Chuyển đổi số thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

Chuyển đổi số, trong đó có thương mại điện tử là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế.
thương mại xuyên biên giới

Nhà máy sản xuất SUNHOUSE tại Việt Nam (nguồn: internet)

Điều chỉnh các quan hệ thương mại

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ, đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ. Trong 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam được khảo sát, 86% doanh nghiệp cho rằng sẽ không đủ năng lực thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Các MSMEs địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.

Nhận thấy tiềm năng của ngành này, trong tháng 6/2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức hai sự kiện quan trọng. Đó là hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 21/6; và hội thảo đào tạo “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá- Cách thức chinh phục thị trường toàn cầu cùng Amazon” do  Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 30/6.

Hai sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023 – ASEAN Online Sale Day 2023 - sự kiện mua sắm trực tuyến có quy mô lớn nhất ASEAN - dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 8 tới đây với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực; đồng thời thúc đẩy quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN+.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ IoT, mạng băng thông rộng, điện toán và lưu trữ dựa trên đám mây, công nghệ hình ảnh, cảm biến.. đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại. Nó từng bước biến không gian kỹ thuật số trở thành lĩnh vực chính cho thương mại toàn cầu. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy thương mại xuyên biên giới ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi cấu trúc và cấu hình của thương mại quốc tế, bao gồm dòng chảy của nhiều hoạt động thương mại với hàng hóa và dịch vụ thực vào không gian số. Thứ hai, nó gia tăng sức cạnh tranh thương mại trên toàn cầu và từng bước được dịch chuyển sang lĩnh vực phi vật chất. Thứ ba, số hóa là một thành phần quan trọng để thu hẹp khoảng cách trong giao dịch tài chính và mang lại hiệu quả cho các hoạt động xuyên biên giới. Thương mại số liền mạch sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra một thế giới an toàn hơn thông qua tính minh bạch cao hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn. Thứ tư, thương mại số với sự tham gia của các công ty, doanh nhân, cá nhân… đã vượt ra ngoài phạm vi, quyền hạn của một quốc gia. Chính điều này đã thay đổi quan niệm hiện tại về thương mại quốc tế, góp phần thúc đẩy sự xuất hiện của thế hệ mới các nguyên tắc "bên trên biên giới" liên quan đến việc điều chỉnh các quan hệ thương mại trong không gian ảo.

Để tham gia vào thương mại xuyên biên giới

Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều trở ngại, thách thức trong việc triển khai thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Các rào cản bao gồm: Chi phí, quy định, truy cập thông tin và năng lực.

Chính phủ đã đồng hành cùng Doanh nghiệp Việt, đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế cùng thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường bằng hình thức xuất khẩu trực tuyến, như hỗ trợ chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, duy trì và hoạt động trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại xuyên biên giới. Đồng thời xây dựng và tổ chức các sáng kiến, hoạt động tập huấn, chia sẻ thông tin, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không cần quá lo lắng việc phải đầu tư vào nhiều công nghệ phức tạp mà có thể tận dụng các dịch vụ miễn phí từ các đơn vị hỗ trợ. Hiện có nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Etsy, Shopify…

Những nỗ lực của Chính phủ và các nền tảng số hoạt động tại Việt Nam khiến thương mại điện tử những năm gần đây đã có bước phát triển ấn tượng nhờ sự thay đổi trong tư duy của nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu. Doanh nghiệp từ chỗ ngại ngần chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng bán hàng trực tuyến. Đó là thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy của doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm ra thế giới.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Đại diện thương hiệu nón bảo hiểm Royal Helmet cho biết một trong những động lực chính khiến doanh nghiệp này quyết định xuất hàng qua nền tảng trực tuyến là bởi có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng mà không cần tốn công xây dựng mạng lưới, giới thiệu sản phẩm… Điều này đem lại lợi ích kinh tế rất lớn. Sunhouse bước vào thị trường Mỹ thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon vào giữa năm 2021. Tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Sunhouse tăng trưởng trung bình 160 - 200% mỗi tháng. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sunhouse, Vũ Thanh Hải cho rằng, một doanh nghiệp mất vài ba năm để tự mình tìm hiểu một thị trường mới. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể.

