Đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin tố tụng dân sự của công dân ở Việt Nam hiện nay

TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY (Viện Nhà nước và Pháp luật)

TÓM TẮT:

Tiếp cận quá trình tố tụng dân sự là một trong những điều kiện quan trọng mang tính tiền đề đối với việc đảm bảo tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự. Do vậy, bài nghiên cứu phân tích các khía cạnh liên quan đến tiếp cận quá trình tố tụng dân sự, thực trạng và các vấn đề đặt ra hiện nay.

Từ khóa: tố tụng dân sự, công dân, Việt Nam, tiếp cận công lý.

1. Đặt vấn đề

Tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là một yêu cầu quan trọng trong bảo đảm quyền dân sự nói riêng và quyền con người nói chung. Tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự được xem xét trên nhiều khía cạnh mà khả năng tiếp cận quá trình tố tụng là yếu tố ban đầu, mang tính quyết định đến toàn bộ tiến trình tiếp cận công lý của công dân.

Quá trình tố tụng dân sự chỉ được bắt đầu dựa trên một yêu cầu của bên có quyền và nghĩa vụ cần bảo vệ. Tuy nhiên, không phải bất cứ chủ thể nào khi đối diện với các vấn đề pháp lý đều lựa chọn cách hành động. Quyết định hành động để tìm kiếm sự đền bù/khắc phục các thiệt hại dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Các nghiên cứu trên diện rộng đã cho thấy một tỷ lệ không nhỏ những người có các vấn đề về dân sự không có bất cứ hành động nào để tìm kiếm phương thức giải quyết vấn đề của mình1.

Ở giai đoạn đầu tiên của quá trình tiếp cận công lý, việc nhận thức rõ phạm vi các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình là cơ sở để cá nhân tìm kiếm các thông tin liên quan, bao gồm cả tìm kiếm sự trợ giúp từ những người trong mạng lưới xã hội của mình và từ các nguồn khác (các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực liên quan, luật sư, trợ giúp viên pháp lý,…).

Như vậy, tiếp cận thông tin trong tố tụng dân sự bao gồm sự hiểu biết về pháp luật tố tụng dân sự, quyền và nghĩa vụ của các đương sự, khả năng nhận được các thông tin liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà mình đang tham gia. Thông tin là cơ sở để người dân xác định liệu mình có đang bị xâm phạm một quyền dân sự nào đó hay không và cần phải tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ ở đâu, sử dụng thiết chế giải quyết tranh chấp nào để khắc phục/phục hồi các quyền và lợi ích đó.

Tiếp cận thông tin pháp luật tố tụng dân sự bao gồm: Sự hiểu biết về pháp luật tố tụng dân sự, quyền và nghĩa vụ của các đương sự và người tham gia tố tụng, khả năng nhận được các thông tin liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà mình đang tham gia. Chỉ khi nhận thức rõ về quyền và các phương thức bảo vệ quyền của mình thì quần chúng mới có nhu cầu tìm kiếm và theo đuổi công lý.

Việc thiếu hiểu biết về phạm vi quyền, hệ thống trợ giúp pháp lý và các thông tin liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận công lý.

Để đảm bảo tiếp cận công lý, một khía cạnh khác của quyền con người là quyền tiếp cận thông tin, cụ thể là quyền tiếp cận thông tin về tố tụng dân sự cần được bảo đảm. Tiếp cận thông tin pháp luật được xem xét từ góc độ thực hiện trách nhiệm của Nhà nước và sự tích cực tiếp nhận thông tin từ phía người dân.

Từ phía người dân, là chủ thể thụ hưởng quyền này nhưng người dân chỉ chủ động tìm kiếm các thông tin pháp luật khi có vấn đề pháp lý có liên quan. Với vai trò là chủ thể ban hành và bảo đảm thực hiện pháp luật, nhà nước có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin pháp luật. Việc cung cấp này phải đảm bảo các nguyên tắc của tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự là minh bạch, công bằng, hiệu quả, không phân biệt đối xử và có trách nhiệm.

2. Pháp luật về tiếp cận thông tin trong tố tụng dân sự

Cụ thể hóa quy định về quyền được thông tin trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật năm 2012 quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật xác định chủ thể thụ hưởng là công dân, trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt2. Theo đó, đảm bảo phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện từ 2 phía: công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm chính trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời khuyến khích xã hội hóa hoạt động này.

Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đa dạng, khai thác các kênh truyền thông truyền thống (họp báo, thông cáo báo chí, phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư, thông qua hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước) và các kênh truyền thông hiện đại (đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử), các hoạt động phổ cập (như thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân), hoặc các hoạt động chuyên biệt, lồng ghép (lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở).

Luật cũng xác định các nhóm chủ thể đặc thù với những hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục phù hợp với đặc điểm của nhóm, như: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo. Với mỗi đối tượng, mục đích, cơ quan có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tương ứng. Các hình thức và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được quy định phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của từng nhóm chủ thể.

Hoạt động phổ biến pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện bởi chủ thể là tòa án thông qua hoạt động xét xử, công tác hòa giải, đối thoại, hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ, phổ biến các văn bản mới ban hành, công khai các bản án, quyết định của tòa án và phát triển án lệ, thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và thông qua phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Thực tiễn tiếp cận thông tin trong tố tụng dân sự

Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân bằng việc xây dựng và duy trì các kênh thông tin tuyên truyền pháp luật, đảm bảo việc tiếp cận của người dân đến các kênh thông tin đó tiện lợi và chi phí thấp.

Theo Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/02/2016 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, việc tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bao gồm tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về những điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền Bộ luật Tố tụng dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tiễn phổ biến, giáo dục pháp luật tố tụng dân sự thông qua các hoạt động của tòa án trong thời gian qua đã cho những kết quả nhất định. Số liệu giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động qua các năm cho thấy số lượng tương ứng các đương sự và những người tham dự các phiên giải quyết vụ việc được phổ biến, giáo dục về pháp luật tố tụng dân sự. Năm 2017, các tòa án đã giải quyết được 457.024 vụ/499.918 vụ việc đã thụ lý, số liệu tương ứng của năm 2018 là 386.923 vụ/439.546 vụ việc và năm 2019 là 379.441 vụ/432.666 vụ3

Bên cạnh đó, đối với những vụ việc được quyền hòa giải, tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự tiền tố tụng tại các trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc tòa án. Sau thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019 các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại4. Đây là số vụ việc dân sự và hành chính được chuyển sang hòa giải, đối thoại trước khi thụ lý vụ việc, tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy một số lượng lớn công dân được phổ biến, giáo dục về pháp luật tố tụng dân sự thông qua hoạt động này.

Hoạt động đào tạo nghiệp vụ cũng giúp tăng cường trình độ hiểu biết và áp dụng pháp luật của các cán bộ ngành tòa án. Năm 2018, Tổ chức 25 hội thảo, tọa đàm trong nước cho hơn 1.000 lượt đại biểu là các thẩm phán và cán bộ tòa án các cấp về các nội dung thiết thực liên quan tới công tác tòa án và cải cách tư pháp, như: kỹ năng hòa giải và đối thoại, pháp luật về phá sản, môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại, phòng chống tham nhũng, kinh nghiệm tranh tụng,… Năm 2018, Tòa án Nhân dân tối cao đã đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 391 học viên; đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án cho 1.159 học viên tập huấn kiến thức pháp luật cho trên 300 thẩm phán; tổ chức đào tạo nghiệp vụ thẩm tra viên chính và thư ký viên chính khóa đối với gần 300 học viên...5. Năm 2019 tổ chức 12 lớp bồi dưỡng nghiệp trực tuyến cho hơn 10.000 thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký, đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 448 học viên; đào tạo nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp trong hệ thống tòa án với 877 học viên và 1.200 thẩm phán. Trong năm 2018, Học viện Tòa án đã tuyển sinh được 307 sinh viên, năm 2019 tuyển sinh 320 học viên6.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông: Tòa án Nhân dân tối cao đã thực hiện công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử, xây dựng Trang Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trang tin tương trợ tư pháp giao diện tiếng Việt và tiếng Anh; 66 trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân cấp cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã được xây dựng; Tạp chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao và các trang thông tin điện tử của các tòa án luôn chủ động bám sát, tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động của tòa án nhân dân tối cao và tòa án nhân dân các cấp.

