Chuyển dịch lao động và cơ hội tăng năng suất lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng

Đề tài Chuyển dịch lao động và cơ hội tăng năng suất lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng do Nguyễn Lệ Hoa - Nguyễn Thị Thúy An - Cao Đức Sơn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này đánh giá về chuyển dịch và năng suất lao động đồng bằng sông Hồng thông qua phân tích các số liệu thứ cấp từ các bài viết, báo cáo, số liệu niên giám thống kê hàng năm, các cuộc điều tra định kỳ của Tổng cục Thống kê và số liệu, thông tin từ khảo sát thực tế về lao động nông nghiệp và người sử dụng lao động nông nghiệp tại một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù năng suất lao động nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng có xu hướng tăng lên, nhưng vẫn ở mức thấp. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cần một chiến lược khả thi hơn, đó là chuyển đổi cơ cấu và lao động trong nội ngành Nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đầu tư chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng lực của lao động nông nghiệp để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Từ khóa: chuyển dịch lao động, lao động nông nghiệp, vùng Đồng bằng sông Hồng, năng suất lao động nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

 Kể từ sau Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/06/2013 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được ban hành, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch lao động nông nghiệp góp phần tăng năng suất và thu nhập cho lao động nông nghiệp.

Vùng Đồng bằng sông Hồng được coi là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cả nước (Hà Văn, 2023). Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng là một phần trong quá trình này nhưng nút thắt chính trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn của vùng Đồng bằng sông Hồng là vấn đề lao động. Quy mô lao động vùng Đồng bằng sông Hồng lớn nhất cả nước, với tổng lực lượng lao động trên 11,6 triệu người, chiếm 22,5% lực lượng lao động cả nước năm 2022 (Tổng cục Thống kê, 2023), nhưng vùng đang phải đối diện với nhiều thách thức như năng suất lao động nông nghiệp tương đối thấp so với ngành kinh tế khác, dân số có xu hướng già hóa cao, lao động trẻ có sức khỏe hầu hết di cư đến các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp, lực lượng ở lại nông thôn làm nông nghiệp có độ tuổi cao nên gặp nhiều hạn chế về sức khỏe, khả năng tiếp nhận kỹ thuật mới… Trong khi đó, chất lượng lao động của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng hiện nay tương đối thấp. Đây là một thách thức lớn cho phát triển ngành Nông nghiệp, cũng như chuyển đổi lao động sang những lĩnh vực sản xuất khác yêu cầu năng lực, trình độ, kỹ năng cao. Do vậy, việc nghiên cứu cơ hội tăng năng suất cho lao động nông nghiệp từ chuyển dịch cơ cấu và tạo việc làm trong chính ngành Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng vô cùng cần thiết.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Thực trạng lao động nông nghiệp và tình hình chuyển dịch lao động vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vùng đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước, với tổng số lao động khoảng 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước. Công tác đào tạo nghề cho người lao động cũng được chú trọng, đặc biệt là gắn với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trình độ chuyên môn, lao động kỹ thuật của vùng dù cao nhất trong các vùng của cả nước nhưng mới chỉ có 15% lực lượng lao động khu vực nông thôn và 21,3% lao động nữ được qua đào tạo.