Một thương hiệu khác là Rong Nho Trường Thọ. Giám đốc điều hành của thương hiệu Rong Nho Trường Thọ, ông Trần Văn Tươi cho rằng, kênh xuất khẩu trực tuyến có thể hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt trong việc xây dựng thương hiệu, điều mà cách thức xuất khẩu truyền thống không làm được. Rong nho Trường Thọ được xuất khẩu qua các thị trường khó tính trên thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon và được bình chọn là “Thương hiệu rong nho bán chạy nhất Amazon Hoa Kỳ vào năm 2020”. CEO của Rong nho Trường Thọ khẳng định sẽ mở rộng kinh doanh cùng Amazon lên tới 3 châu lục, cùng với châu Mỹ là châu Âu, châu Á (Singapore và Dubai) và Úc. Trong 5 năm tới, công ty sẽ đưa sản phẩm không chỉ trở thành thương hiệu rong nho hàng đầu thế giới, mà còn là thương hiệu đại diện cho niềm tự hào made-in-Vietnam.

Kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp trong đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến cho thấy, để tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần tái tạo hoặc củng cố chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình hiệu quả hơn, hiểu thêm về các quy định hải quan trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới.

Một số chính sách thương mại số quốc tế hiện nay

Để giải quyết những thách thức nêu trên trong quá trình chuyển đổi số thương mại, một cách tiếp cận toàn diện bao gồm các cải cách về quy định pháp lý, thiết lập cơ chế điều phối liên chính phủ, tạo lập quy định chung để sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, nhằm đánh giá rủi ro tài chính tốt hơn và xây dựng hệ thống nhận dạng kỹ thuật số toàn cầu đáng tin cậy cho các doanh nghiệp. Có thể nói đây chính là chìa khóa cho phép quá trình chuyển đổi sang thương mại số trên quy mô lớn.

Tiêu chuẩn quốc tế chung

Việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế chung cho phép các hệ thống thương mại không giấy tờ dễ dàng liên thông, kết nối với nhau, phá vỡ các rào cản giữa các thành phần cấu thành của hệ sinh thái thương mại như: Nhà xuất khẩu, Chủ hàng, Cảng, Hải quan, Kho bãi, Tài chính và Nhà nhập khẩu.

Công nhận tính pháp lý của tài liệu điện tử và chữ ký

Tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ để công nhận tính hợp pháp các tài liệu và chữ ký điện tử là một bước cơ bản hướng tới thương mại kỹ thuật số toàn cầu. Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) đã xây dựng đạo luật Hồ sơ chuyển giao điện tử (MLETR) để tạo ra khuôn khổ công nhận giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử tương đương với hồ sơ trên giấy. Đạo luật này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với việc sử dụng các phương tiện điện tử. Các chức năng tương đương và tính trung lập về công nghệ là nền tảng cho các văn bản của Luật Thương mại quốc tế về thương mại điện tử. Do đó, nó có thể đáp ứng việc sử dụng tất cả các mô hình công nghệ. Minh bạch hóa khả năng tiếp cận các hồ sơ một cách đáng tin cậy, có chất lượng cao, việc công nhận và sử dụng hợp pháp các hồ sơ điện tử mà có thể chuyển nhượng, sang tay sẽ tạo ra một sự thay đổi mới trong mô hình trong thương mại quốc tế.

Cơ chế phối hợp liên chính phủ

Thông qua Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không sử dụng giấy xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA), Ủy ban kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) đang cung cấp một khuôn khổ liên chính phủ để phát triển các giải pháp pháp lý và kỹ thuật. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên đã sẵn sàng.