Phổ biến giáo dục pháp luật tố tụng dân sự thông qua việc phối hợp với các cơ quan khác: thông tin và truyên truyền về các sự kiện, hội nghị quan trọng do tòa án nhân dân tối cao tổ chức; xây dựng kịch bản và phát sóng được 26 số chuyên đề truyền hình tòa án nhân dân trên kênh truyền hình Quốc hội và đang tích cực triển khai xây dựng nội dung, chỉ đạo sản xuất phát sóng chương trình Truyền hình Tòa án nhân dân với format mới “Hồ sơ xét xử”.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Tố tụng dân sự và công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ: Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục mới được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao và Trang Thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân địa phương. Thông qua hình thức này, người dân sẽ được tiếp cận với những bản án, quyết định của Tòa án để từ đó họ tự nhận thức và dự đoán được kết quả của những tranh chấp có nội dung tương tự, qua đó tăng cường hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Theo đó, từ ngày 01/7/2017, tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của tòa án mình trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Tính đến ngày 19/11/2021, đã có 769.062 bản án, quyết định của tòa án được công bố, trong đó dân sự (127.910), hôn nhân và gia đình (392.234), kinh doanh, thương mại (13.665), lao động (3.103), quyết định tuyên bố phá sản (69)7.

Trong công tác phát triển án lệ, tính đến hết ngày 29/11/2021, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 43 án lệ, trong đó có án lệ dân sự (24), hôn nhân gia đình (01), kinh doanh thương mại (09) và lao động (01). Thông qua các án lệ này, những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể hoặc những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau sẽ được phân tích, giải thích trong một vụ việc cụ thể, vì vậy việc tiếp cận các quy định của pháp luật sẽ cụ thể và dễ hiểu hơn8.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên phải vận dụng các kiến thức pháp luật, dẫn chứng các quy định cụ thể của pháp luật để giải thích, thuyết phục các bên, từ đó nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng dân sự nói riêng cho cả các bên tranh chấp và những người tham dự, cộng đồng dân cư nơi xảy ra tranh chấp. Số lượng các vụ việc được hòa giải cũng cho thấy mức độ tác động của hoạt động hòa giải cơ sở trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Biểu đồ 1: Số vụ việc được hòa giải tại cơ sở

Số vụ việc được hòa giải tại cơ sở

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật tố tụng dân sự còn được thực hiện thông qua hoạt động của các tủ sách pháp luật tại các địa phương trong cả nước. Hệ thống tủ sách pháp luật được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, do sự phát triển của các kênh thông tin khác, hoạt động của tủ sách pháp luật gặp nhiều hạn chế và giảm hiệu quả sử dụng. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về triển khai xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, từng bước thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo hướng tự quản cộng đồng hoặc sáp nhập vào thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của thư viện hoặc điểm bưu điện - văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Tủ sách pháp luật vẫn được duy trì và bố trí ngân sách hàng năm tối thiểu 3 triệu đồng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo.

Từ phía công dân, sự tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật tố tụng dân sự thể hiện qua số liệu thống kê truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân địa phương. Trang https://congbobanan.toaan.gov.vn về thông tin công bố bản án đã thu hút hơn 22 triệu lượt truy cập, với trung bình 46.000 lượt mỗi ngày kể từ khi được khai trương9. Cổng thông tin điện tử Tòa án Nhân dân tối cao được truy cập hơn 72 triệu lượt với khoảng 4.000 lượt truy cập mỗi ngày10.

Sự hiểu biết về pháp luật tố tụng dân sự của công dân cũng thể hiện qua cách thức tìm kiếm nguồn thông tin để giải quyết các vấn đề pháp lý của họ. Khảo sát của Dự án Công lý thế giới năm 201911 cho thấy trong số 140 người đã từng có vấn đề liên quan đến pháp luật được khảo sát tại 3 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng thì 75% trong số đó biết phải tìm kiếm lời khuyên và thông tin pháp lý từ những nguồn nào, 53% cho biết họ có thể có được tất cả hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp khi cần và 69% tự tin là họ có thể tìm kiếm được sự công bằng.

Như vậy, tiếp cận thông tin trong tố tụng dân sự từ góc độ trách nhiệm của Nhà nước đã đạt được các kết quả sau:

Thứ nhất, hoạt động cung cấp thông tin pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện qua nhiều kênh có độ phạm vi tác động lớn. Các kênh thông tin này có thể là trong một giai đoạn nhất định (tuyên truyền, phổ biến khi Bộ luật Tố tụng dân sự mới được ban hành) hoặc thường xuyên (tủ sách pháp luật, tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, cổng thông tin điện tử,…). Đặc biệt, việc sử dụng hình thức truyền thông trực tuyến làm gia tăng khả năng tiếp cận thông tin của công dân với chi phí thấp.