Những năm gần đây, cùng với xu hướng của cả nước, lực lượng lao động vùng Đồng bằng sông Hồng đang rút mạnh ra khỏi ngành Nông nghiệp. Lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng giảm từ 4,3 triệu lao động năm 2011 xuống còn 2,4 triệu lao động năm 2020 và 1,78 triệu lao động năm 2022 (Cục Thống kê các tỉnh, 2022). Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động của vùng giảm từ 37,9% năm 2011 xuống còn 19,9% năm 2020 và 15% năm 2022 (trong khi tỷ lệ này trên cả nước giảm từ 48,6% xuống 33,1% và 27,5%) (Tổng cục Thống kê, 2023). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đặc biệt lao động nông nghiệp là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm mục tiêu tăng giá trị sản xuất các sản phẩm hàng hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, vùng, miền. Những năm qua, cơ cấu việc làm chuyển dịch của vùng khá nhanh nhưng còn thiếu bền vững, chất lượng lao động thấp. Về kinh tế, thế mạnh của từng địa phương trong vùng về nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và đặc điểm sinh thái, các vùng kinh tế trọng điểm chưa được quy hoạch phát triển đồng bộ để tạo động lực phát triển. Thị trường lao động vẫn mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động, nhiều địa phương thừa - thiếu lao động mang tính cục bộ và làm lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Quá trình chuyển dịch lao động của vùng chưa bền vững cả về việc làm, thu nhập, vị thế, điều kiện làm việc và an sinh xã hội. Đặc biệt, lao động nông nghiệp, nông thôn vẫn thuộc khu vực phi chính thức chịu nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương, đặc biệt lao động di cư gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và hội nhập với dân bản địa trong quá trình di cư nông thôn - thành thị. Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cho lao động nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự đột phá về cả số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với điều kiện của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Do vậy, hiện nay còn rất nhiều vấn đề khó khăn, thách thức trong việc điều tiết, bố trí lực lượng lao động vùng Đồng bằng sông Hồng để lao động, đặc biệt lao động nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp với thực trạng phát triển, chuyển đổi kinh tế của vùng. Một trong những thách thức lớn là về năng suất lao động, thu nhập của người lao động.

2.2. Thực trạng năng suất lao động nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng

Năng suất lao động nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng tương đương với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2022, năng suất lao động nông nghiệp (tính theo GDP bình quân một lao động trong ngành Nông nghiệp) của vùng đạt 81,9 triệu đồng và mức năng suất chung cả nước đạt khoảng 81,1 triệu đồng (Tổng cục Thống kê, 2023). Tuy nhiên, năng suất lao động ngành Nông nghiệp thấp nhất khi so với các ngành Công nghiệp, Dịch vụ, chưa bằng 1/3 năng suất lao động ngành phi nông nghiệp (271,1 triệu đồng/năm) (Cục Thống kê các tỉnh, 2022). Thu nhập từ nông nghiệp chưa đủ trang trải cho nhu cầu cơ bản của nông dân. Năm 2020, bình quân mỗi lao động nông nghiệp hưởng mức lương trung bình xấp xỉ 4,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động công nghiệp - xây dựng có mức lương gần 7 triệu đồng/tháng; lao động dịch vụ là 7,7 triệu đồng/tháng. (Bảng 1)

Bảng 1. Tiền lương và số giờ làm việc phân theo ngành kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng

 

Tiền lương bình quân một tháng
(nghìn đồng)

Số giờ làm việc bình quân
một lao động/tuần (giờ)

Chung

Nam

Nữ

Chung

Nam

Nữ

Chung

       7.052

       7.476

       6.579

46,6

47,9

45,3

Nông nghiệp

       4.162

       4.754

       3.257

33,8

36,1

32,1

CNXD

       6.669

       6.986

       6.305

51,3

51,5

51,0

Dịch vụ

       7.736

       8.364

       7.073

47,5

48,1

46,9

                                               Nguồn: Tính toán từ Điều tra Lao động việc làm năm 2020

Thu nhập thấp từ nông nghiệp còn thể hiện qua tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người/tháng từ nông nghiệp trong tổng thu của lao động và tỷ lệ này có xu hướng giảm. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, thu từ nông nghiệp bình quân đầu người một tháng vùng đồng bằng sông Hồng giảm từ 11,96% năm 2010 xuống 6,08% năm 2020 và còn 5,08% năm 2022 (Khảo sát mức sống dân cư, 2010, 2020 và 2022). Số liệu này càng minh chứng cho việc ngành Nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng kém hấp dẫn hơn so với các ngành nghề phi nông nghiệp. (Bảng 2)

