Trong chương trình “60 phút” của đài CBS (Hoa Kỳ), ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nhận định “Với giả định đại dịch Covid-19 không bùng phát lần 2 thì nền kinh tế (Hoa Kỳ) sẽ phục hồi vững chắc trong nửa cuối năm nay”.
Phục hồi kéo dài
Ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh “về dài hạn cũng như trung hạn, nền kinh tế Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phục hồi”, khẳng định chắc chắn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như cuộc Đại Khủng hoảng năm 1930 và khuyến cáo mọi người không nên “cược” nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng cho biết không chắc chắn về việc nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bật tăng nhanh chóng trở lại theo mô hình chữ V và việc phục hồi có thể kéo dài đến tận cuối năm 2021. Để nền kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn phục hồi trở lại sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 thì sẽ cần người dân Hoa Kỳ hoàn toàn cảm thấy tin tưởng và điều này có thể sẽ chỉ đạt được khi vaccine Covid-19 được nghiên cứu thành công, ông Jerome Powell nhận định.
Kể từ giữa tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ đến nay, đã có hơn 36 triệu người lao động tại Hoa Kỳ mất việc trong bối cảnh các biện pháp phong toả và cách ly xã hội khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ nghiêm trọng. Con số này tương đương cứ 5 người lao động tại Hoa Kỳ thì có 1 người bị mất việc. Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ tại đây đang đối mặt với nguy cơ phá sản cao.
Trong khi đó, chính quyền các tiểu bang và thành phố của Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, điều này có thể dẫn đến làn sóng thất nghiệp thứ hai khi hàng loạt nhân sự thuộc các cơ quan nhà nước bị sa thải.
GDP quý 1/2020 của Hoa Kỳ đã giảm 4,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông Jerome Powell dự báo GDP quý 2/2020 của nước này có thể sẽ giảm từ 20% - 30% nhưng tăng trưởng có thể sẽ quay trở lại mức dương kể từ quý 3/2020. Trong ngày 14/5, FED chi nhánh khu vực Atlanta dự báo GDP quý 2/2020 của Hoa Kỳ có thể sẽ giảm sốc 42% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử nước này.
Lãi suất âm?
Nhằm giảm bớt các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Hoa Kỳ, FED đã khẩn cấp cắt giảm mức lãi suất điều hành về 0% kể từ giữa tháng 3/2020. Đây là mức lãi suất thấp kỷ lục kể từ năm 2015 và cũng là lần đầu tiên FED can thiệp khẩn cấp thị trường kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. FED cũng liên tục bơm lượng tiền khổng lồ lên tới hơn 2.300 tỷ USD vào nền kinh tế Hoa Kỳ để giữ thị trường ổn định.
Một số thông tin đồn đoán FED có thể đưa lãi suất về mức âm như một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang làm để kích thích nền kinh tế. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục kêu gọi FED áp dụng mức lãi suất âm để hỗ trợ nền kinh tế nước này phục hồi. Tuy nhiên, ông Jerome Powell liên tục bác bỏ ý kiến này và kiên định việc FED sẽ không hạ lãi suất xuống dưới 0%.
Ông Jerome Powell cho biết “Tôi tiếp tục duy trì quan điểm, và những đồng nghiệp của tôi trong Uỷ ban thị trường mở liên bang cũng tiếp tục quan điểm, lãi suất âm không phù hợp hoặc không phải là chính sách hữu dụng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Không có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chính sách này (lãi suất âm) thực sự hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Và việc áp dụng lãi suất âm sẽ gây xáo trộn hệ thống tài chính”.
Đồng thời, ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh FED vẫn còn các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ, FED có thể gia tăng quy mô chương trình cho vay khẩn cấp và điều chỉnh các chính sách tiền tệ theo hướng tăng cường hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa thông qua các chỉ dẫn và mở rộng chương trình mua tài sản.
Điều này hàm ý FED có thể gia tăng kiểm soát đường cong lãi suất nhằm giữ mức lãi suất tại một mức nhất định như cách mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang làm. Đường cong lãi suất là đồ thị mô tả mối quan hệ giữa lãi suất và kỳ hạn của trái phiếu. Trong môi trường bình thường, lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài thường sẽ cao hơn lãi suất kỳ hạn ngắn để bù đắp các rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu kỳ hạn dài như lạm phát, thanh khoản và biến động giá.
Việc gia tăng kiểm soát đường cong lãi suất một cách hiệu quả sẽ giúp kìm hãm chi phí đi vay, nâng đỡ việc tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng trung ương như FED sẽ đặt ra mục tiêu lãi suất, tiến hành mua bán và nắm giữ trái phiếu để thiết lập được mức lãi suất đó trên thị trường. Một số nhà phân tích dự báo FED sẽ tiến hành việc kiểm soát đường cong lãi suất vào cuối năm nay.
Khi FED đưa mức lãi suất về 0% vào tháng 12/2008 thì phải đến tận tháng 12/2015, mức lãi suất mới được nâng trở lại. Vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy FED sẽ cần tiếp tục giữ mức lãi suất như hiện tại đến tận năm 2027 nhưng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch virus Covid-19 diễn biến phức tạp và nền kinh tế Hoa Kỳ chưa trải qua bất kỳ thách thức kinh tế nặng nề nào như lần này kể từ năm 2008.
Việc điều hành mức lãi suất của FED sẽ còn phụ thuộc nhiều vào mức độ kích thích tài chính do Quốc hội Hoa Kỳ và Nhà Trắng đưa ra. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED sẽ kiên trì chờ đợi các dấu hiệu chắc chắn cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn phục hồi trước khi quyết định nâng mức lãi suất trở lại.