Thứ hai, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật tố tụng dân sự đã có sự chú ý nhất định đối với các nhóm yếu thế. Cụ thể, bên cạnh việc xây dựng và vận hành tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, Nhà nước vẫn có chính sách duy trì tủ sách pháp luật ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo. Các quy định liên quan đến tủ sách pháp luật cũng tạo thuận tiện cho người sử dụng như địa điểm đặt tủ sách là trụ sở ủy ban nhân dân xã hoặc nơi khác phù hợp với điều kiện thực tế hay tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số còn có sách, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, thực thi trách nhiệm từ phía nhà nước đối với tiếp cận thông tin trong tố tụng dân sự còn đặt ra các vấn đề sau:

Thứ nhất, việc xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia là cần thiết và phù hợp với nhu cầu và khả năng truy cập của công dân nhưng chưa có các biện pháp hỗ trợ các nhóm yếu thế trong việc truy cập hệ thống này. Mặc dù việc truy cập vào tủ sách pháp luật điện tử quốc gia là miễn phí chỉ với yêu cầu có thiết bị truy cập được internet. Điều này nằm trong khả năng của số đông dân cư khi theo khảo sát tính đến năm 2019 có 43,7 triệu người dùng smartphone, chiếm tỷ lệ 44,9% dân số (Báo cáo quảng cáo trực tuyến Việt Nam 2019 do Adsota thực hiện). Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hộ nghèo hoặc cận nghèo nhưng không thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo, không đủ năng lực tài chính để tiếp cận với tủ sách pháp luật điện tử quốc gia và không thuộc đối tượng thụ hưởng tủ sách pháp luật. Không chú trọng đến nhóm chủ thể này sẽ tạo ra khoảng trống trong tiếp cận công lý khi gia tăng khoảng cách giữa các nhóm chủ thể trong tiếp cận với những phương thức cung cấp thông tin đại chúng.

Thứ hai, các phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố tụng dân sự trực tuyến có thể sẽ không phù hợp với các nhóm chủ thể là người dân tộc thiểu số, người có hạn chế về thể chất gặp khó khăn trong sử dụng các thiết bị truy cập internet. Ngôn ngữ trong các văn bản được cung cấp trực tuyến là chữ quốc ngữ, nên sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của người dân tộc thiểu số không biết chữ quốc ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

1World Justice Project. (2018). Global Insights on Access to Justice: Findings from the World Justice Project General Population Poll in 45 Countries. [Online] Available at https://worldjusticeproject.org/sites/default/files/ documents/WJP_Access-Justice_February_2018_LowResolution.pdf.

2 Quốc hội (2012). Luật số 14/2012/QH13: Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật, ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012, Điều 3.

3Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án các năm 2017, 2018, 2019.

4Tòa án Nhân dân tối cao (2018). Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án.

5Tlđđ,

6Tòa án Nhân dân tối cao (2019). Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án.

7Tạ Đình Tuyên (2019). Hệ thống Tòa án nhân dân tăng cường và chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua mọi mặt hoạt động. Truy cập tại https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/he-thong-toa-an-nhan-dan-tang-cuong-va-chu-trong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-thong-qua-moi-mat-hoat-dong. https://congbobanan.toaan.gov.vn/6tatcvn/Thong-ke

8Tlđđ,

9Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án, https://congbobanan.toaan.gov.vn/6tatcvn/Thong-ke.

10Website: https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/home.

11World Justice Project. (2019). Global Insights on Access to Justice. [Online] Available at https://worldjusticeproject.org/our-work/research-and-data/global-insights-access-justice-2019

ENSURING THE ACCESS TO JUSTICE

IN CIVIL PROCEEDINGS IN VIETNAM

• Ph.D NGUYEN THI THU THUY

Institute of State and Law

ABSTRACT:

Accessing to civil proceedings is one of the important prerequisites for ensuring the access to justice in civil proceedings. This paper analyzes aspects and current situation of the access to justice in civil proceedings.

Keywords: civil proceedings, citizen, Vietnam, access to justice.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]