Cơ chế tài chính cho các dự án TKNL - Bài 2: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

Tiềm năng TKNL còn lớn, nhưng các ngành sản xuất còn đang lãng phí rất nhiều năng lượng. Làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các dự án TKNL khi mà yêu cầu về nguồn vốn của các giải pháp ngày càng lớn?

Nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn dự án TKNL

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (TKNL), ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) nhận định, các ngành sản xuất còn lãng phí khi sử dụng năng lượng. So với các nước trên thế giới, năng lượng tiêu thụ trên một đồng doanh thu của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Hay nói cách khác, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam còn rất thấp.

Là đơn vị hoạt động gần như sớm nhất tại Việt Nam trong ngành tư vấn TKNL, Giám đốc của Enerteam tự tin vào khả năng tư vấn các giải pháp chuyên sâu cho doanh nghiệp. Mặc dù, quá trình triên khai các dự án, ông Hiền nhận thấy, tại các doanh nghiệp nhà nước, những cán bộ quản lý năng lượng có kinh nghiệm thường chuyển đổi công tác liên tục, không xuyên suốt chương trình. Tình trạng này được cải thiện hơn tại các doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do doanh nghiệp tuyển theo chức danh cụ thể. Chính vì vậy, việc cập nhật đào tạo cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng tại các doanh nghiệp là cần thiết, nhưng hiện mảng này còn yếu, việc đào tạo chuyên sâu rất ít và không thường xuyên, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên về các dự án TKNL.

Cơ chế tài chính cho các dự án TKNL góc nhìn đơn vị tư vấn
Các học viên của lớp Kiểm toán viên năng lượng được học thực hành tại Đại học Công nghiệp TP.HCM phục vụ cho việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hồ sơ vay vốn của các dự án TKNL

 

Vì vậy, theo ông Hiền, để các doanh nghiệp tin tưởng đầu tư các dự án TKNL, bên cạnh việc thúc đẩy truyền thông mạnh mẽ hơn, tổ chức tham quan thực tế các mô hình thành công, thì cũng cần nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn dự án TKNL. Người tư vấn phải có chuyên môn cao, am hiểu sâu về công nghệ, cùng với doanh nghiệp khảo sát, nhận dạng hết tiềm năng TKNL của doanh nghiệp đó để thuyết phục được doanh nghiệp tin tưởng vào các giải pháp tư vấn đề xuất. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng phải nắm được thông tin của các quỹ tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng dự án tốt, theo đúng các tiêu chí được yêu cầu, nhằm dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Khi các doanh nghiệp vay được vốn ưu đãi, họ mới sẵn sàng đầu tư các giải pháp lớn và như vậy mới đạt được mục tiêu tiết kiệm lớn. 

Dưới góc độ là một đơn vị tư vấn, ông Hiền cũng cho rằng, Nhà nước cần tạo cơ chế để phát triển các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO),  đây là mô hình có thế hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm hoặc chia sẻ vốn đầu tư thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Khi doanh nghiệp có thêm một đảm bảo cho các dự án của mình, chắc chắn họ sẽ tự tin hơn khi quyết định tham gia các dự án về TKNL.

Cùng quan điểm về năng lực của các tư vấn viên sẽ quyết định thành công của các dự án TKNL, ông Bùi Thanh Hùng – Giám đốc Công ty CP Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa cho rằng, đối với các đơn vị tư vấn TKNL, do sản phẩm và dịch vụ phần lớn mang tính chất vô hình nên để doanh nghiệp tin tưởng tham gia các dự án TKNL, đơn vị tư vấn phải tạo điều kiện tối đa để khách hàng biết và thẩm định được chất lượng công việc, hiệu quả của dự án. Có thể thông qua các kênh như: tham quan tìm hiểu các dự án tương tự đã triển khai, ý kiến của khách hàng đã sử dụng dịch vụ, sản phẩm nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết để về sản phẩm, dịch vụ sẽ triển khai. Đồng thời, tham gia sâu hơn cùng khách hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện dự án, như thực hiện cơ chế cùng đầu tư, chia sẻ lợi nhuận dự án (theo mô hình ESCO).

Mặt khác, các đơn vị tư vấn thường có nhiều thông tin hơn về các quỹ tài chính mà doanh nghiệp có thể tiếp cận để vay ưu đãi. Do vậy, các tư vấn viên cần chủ động chia sẻ thông tin, giới thiệu về các quỹ tài chính này với doanh nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn, bởi đây luôn luôn là khâu yếu nhất của đa số doanh nghiệp. “Làm được điều này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ, triển khai các dự án TKNL theo hướng hiệu quả và bền vững” – ông Hùng nhấn mạnh.