Bảng 2. Thu nhập bình quân đầu người một tháng vùng Đồng bằng sông Hồng

 

2010

2020

2022

Giá trị
(nghìn đồng)

Tỷ lệ
(%)

Giá trị
(nghìn đồng)

Tỷ lệ
(%)

Giá trị
(nghìn đồng)

Tỷ lệ
(%)

Tổng cộng

1.580

100

5.085

100

5.586

100

Thu từ tiền lương, tiền công

798

50,51

3.021

59,40

3.347

59,92

Thu từ nông nghiệp

189

11,96

309

6,08

284

5,08

Thu phi nông nghiệp

392

24,81

1.194

23,48

1.353

24,22

Các khoản thu khác

201

12,72

562

11,04

603

10,79

  Nguồn: Tính toán từ Khảo sát mức sống dân cư (2010, 2020, 2022), Tổng cục Thống kê

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng thấp, trong đó có các nguyên nhân chính sau:

Trình độ lao động nông nghiệp của vùng hiện nay còn thấp

Mặc dù vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề ở mức cao so với các vùng trong cả nước[1] (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020) nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo của vùng chiếm tỷ lệ rất lớn, có đến 84,51% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo và 7,81% lao động nông nghiệp đã qua đào tạo nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ (Tổng cục Thống kê, 2021). Trên thực tế, một tỉ lệ rất nhỏ lao động nông nghiệp được qua đào tạo bài bản, còn lại đa phần là đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, truyền nghề, đào tạo đủ kỹ năng để người lao động đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn. Chưa nói tới chất lượng đào tạo, chỉ cần nói tới gần 85% lực lượng lao động nông nghiệp chưa được đào tạo cũng đã giải thích lý do vì sao NSLĐ nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng thấp. Đây là thách thức lớn cho chuyển đổi lao động nông thôn sang các ngành nghề có năng suất lao động cao song cũng đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao.

Lao động ở lại ngành nông nghiệp đa phần là lao động già

Theo Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng đang có xu hướng già hóa, gần 70% lao động nông nghiệp của vùng có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên (Tổng cục Thống kê, 2021). Thậm chí theo kết quả khảo sát nghiên cứu, phỏng vấn ngẫu nhiên một số nhóm lao động nông nghiệp (mẫu 80 lao động) tại Hải Dương và Thái Bình, có đến 90% lao động khu vực nông thôn làm nông nghiệp trên 60 tuổi. Lực lượng lao động ở nhóm tuổi này có nhiều kinh nghiệm nông nghiệp nhưng lại thiếu sức khỏe và khả năng nắm bắt các công nghệ sản xuất hiện đại. Lao động trẻ thoát ly khỏi nông nghiệp rất nhiều, đa phần ở lại nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao. Nguyên nhân chính đó là ngành Nông nghiệp không thu hút được lao động trẻ do đặc thù công việc nông nghiệp “chân lấm tay bùn”, thu nhập thấp, trong khi lao động phổ thông làm tại các khu công nghiệp lương bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể có thể tăng ca thu nhập lên tới 10-15 triệu đồng/tháng. Đây là một rào cản lớn cho mục tiêu tăng năng suất lao động của Vùng.

Quy mô sản xuất nhỏ 

Trong nhiều năm qua tình trạng sử dụng đất đai của hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng còn rất manh mún. Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê (Khảo sát mức sống dân cư, 2012 và 2020), năm 2012, có tới 96,2% số hộ vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có diện tích đất sản xuất dưới 0,5 ha và 3,6% số hộ có diện tích từ 0,5-1 ha. Điều đó có nghĩa, số hộ có diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên chỉ chiếm 0,2%. Đến năm 2020, nhờ thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất nên quy mô sản xuất bình quân hộ đã so với năm 2012 nhưng không đáng kể. Tỷ lệ hộ có diện tích đất canh tác từ 1-3 ha chỉ tăng từ 0,1% lên 1,2%; còn tỷ lệ hộ có diện tích canh tác dưới 0,5 ha vẫn ở mức 96%. (Hình 1)