Thỏa thuận khung có hiệu lực vào ngày 21 tháng 2 năm 2021, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc: không phân biệt đối xử, các chức năng tương đương và tính trung lập về công nghệ, thúc đẩy khả năng tương tác. Đây cũng là những nguyên tắc chung hỗ trợ cho các văn bản của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế, bao gồm cả Luật Hồ sơ chuyển giao điện tử. Do đó, Hiệp định khung về Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không sử dụng giấy xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương đã cung cấp một khuôn khổ mở đường cho việc áp dụng Luật Hồ sơ chuyển giao điện tử.

Cộng đồng Asean đã và đang có những đóng góp chung vào chương trình nghị sự kết nối thương mại số của khu vực. Thông qua các sáng kiến ​​và khuôn khổ liên chính phủ về thương mại điện tử, quản trị dữ liệu và cơ chế một cửa Asean, cùng nhiều sáng kiến ​​khác. Hội đồng tư vấn kinh doanh Asean dẫn đầu các nỗ lực kết nối các nền tảng thương mại số của các quốc gia thành viên với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại liền mạch giữa các quốc gia và các đối tác thương mại chính của Asean.

Tài trợ thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSMEs)

Những rủi ro liên quan hồ sơ tín dụng là trở ngại chính cho khả năng tiếp cận vốn, tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chính. Đặc biệt thông tin không đầy đủ, lịch sử tín dụng kém và thiếu tài sản thế chấp là những trở ngại đối với việc đánh giá rủi ro của các loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, chi phí thẩm định tốn kém cũng một yếu tố chính ngăn cản các ngân hàng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các loại hình doanh nghiệp này.

Với công nghệ sổ cái phân tán (ví dụ: chuỗi khối) có thể giúp giải quyết những thách thức này bằng cách tạo ra dữ liệu cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Công nghệ này cung cấp một bản ghi giao dịch phi tập trung, phân tán, bao gồm: lịch sử tín dụng, tranh chấp thương mại và được lưu trữ theo cách mà tất cả các bên tham gia có thể tin tưởng. Tính toàn vẹn dữ liệu của nó cũng có thể hợp lý hóa cách tiếp cận để xây dựng danh tính kỹ thuật số toàn cầu cho loại hình doanh nghiệp này.

Với mục tiêu lấp đầy khoảng trống thị trường về tài trợ thương mại thông qua cung cấp bảo lãnh và khoản vay cho các ngân hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có tiềm năng đang bị cản trở bởi nhận thức về rủi ro, được Ngân hàng phát triển Châu Á ADB thông qua chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng và Thương mại hỗ trợ về tài chính. Chương trình đã làm việc với hơn 240 ngân hàng tại 21 quốc gia để cung cấp cho loại hình doanh nghiệp này sự hỗ trợ vốn cần thiết để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường khó khăn nhất của Châu Á. Kể từ năm 2009 đến năm 2021, chương trình đã hỗ trợ hơn 33.000 giao dịch với trị giá 47,5 tỷ USD.

Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số toàn cầu

Đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động giao dịch trong nền kinh tế hiện đại, danh tính số cho phép sự tham gia của bên liên quan vào thị trường trực tuyến. Ngoài ra, nó cho phép cắt giảm chi phí cho quy trình xác minh nhà cung cấp, mà điều này có thể được coi là gánh nặng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Tổ chức Định danh pháp nhân toàn cầu (GLEIF), được thành lập bởi Ủy ban Ổn định tài chính, là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ triển khai và sử dụng mã Định danh pháp nhân (LEI), có thể giúp giải quyết vấn đề về chống rửa tiền và các vấn đề liên quan đến thông tin của khách hàng. Mã LEI là mã định danh tiêu chuẩn, điện tử, duy nhất gồm 20 chữ số cho các pháp nhân dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) 17442. Việc sử dụng mã LEI trên qui mô toàn cầu có thể tạo ra một động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng trong thương mại số xuyên quốc gia.

Trọng Nghĩa