Truyền thông nâng cao nhận thức cho lãnh đạo doanh nghiệp

Thực tế triển khai các dự án TKNL nhiều năm tại các doanh nghiệp, ông Mai Văn Huyên - Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh - Green.DC khẳng định, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án TKNL trước hết cần chứng minh cho doanh nghiệp về lợi ích của TKNL một cách thuyết phục. Điều này có nghĩa, cần giải thích và đưa ra các bằng chứng về lợi ích mà doanh nghiệp nhận được khi triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, chẳng hạn như tiết kiệm chi phí, cơ hội để đổi mới công nghệ, đáp ứng các yêu cầu của luật pháp, nâng cao uy tín với khách hàng…

Một yếu tố rất quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các dự án TKNL là được hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ một phần kinh phí hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện các giải pháp. Kinh nghiệm cho thấy, việc được hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ một phần kinh phí hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi là cách dễ tiếp cận với doanh nghiệp và tạo được sự tin tưởng cho doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp TKNL.

Cơ chế tài chính cho các dự án TKNL góc nhìn đơn vị tư vấn
Các kiểm toán viên được học thực hành tại Đại học Điện lực Hà Nội

 

Tiếp đến là cần đưa ra được những giải pháp kỹ thuật và phương án đầu tư phù hợp cho doanh nghiệp. Việc này đòi hỏi các đơn vị tư vấn phải có nghiệp vụ và năng lực kỹ thuật cũng như khả năng tư vấn chuyên nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp mà doanh nghiệp không thể thực hiện được ngay do cần kinh phí lớn hoặc ảnh hưởng đến dây chuyền công nghệ… sẽ là trở ngại cho doanh nghiệp và thường bị từ chối thực hiện vì TKNL thường không phải là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Việc truyền thông nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần được chú trọng. Nhiều trường hợp các dự án TKNL không được triển khai là do lãnh đạo doanh nghiệp không hiểu và không ủng hộ tham gia hoặc đầu tư cho các giải pháp TKNL.

Thế chấp bằng chính máy móc thiết bị của dự án TKNL

Trong giai đoạn đầu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP1, VNEEP2), khi mới làm quen với khái niệm về TKNL, các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp cơ bản, chi phí thấp. Do đó, đến VNEEP3, để TKNL đạt được hiệu quả cao hơn, thì việc các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các giải pháp chuyển đổi về công nghệ là điều tất yếu. Tuy nhiên, nguồn vốn để triển khai các giải pháp này luôn là điều trở đi, trở lại trong các diễn đàn về năng lượng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ chia sẻ, mỗi năm, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ triển khai kiểm toán năng lượng cho khoảng 10-20 doanh nghiệp. Trên cơ sở các kiểm toán này, Trung tâm đề xuất các giải pháp TKNL để doanh nghiệp áp dụng. Hiện tại, đa phần Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua ngân sách địa phương, do đó thường là các giải pháp nhỏ, cao nhất cũng chỉ được vài trăm triệu đồng.

Kinh nghiệm tư vấn tại các doanh nghiệp này cho thấy, với các giải pháp nhỏ, doanh nghiệp làm dễ nên đều được triển khai rất tốt. Tuy nhiên, với những giải pháp đầu tư lớn liên quan đến công nghệ thì các doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi bố trí vốn. Các doanh nghiệp thì hầu hết đều có thế chấp tài sản, nên khi tham gia dự án TKNL họ vướng phần này, do không có gì để thế chấp. Do đó, nhiều khi họ buộc phải dùng vốn tự có, khiến việc đầu tư bị kéo dài, không đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất.

Cơ chế tài chính cho các dự án TKNL góc nhìn đơn vị tư vấn
Các mô hình thiết bị TKNL của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội phục vụ công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng

 

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi xây dựng các hồ sơ gọi vốn vay ưu đãi do không có người nắm chắc lĩnh vực này để lo thủ tục giấy tờ tham gia vào các quỹ tài chính của các tổ chức nước ngoài thông qua ngân hàng trong nước. Do vậy, muốn tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, họ cần một đơn vị tư vấn làm trọn gói hồ sơ thủ tục, doanh nghiệp chỉ cung cấp số liệu. Theo ông Tùng, đây là điều kiện tiên quyết để các đơn vị tư vấn có thể hỗ trợ được doanh nghiệp tham các dự án TKNL và tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Tiếp đó là cho doanh nghiệp thế chấp bằng chính máy móc thiết bị của dự án TKNL thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp tích cực triển khai các giải pháp TKNL lớn, hiệu quả cao.

Những ý kiến này, thiết nghĩ sẽ cần được các cơ quan quản lý liên quan xem xét một cách thấu đáo để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi khi đầu tư các giải pháp TKNL trong thời gian tới.

Hồ Nga