Cổng FTAP truyền cảm hứng từ câu chuyện thực tế

Cổng FTAP dành chuyên mục “Câu chuyện thực tế” để truyền tải, phân tích, chia sẻ những câu chuyện thâm nhập thị trường các nước FTA của các doanh nghiệp thành công đi trước, như những bài học kinh nghiệm sống động, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đi sau.
Cổng FTAP
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Thăng Long

Cổng FTAP lấp đầy khoảng trống thông tin

Cổng FTAP được xây dựng nhằm tận dụng các thế mạnh của các loại hình truyền thông đa phương tiện, truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cuộc khảo sát của của VCCI thực hiện những năm 2016, 2020 và năm 2022 với cùng một câu hỏi là: Điều gì cản trở các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đấy đặc biệt nhấn mạnh là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Câu trả lời nhận được vào năm 2016 trong Top 3 rào cản lớn nhất, theo thứ tự từ cao xuống thấp là:

- Rào cản về cơ chế chính sách và áp dụng thực thi cơ chế, chính sách;

 - Thiếu thông tin;

 - Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế thế.

Đến năm 2022, vẫn là Top 3 những vấn đề đấy, nhưng theo thứ tự ngược lại.

Đầu tiên, doanh nghiệp nhận thấy yếu tố cản trở mình nhất trong tận dụng các cơ hội là năng lực cạnh tranh của chính mình, còn hạn chế. Thứ hai là vấn đề thông tin về cam kết, thông tin khác để tận dụng cam kết. Thứ ba là cơ chế chính sách và áp dụng thực thi cơ chế, chính sách.

Như vậy, qua 6 năm, thiếu thông tin về các hiệp định thương mại tự do vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong Top 3 rào cản lớn nhất trong tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Những khó khăn của doanh nghiệp đã được Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ theo hướng lấp đầy khoảng trống thông tin. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, được sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp xây dựng Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal - Cổng FTAP, địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/) nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Truyền cảm hững từ câu chuyện thực tế

Cổng FTAP được thiết kế và xây dựng với các tính năng, nội dung chính bao gồm: (i) Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư  theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi; (ii) số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép v.v; (iii) Cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý; (iv) Cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành; (v) Cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền như các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp. Các dữ liệu, thông tin trên được hiển thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).

Đặc biệt, Cổng FTAP dành một chuyên mục “Câu chuyện thực tế” để truyền tải, phân tích, chia sẻ những câu chuyện thâm nhập thị trường các nước FTA của các doanh nghiệp thành công đi trước, như những bài học kinh nghiệm sống động, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp đi sau.

Đó là câu chuyện Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA. Trong bài viết này, giám đốc Công ty Trung An chia sẻ kinh nghiệm: “Trung An đang thực hiện nhiều giải pháp để khẳng định và nâng tầm chất lượng hạt gạo Việt tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Việc nâng tầm chất lượng hạt gạo Việt phải là một quá trình thường xuyên và liên tục, không phải đã XK được vào châu Âu rồi mà bằng lòng dừng lại ở đó. Vì thế, ngay trong vụ Đông Xuân tới, DN sẽ loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng của mình. Giải pháp này chắc chắn sẽ giúp gạo của chúng tôi mạnh hơn trên thị trường này do không phải lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Cũng ngay trong bài viết này trên Cổng FTAP, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 Việt Nam và top 10 về xuất khẩu cà phê cho biết: “Có nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng tôi làm nông nghiệp nhưng lại ứng dụng kỹ thuật số nhiều thế? Tôi thấy Phúc Sinh cần phải luôn thay đổi để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và hướng đến những kết quả tốt hơn. Thực tế, khi doanh nghiệp triển khai bán hàng trực tuyến được rất nhiều người tiêu dùng ủng hộ, đó là điều tuyệt vời vì chúng tôi được kết nối và phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Lý do là, Phúc Sinh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ sự sáng tạo, luôn cung cấp các sản phẩm đa dạng, tiện lợi, giá cả cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa quốc tế, đặc biệt là châu Âu, nên rất tự tin đạt kết quả tốt. Hơn nữa, ai ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số nhanh, người đó sẽ đi trước”.

Đó cũng là câu chuyện của Công ty TNHH Tứ Hải trong thâm nhập thị trường CPTPP. Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải cho biết: “Để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, công ty đã thu mua từ một số tỉnh, thành trong nước và nhập thêm 2.000 tấn nguyên liệu từ thị trường Australia. Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư xây dựng kho lạnh 500 tấn để dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.

Còn với Công ty TNHH May mặc Thăng Long, ông Lê Hoàng Phong, phụ trách xuất nhập khẩu công ty cho biết: “Công ty đang nỗ lực tiếp cận các thị trường là thành viên Hiệp định CPTPP. Đây là thị trường tiềm năng, đòi hỏi chất lượng cao, nhưng nếu xuất khẩu được vào các thị trường này, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh do các ưu đãi của hiệp định”.

Lê Mạnh Hùng