Khâu Vai liệu có như là Sa Pa?

Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại có nhiều phiên chợ tình như đất nước ta. Trong đó, nổi tiếng và được khách nước ngoài biết đến nhiều nhất là chợ tình Sa Pa với những chàng trai, cô gái Mông, Dao

“Tấm gương” chợ tình Sa Pa.
Những người may mắn có dịp lên Sa Pa cách đây gần hai chục năm về trước, đến bây giờ vẫn kể lại với nhau về không khí rộn rã và nguyên sơ của chợ tình Sa Pa thuở ấy. Sau một tuần làm việc vất vả trên nương rẫy, vào các tối thứ bẩy, nam nữ thanh niên người Mông và người Dao Đỏ tập hợp thành từng nhóm, say sưa hát các bài dân ca, đắm mình trong những điệu múa, tiếng khèn réo rắt vang xa. Từ những cuộc vui ấy, bao ánh mắt tình tứ đã được trao gửi, để rồi từng đôi, từng đôi trai gái tìm đến với nhau. Họ hát cho nhau nghe, đi chơi với nhau suốt đêm, thậm chí suốt buổi chợ hôm sau. Bao ngày tháng, bao tối thứ bẩy cứ thế trôi đi với vẻ nguyên sơ đắm đuối đó. Cho đến khi Sa Pa bắt đầu xuất hiện những bước chân của du khách. Đầu tiên là người Việt, rồi đến khách nước ngoài. Càng ngày càng đông, với những bước chân, tiếng nói chuyện xì xồ ồn ã. Những ống kính máy quay soi mói, những ánh đèn flash loang loáng, quấy rầy cả những giây phút riêng tư của đôi bạn trẻ sau vành ô đã xoè rộng… Các bạn trẻ Mông và Dao Đỏ đã dần rời bỏ chợ tình để tìm đến tự tình ở những nơi yên ổn khác. Đến Sa Pa bây giờ hỏi ai cũng vậy, từ người dân sống trong thị xã đến những chủ khách sạn, nhà hàng đều nhận được câu trả lời đầy tiếc nuối: “Chợ tình đã mất từ lâu rồi!”. Thời gian vừa qua, có dịp lên Sa Pa vào tối thứ bẩy, chúng tôi lang thang khắp thị trấn đến tận 2 giờ sáng. Nhưng đi đến mỏi chân cũng chỉ gặp du khách vây quanh những cặp vợ chồng người dân tộc nghe họ kể chuyện. Có nơi, mỗi du khách quyên góp vài nghìn đồng để yêu cầu họ hát và múa những bài hát, điệu múa của dân tộc. Một vài nơi, có đôi ba đôi nam nữ ngồi tâm sự thì bị rất nhiều du khách đứng xem, quay phim, chụp ảnh như xem… xiếc khỉ, khiến họ rất gượng gạo, không thể tự nhiên. Chợ tình Sa Pa đã mất thật rồi sao?
Chợ tình Khâu Vai cũng đang được “hiện đại hóa”
Mới 3 giờ chiều 26/3 Giáp Thân, trong thung lũng khá rộng và bằng phẳng, nơi sẽ diễn ra phiên chợ tỉnh Khâu Vai đã chật người. Các loại màu sắc, trang phục của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng… Cả phiên chợ cứ rực lên như rừng hoa chuối. Các cô gái, chàng trai, thậm chí, cả người trung tuổi, người già… ai nấy đều không giấu nổi được nét rạo rực, bồn chồn trên khuôn mặt, trong bộ quần áo mới phẳng phiu, có lẽ đã được để giành cả năm cho phiên chợ trọng đại này mới đem ra dùng.
Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng, nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của các cặp tình nhân. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa, đã “xôi đùm, ngô nắm” lên yên ngựa, hoặc thong thả theo đường núi đến cho kịp chợ tình trong tiếng khèn, tiếng hát réo rắt suốt ngày đêm không tắt trên các triền núi xa xa. Vợ chồng anh Vàng A Sứng, người Mông, ở tận huyện Cao Phong còn lặn lội đi từ trưa hôm trước, đến bây giờ mới tới được Khâu Vai. Vợ chồng ông Lò Văn ẳn, 54 tuổi cùng vợ chồng cậu con trai Lò Văn Sửa 28 tuổi, cô con gái Lò Thị Kao 35 tuổi ở huyện Cao Minh, cũng rồng rắn, dắt díu nhau đến chợ. Ông ẳn cười phô hàm răng đen xỉn vì khói thuốc lào, nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ: “ở vùng núi cao nầy buồn lắm à… Cả năm mới có một phiên chợ, đi cả nhà cho vui… Với lại ai cũng có bạn cũ à”. Nhưng “kỷ lục” nhất trong những người chúng tôi gặp phải kể đến vợ chồng anh Phí, người Nùng và anh Vử, người Klao, ở tận huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cách Khâu Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây. Anh Phí tâm sự, lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con, nhưng chưa năm nào vợ chồng anh quên đi chợ Khâu Vai, phiên chợ hơn chục năm về trước đã nối duyên hai vợ chồng.
Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khâu Vai trong âm thanh nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ  náo nhiệt, đông vui. Đó đây, trong khắp các lều quán, bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và… uống rượu. Thứ rượu ngô sóng sánh, nhấp một ngụm đã thấy say, nhưng càng uống càng thấy chếch choáng, lâng lâng một cảm giác khó tả. Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, có thể đằng đẵng đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa. Họ sẽ dắt nhau ra ngọn núi phía xa xa kia để tình tự thâu đêm, đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình. Vợ chồng anh Sứng, ông ẳn, anh Sửa, chị Kao… lúc này đã mỗi người một ngả đi gặp bạn cũ, người xưa của mình. Những người trẻ thì gặp nhau nơi quán rượu. Người đứng tuổi như ông bà ẳn, thì hẹn người cũ ra chốn chân núi, bìa rừng tâm sự. Có thể, bà ẳn sẽ chỉ còn gặp lại người xưa trong vài phiên chợ nữa thôi, bởi tuổi già thường đến sớm với người phụ nữ vùng cao vất vả. Hơn nữa, bà chẳng còn mấy sức lực mà vượt qua 5-7 dãy núi để đến chợ tình nữa rồi. Không biết có phải thế không mà tôi thấy, bà vội vã và tất bật khác thường…
Trong quán thắng cố, anh Sả xởi lởi giới thiệu và mời chúng tôi cùng uống rượu với người bạn gái của mình, đó là chị Vàng Thị Mít, 25 tuổi người Mông, sống ở huyện Yên Minh. Chúng tôi kín đáo quan sát cô gái có khuôn mặt khá nhỏ nhắn, sắc nét, lại có vẻ rụt rè ấy; trong khi anh Sửa chẳng dấu diếm gì. Anh chị quen nhau ở phiên chợ Khâu Vai năm ngoái, khi ấy cả hai người đều đã có tới 3 đứa con, nhưng dường như khi gặp nhau họ mới tìm được “một nửa” của mình. Song cũng chẳng hề gì, từ bây giờ đến chừng nào còn có thể, họ sẽ hò hẹn với nhau mỗi năm một lần theo đúng quy ước của phiên chợ Khâu Vai… Trong quán thắng cố này, cũng như nhiều quán rượu nữa, chúng tôi còn gặp rất nhiều các cặp tình nhân, mỗi cặp một hoàn cảnh khác nhau. Có người đang yêu nhau; có người là người yêu thuở trước nhưng do cấm đoán, ngăn trở của gia đình nên không đến được với nhau, bây giờ mỗi người đã có gia đình riêng. Lại có cặp chênh lệch đến hai chục tuổi, cô gái đang tuổi thanh tân còn người đàn ông đã có vợ, con… Nhưng họ vẫn hẹn hò, gặp gỡ vì phiên chợ Khâu Vai này là phiên chợ của tình yêu, không có gì có thể ngăn cản được.
Những người già nhất xã Khâu Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khâu Vai có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm, họ đã thấy có chợ tình rồi. Và truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai Mông và một người con gái Giáy. Song, tình yêu của họ đã gây ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Và để tránh những cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa rời nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thề nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm, họ vẫn sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khâu Vai bây giờ. Chợ tình Khâu Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên, và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông, nhưng sau đó nó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ, Khâu Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm lại tình yêu của tất cả mọi người, từ thanh niên cho đến những người đã có gia đình. Nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên từ những phiên chợ tình này. Nhiều người, thậm chí, đã có gia đình cũng tìm được tình yêu mới của mình chốn này. Những người đã từng yêu nhau thì được quyền hẹn hò tâm sự, dù mỗi người đã có gia đình và cuộc sống riêng. Đến khi hết phiên chợ, họ lại quay về với cuộc sống đời thường, làm tròn bổn phận với gia đình. Nhiều người nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến, thấu hiểu nguyên do, nguồn gốc và ý nghĩa của chợ tình Khâu Vai đã phải thốt lên: Không ngờ ở đất nước Việt Nam lại có những dân tộc hiện đại thế và cũng bao dung như thế với tình yêu!
Phiên chợ Khâu Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa. Nhưng, chợ tình đêm nay cũng như mấy năm trở đây, đang để lại nhiều trăn trở, suy tư cho những người nặng lòng với bản sắc sinh hoạt của người dân tộc. Khi bước chân du khách, nhất là du khách nước ngoài đến chợ ngày một nhiều và những cuộc hội nghị, quay phim, quảng bá du lịch tại chợ… thì bản chất nguyên sơ của chợ tình, những tiếng khèn, tiếng hát réo rắt, những gương mặt gái trai thẹn thùng tỏ tình sau vành ô nơi góc chợ năm nay cứ ít hơn năm trước. Nhiều người còn cho rằng, đêm chợ Khâu Vai không phải là một “vườn con người” để khách đến thăm quan. Và với thực tế đáng buồn đã xảy ra với nhiều chợ tình như chợ tình Sa Pa thì nên chăng, những người gánh trọng trách phát triển ngành du lịch ở tỉnh Hà Giang cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn sắc thái cho phiên chợ tình Khâu Vai đặc sắc, có một không hai này?. Có thể vẫn cho du khách lui tới vào đêm chợ tình, nhưng phải yêu cầu họ tôn trọng và có thái độ đúng mực, không gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân tham gia phiên chợ. Có như thế mới mong giữ được bản sắc cho phiên chợ, thu hút được du khách về lâu dài.

  • Tags: