Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại
Sản xuất công nghiệp - nhìn trên số liệu từ các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê trong mấy năm gần đây, người ta dễ dàng nhận ra tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có dấu hiệu chậm lại so với dịch vụ. Cụ thể như năm 2022, trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 8,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 38,24%, thấp hơn so với khu vực dịch vụ đóng góp 56,65%. Tương tự, 6 tháng đầu năm 2023, GDP toàn nền kinh tế tăng 3,72%. trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 11,87%, thấp hơn so với sự đóng góp của khu vực dịch vụ (78,85%).
So sánh với các mốc năm 2010, 2015 cho thấy, năm 2010, công nghiệp, xây dựng đóng góp vào GDP nhiều hơn, với 3,2%, so với khu vực dịch vụ đóng góp 3,11%, trong tổng mức tăng chung toàn nền kinh tế 6,78%. Năm 2015, khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đóng góp nhiều hơn vào GDP với 3,2%, so với 2,43% của khu vực dịch vụ.
Như vậy, có sự đảo chiều rõ rệt, công nghiệp - xây dựng từ vị trí quán quân đã nhường chỗ cho khu vực dịch vụ lên ngôi về đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Việc tính toán, phân loại đóng góp của các khu vực trong GDP của Tổng cục Thống kê là đúng chuẩn mực thống kê và phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Nhưng nhìn trên số liệu này mà bảo sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chậm lại so với dịch vụ, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, với sự sẵn có của các công nghệ mới của Cách mạng 4.0, con đường phát triển dựa vào công nghiệp hoá không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ và dịch vụ hoá công nghiệp đang ngày càng phát triển như hiện nay, thì lại “thấy vậy mà không phải vậy”.
Nhìn trên chuỗi giá trị
Mặc dù, những năm gần đây, khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh hơn và đóng góp nhiều hơn vào GDP so với công nghiệp, nhưng xét về thực chất, các phân ngành dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào quy mô và trình độ phát triển của các phân ngành công nghiệp, nếu không sản xuất công nghiệp, các phân ngành dịch vụ không có cơ hội phát triển.
Một ví dụ điển khá rõ ràng là, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm đạt 371,85 tỷ USD, còn kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, bằng 3,5% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Hiện tượng này cũng tương tự như sự luân chuyển thương mại toàn cầu. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 80% thương mại thế giới giữa các khu vực hiện nay vẫn chủ yếu là thương mại hàng hóa, nghĩa là chỉ có 20% thương mại toàn cầu là về dịch vụ. Điều này có nghĩa là, hầu hết các chỉ số xuất nhập khẩu thực chất là các chỉ số thống kê của ngành sản xuất công nghiệp – chứ không phải là các ngành dịch vụ khác.
Nhìn trên chuỗi giá trị con đường đi của một sản phẩm, bắt đầu từ hoạt động nghiên cứu phát triển, đến thiết kế sản phẩm, sản xuất công nghiệp, marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng. Trong chuỗi này, sản xuất công nghiệp ở giữa, đóng vai trò kết nối các hoạt động ở hai đầu của chuỗi - chủ yếu là các hoạt động của khu vực dịch vụ.
Sản xuất công nghiệp là khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi, nhưng không thể thiếu, bởi nếu thiếu công đoạn sản xuất công nghiệp sẽ không tạo nên được một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, khi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cuộc xung đột Nga - Ucraina kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, thì sản xuất công nghiệp dù nằm trong khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp, nhưng lại là khâu cốt lõi, “gánh” toàn bộ sự phức tạp của diễn biến kinh tế toàn cầu.
Các nước phát triển như Hoa Kỳ, hay EU, do dịch chuyển công đoạn sản xuất công nghiệp ra ngoài lãnh thổ, nên khi xảy ra đại dịch, hoặc biến động địa chính trị như xung đột Nga-Ucraina đã làm đứt gãy chuỗi giá trị trong nước, các nước không thể chủ động đáp ứng nhu cầu các hàng hoá cơ bản do bị phụ thuộc quá lớn vào công đoạn sản xuất công nghiệp ở nước ngoài.
Ở nước ta, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng những năm gần đây tăng trưởng 2 con số. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khi tổng cầu thế giới xuống thấp, đơn hàng suy giảm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng 2 con số, được đánh giá là điểm sáng của khu vực dịch vụ hỗ trợ phục hồi tổng cầu trong nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Nhưng trong tổng số trên 3 triệu tỷ đồng bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay, trên 70% đến từ bán lẻ hàng hóa, lại là hoạt động trao đổi sản phẩm do sản xuất công nghiệp chế tạo ra.
Thử hình dung các phân ngành dịch vụ sau: bán buôn, bán lẻ, logistics (bao gồm dịch vụ vận tải, kho bãi; dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dỡ hoặc bốc xếp hàng hóa lên tàu, xe, container; dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu giữ hàng hóa; dịch vụ đại lý vận tải; dịch vụ tiếp nhận, lưu kho, quản lý các thông tin có liên quan đến quá trình vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt chuỗi logistics…) sẽ phát triển thế nào nếu không có công nghiệp sản xuất ra hàng hóa?
Thậm chí, kể cả những dịch vụ tưởng chừng không liên quan gì đến sản xuất công nghiệp như kinh doanh bán bất động sản cũng phụ thuộc vào quy mô và trình độ phát triển của sản xuất hàng hóa, như xi măng, sắt thép, đồ gỗ, đồ nhựa nội thất. Tương tự, dịch vụ du lịch, y tế hay tài chính cũng phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp để phát triển.
Như vậy, “sức khỏe” của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất công nghiệp. Chỉ cần một nhân tố nhỏ, như thiếu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, lập tức các phân ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, tài chính, xuất khẩu… bị ảnh hưởng tức thì. Ngược lại, các ngành dịch vụ cũng có tác động lớn đến sản xuất công nghiệp. Như 6 tháng đầu năm nay, tổng cầu thế giới giảm, đơn hàng cho Việt Nam giảm, dẫn đến xuất khẩu (là đầu ra của sản phẩm công nghiệp) giảm nên hệ quả tất yếu là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm.
Từ đây, có thể coi sản xuất công nghiệp là cốt lõi, và các phân ngành dịch vụ phục vụ cho sản xuất phải luôn đồng hành cùng sản xuất, phục vụ sản xuất, và tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất công nghiệp.