thấy mô hình điển hình trong triển khai tốt việc khai thác tiềm năng của địa phương, biến chính sách thành nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
“Từ một tỉnh nghèo tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Gia Lai đã vươn lên trở thành cứ điểm quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, đồng thời đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Gia Lai và Bộ Công Thương trong hoàn thiện chính sách và thực thi các cơ chế liên quan đến năng lượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, tăng trưởng kinh tế liên tục của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang và sẽ tiếp tục đặt ra yêu cầu đảm bảo cung cấp điện năng ổn định và an toàn phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Với số lượng lớn dự án năng lượng mà tỉnh đang có hiện nay cùng những dự án sắp tới đi vào hoạt động, hệ thống hạ tầng lưới điện và trạm biến áp của tỉnh rất có thể sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải, không thể giải tỏa công suất.
Mặt khác, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 1/11/2021, cùng với sự kéo dài trong ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai sau Luật Quy hoạch thời gian qua khiến nhiều khả năng một số dự án điện gió sẽ không đáp ứng được tiến độ hoàn thành thủ tục để hưởng ưu đãi của Chính phủ.
Do đó, vấn đề giải tỏa công suất cũng như hỗ trợ nhà đầu tư tại Gia Lai hưởng các cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ là hai nút thắt mà người đứng đầu Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo không xa rời thực tế
Tại đây, tỉnh Gia Lai đã đưa ra 6 kiến nghị liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo để phát huy hết tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng sớm ban hành quy định thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, triển khai thực hiện các dự án điện trong thời gian tới theo Luật Quy hoạch.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, EVNEPT, EVNCPC đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lưới điện 220kV và 110kV theo quy hoạch điện lực tỉnh Gia Lai.
Thứ ba, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, EVNNPT sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án nâng dung lượng tại trạm biến áp 500kV Pleiku 2 từ 2x450MVA lên 2x900MVA và triển khai đầu tư xây dựng, để tăng khả năng giải phóng công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, kiến nghị ban hành quy định cụ thể về việc các nhà đầu tư hợp tác đầu tư và cơ chế hoàn trả vốn đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện mặt trời, điện gió.
Thứ năm, kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương quan tâm thẩm định, phê duyệt bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực, đồng thời tham khảo một số phương án đấu nối (đấu gom các dự án năng lượng tái tạo) để giải phóng công suất.
Thứ sáu, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Gia Lai hưởng cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện gió theo Quyết định 39 kéo dài đến hết năm 2022.
Ghi nhận những ý kiến giá trị từ thực tiễn của địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ vào cuộc lập tức bằng những hành động cụ thể để cùng Gia Lai tiếp tục khai thác cơ hội về năng lượng tái tạo, không chỉ đảm bảo truyền tải điện trong nước mà còn tăng cường kết nối với nước bạn Lào về hợp tác năng lượng.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ động làm việc với EVN và các địa phương đang có tiềm năng về năng lượng, trong đó có Gia Lai, để rà soát lại quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia dựa trên quan điểm toàn diện và dài hạn.
Trước mắt, phối hợp lựa chọn một số dự án khả thi để đẩy nhanh tiến độ triển khai ngay, giúp hưởng cơ chế ưu đãi theo thời gian hiệu lực của Quyết định 39.
Trong thời gian đó, nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch các dự án mới đáp ứng được yêu cầu của toàn hệ thống điện và đặc thù của tỉnh Gia Lai nhằm đảm bảo hiệu quả giải tỏa công suất, không chỉ giới hạn ở các lưới điện 220kV và 110kV mà có thể cả các trạm biến áp 500kV, như mở rộng công suất trạm 500kV Pleiku 2 theo kế hoạch đang đề xuất, để có thể giải tỏa 2.200MW mà còn đảm bảo cho cả các dự án trong tương lai.
“Trên cơ sở thực tiễn chỉ đạo của Chính phủ, cũng cần nghiên cứu tính toán để tiếp tục thí điểm đầu tư tư nhân, nguồn lực xã hội nhằm tìm ra lời giải hợp lý cho bài toán phát triển năng lượng tái tạo, có thể nghiên cứu mô hình đang được triển khai hiệu quả tại Ninh Thuận”, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dựa trên cơ sở phân tích của địa phương và doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương rà soát lại các khung khổ pháp luật, tham mưu Chính phủ bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác.
Bộ Công Thương cũng hy vọng tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục chủ động trong phối hợp với Bộ về rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch lưới điện, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ hướng đến tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, với điều kiện đảm bảo khâu kỹ thuật về đấu nối và phát triển hạ tầng đường dẫn, trạm biến áp để giải tỏa công suất cho các dự án điện.