Chuyển dịch lao động

So sánh với các vùng khác trên cả nước, có thể thấy quy mô đất sản xuất bình quân hộ gia đình ở Đồng bằng sông Hồng rất thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa,… Kết quả khảo sát tại tỉnh Thái Bình, Hải Dương, cũng cho thấy với quy mô sản xuất hiện nay nhỏ khó có thể áp dụng KHCN để phát triển sản xuất, thậm chí do nhiều diện tích đất trồng lúa manh mún, kém hiệu quả cùng với lao động trẻ trong các hộ gia đình đi làm công nhân, không còn người làm nông nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều.

Thiếu những doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp

Khu vực doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nâng cao năng suất lao động. Vùng Đồng bằng sông Hồng còn thiếu nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư cho nông nghiệp. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp của vùng năm 2019 lên đến 1.439 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong tổng số 1.439 doanh nghiệp nông nghiệp của vùng, có đến 996 doanh nghiệp có quy mô dưới 10 lao động (chiếm 69,2%), 363 doanh nghiệp quy mô từ 10 đến dưới 50 lao động (chiếm 25,2%), chỉ có 80 doanh nghiệp quy mô từ 50 lao động trở lên (chiếm 5,6%) (Tổng cục Thống kê, 2021). Doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thế nhưng, trong những năm qua, việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này tiềm ẩn rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia; doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai khi tham gia đầu tư; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao,…

2.3. Giải pháp nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, tăng thu nhập cho lao động và thúc đẩy chuyển dịch lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng

Một là, tập trung đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn.

Cần có sự tập trung đầu tư, thu hút mọi nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề, đặc biệt đào tạo nghề trong nông nghiệp. Cần có sự đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, chế biến nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Hai là, tăng cường tri thức cho lao động nông nghiệp để hoàn thiện các kỹ năng sản xuất kinh doanh, kết nối trực tiếp nông sản của mình đến thị trường.

Tư duy người nông dân đã dần thay đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, không chỉ thay đổi trong khâu sản xuất mà còn cả ở khâu tiếp cận khách hàng và thị trường. Kinh nghiệm thế giới cho thấy ngành kinh doanh nông nghiệp đem lại cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn cho lao động. Theo nghiên cứu của (Sergiy Zorya và cs, 2018), năng suất lao động trong ngành dịch vụ, chế biến nông sản cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Qua khảo sát thực tế tại hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, bản thân mỗi người nông dân cũng có những mối quan hệ riêng cùng với sự tự hào về sản phẩm do chính họ làm ra nên mỗi người nông dân cũng là một “nhân viên kinh doanh” am hiểu sản phẩm cho hợp tác xã. Không chỉ vậy, cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp, cách thức tiếp cận khách hàng của nông dân cũng thay đổi. Hình thức livestream bán hàng nông sản ngay tại vườn tạo được niềm tin rất lớn cho người tiêu dùng khi họ được biết rõ nguồn gốc của nông sản, nhờ đó doanh số bán hàng lớn, đem lại thu nhập cao hơn cho lao động ngành Nông nghiệp. Cần có các chính sách hỗ trợ, đào tạo thêm các kỹ năng, tạo động lực cho người lao động nông nghiệp phải thay đổi, học hỏi, thích ứng với bối cảnh mới giúp tăng năng suất và thu nhập của lao động nông nghiệp.

Ba là, cho thuê đất để làm nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất quy mô lớn, hạn chế đất bỏ hoang.

Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất quy mô nông nghiệp quy mô lớn. Theo khảo sát tại Thái Bình, trồng lúa theo quy mô lớn mang lại lợi nhuận rất rõ rệt do áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Mỗi sào[2] trồng lúa theo quy mô lớn có lợi nhuận khoảng 300-400 nghìn đồng/vụ, với hộ gia đình sản xuất 25 ha cho lãi 200-300 triệu đồng/vụ. Đây là hướng chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất lao động và thu nhập của người dân.

