Chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP.Hà Nội quản lý từ ngày 01/8/2023

Từ ngày 01/8/2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ được chuyển giao nguyên trạng về UBND Thành phố Hà Nội quản lý.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 quyết nghị chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND Thành phố Hà Nội quản lý từ ngày 01/8/2023.

quản lý khu công nghệ cao
Chuyển giao nguyên trạng Khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP.Hà Nội quản lý từ ngày 01/8/2023.

Hoàn thành bàn giao và tiếp nhận quản lý trong 06 tháng

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bàn giao và UBND TP.Hà Nội thực hiện tiếp nhận tổ chức và hoạt động, các nhiệm vụ, công việc đã và đang thực hiện, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư công từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và của các đơn vị trực thuộc (các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu); quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nêu trên.

Thời điểm bắt đầu bàn giao và tiếp nhận từ ngày 01/8/2023. Thời hạn hoàn thành việc bàn giao và tiếp nhận trong 06 tháng tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao.

Sau khi Nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/8/2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý được tổ chức và hoạt động như sau:

Về tổ chức bộ máy, hoạt động và nhân sự, Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức quy định tại Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg ngày 15/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các văn bản phân cấp, ủy quyền của các cơ quan chức năng, tiếp tục sử dụng con dấu hiện nay cho đến khi UBND TP.Hà Nội hoàn thành việc tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý được cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định; bảo đảm hoạt động ổn định của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ban Quản lý đang được Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Rà soát, sắp xếp người lao động phù hợp năng lực và yêu cầu công việc

Nghị quyết yêu cầu Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục sử dụng kinh phí và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh nguồn kinh phí hoạt động.

Thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý để bố trí công việc phù hợp với năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và công tác quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc của UBND TP.Hà Nội.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Ban Quản lý tiếp tục được hưởng hệ số điều chỉnh mức lương tăng thêm theo Quyết định số 11/2021/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Lãnh đạo Ban Quản lý và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện nay cho đến hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ.

Khu công nghệ cao Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định thành lập, Khu công nghệ cao Hoà Lạc được tổ chức và hoạt động theo quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ.

Về tính chất, Khu công nghệ cao Hoà Lạc là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các Khu công nghệ cao trong cả nước.

Sau gần 25 năm phát triển, theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tính đến hết tháng 3/2023 Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 99.000 tỷ đồng, thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam, tạo tiềm lực phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính lan tỏa, dẫn dắt, tác động tới một số ngành, lĩnh vực; hình thành một hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu. Đặc biệt, các nhóm ngành như công nghệ thông tin, truyền thông và sinh học đã hình thành liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghiệp…

Thanh Hà