Bốn là, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Các địa phương trong vùng cần tạo hành lang pháp lý, cần quan tâm đẩy mạnh việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp cần đi đôi với cải thiện điều kiện việc làm cho người lao động và chăm lo hệ thống an sinh xã hội bền vững.

3. Kết luận

Thiếu hụt lao động nông nghiệp có sức khỏe, có trình độ cao, thiếu doanh nghiệp lớn đủ năng lực đầu tư và sản xuất quy mô nhỏ là những thách thức chính ảnh hưởng đến năng suất lao động nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là những thách thức cho chuyển đổi lao động nông nghiệp trong nội ngành hoặc sang những lĩnh vực sản xuất khác yêu cầu năng lực, trình độ, kỹ năng cao hơn. Do đó, Nhà nước cần cân nhắc nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ lao động nông nghiệp nâng cao kiến thức, chuyên môn, tăng năng suất cho lao động nông nghiệp để vùng Đồng bằng sông Hồng tham gia thành công vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đồng thời tạo cơ hội việc làm trong ngành Nông nghiệp của vùng là hướng phát triển nông nghiệp khả thi trong ngắn hạn và về lâu dài.

Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát thực địa của đề tài “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động theo yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Giai đoạn 2010-2020, cả nước có khoảng 9,67 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó lao động được đào tạo nghề vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 23,57%, chỉ đứng sau vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 26,27%).

21 sào tương đương với 360m2

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (2020). Báo cáo "Tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2021). Quyết định số 1435/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019.
  3. Cục Thống kê các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. (2022). Niên giám thống kê các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
  4. Hà Văn. (2023, 02 12). Báo Điện từ Chính phủ. Được truy lục từ vùng đồng bằng sông Hồng phải dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước: https://baochinhphu.vn/vung-dong-bang-song-hong-phai-dan-dat-qua-trinh-co-cau-lai-nen-kinh-te-va-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-cua-ca-nuoc-102230212124158415.htm
  5. Lê Thành Ý. (2020). Thực trạng phát triển hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Đời sống và Phát triển.
  6. Ngân hàng Thế giới. (2016). Báo cáo Phát triển Việt Nam "Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào".
  7. Sergiy Zorya và cs. (2018). Tương lai việc làm Việt Nam: Định dạng nông nghiệp cho tạo việc làm.
  8. Tổng cục Thống kê. (2021). Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2020.
  9. Tổng cục Thống kê. (2023). Niên giám Thống kê 2022. NXB Thống kê.
  10. Thủ tướng Chính phủ. (2013). Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
  11. Tường Mạnh Dũng. (2016). Chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng: Một số vấn đề đặt ra.
  12. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. (2015). Nghiên cứu xây dựng “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với giải quyết lao động nông thôn và tích tụ đất đai tỉnh Thái Bình đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”.

Labor shifts and opportunities for improving agricultural labor productivity in the Red River Delta

Nguyen Le Hoa

Nguyen Thi Thuy An

Cao Duc Son

Institute of Policy and Strategy for Agriculture and Rural Development - IPSARD

ABSTRACT

This study evaluated labor shifts and productivity in the Red River Delta. This study was conducted through the analysis of secondary data from articles, reports, annual statistical yearbook data, periodic surveys of the General Statistics Office, and information from field surveys of agricultural workers and employers in some provinces in the Red River Delta region. The study found that although agricultural labor productivity in the Red River Delta tends to increase, it is still at a low level. Therefore, besides the labor restructuring from agricultural to non-agricultural sectors, it is necessary to have a more feasible strategy to restructure the workforce within the agricultural sector towards large-scale production and deep agricultural product processing in order to increase added value for agricultural products and improve the competencies of agricultural workers.

Keyword: labor shift, agricultural labor, the Red River Delta, agricultural labor productivity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]

Tạp chí Công Thương