Đạm Cà Mau (DCM): Đã hoàn thành 58% kế hoạch tiêu thụ năm, xuất khẩu phân bón tích cực

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) vừa cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, đã hoàn thành 58% kế hoạch tiêu thụ năm; trong đó, xuất khẩu phân bón đã hoàn thành hơn 63% mục tiêu năm.

Đã hoàn thành 58% kế hoạch tiêu thụ cả năm

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) vừa cho biết luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, đã sản xuất được hơn 492.000 tấn phân bón (Urê quy đổi), tương đương hoàn thành 56% kế hoạch cả năm.

Trong đó, riêng tháng 6/2023, sản lượng sản xuất đạt 81.950 tấn phân bón. Đáng chú ý, sản lượng NPK trong tháng  6/2023 của doanh nghiệp phân bón này chỉ đạt 4.940 tấn, giảm 81% so với tháng 5 trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 5, Đạm Cà Mau đã tăng cường sản xuất để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng NPK của vụ Hè – Thu, thường bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 4 và thu hoạch vào cuối tháng 9 hàng năm.

Kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau
Diễn biến sản lượng và tiêu thụ của Đạm Cà Mau qua các tháng. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Về hoạt động tiêu thụ, trong nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau đã tiêu thụ được 441.250 tấn Urê, tương đương hoàn thành 58% kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phân bón này còn tiêu thụ được 34.390 tấn đạm chức năng, 55.700 tấn phân bón NPK, và 82.560 tấn phân bón tự doanh.

Xét về cơ cấu thị trường, trong nửa đầu năm nay, khoảng 68% lượng Urê của Đạm Cà Mau là được tiêu thụ trong nước (tương đương 298.790 tấn); 32% còn lại đến từ thị trường xuất khẩu (tương đương 142.460 tấn). Đáng chú ý, lượng phân bón xuất khẩu của Đạm Cà Mau hiện đã hoàn thành hơn 63% mục tiêu cả năm nay.

Thông tin về diễn biến thị trường phân bón Urê, Đạm Cà Mau cho biết giá phân bón đã giảm tại hầu hết các thị trường trong tháng 6/2023 do nhu cầu thấp cùng với việc giá nguyên liệu đầu vào giảm. Cùng với xu hướng chung của thị trường thế giới, thị trường phân bón trong nước giao dịch trầm lắng và giá các loại phân bón trong nước đều giữ đà giảm.

Kỳ vọng kinh doanh phục hồi khi giá phân bón đã chạm đáy

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: Trading View)

Hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau hiện kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay khi giá Urê thế giới có thể đã chạm đáy và đang phục hồi nhẹ.

Cụ thể, giá Urê thế giới trong tháng 6/2023 đã rơi xuống mức 375 USD/tấn, giảm sâu 64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn xác lập hồi tháng 4/2022, và giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tuần cuối của tháng 6 vừa qua, giá Urê tại nhiều thị trường quan trọng trên thế giới đã có tín hiệu phục hồi nhẹ trở lại, tăng từ 10 - 29 USD/tấn.

Bên cạnh tác động từ thị trường phân bón thế giới, giá các loại phân bón trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ trở lại từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2023 khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ, đặc biệt là vụ Đông và Chiêm Xuân tại phía Bắc.

Xem thêm: "Giá Ure đang phục hồi nhẹ, liệu kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau được cải thiện?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đặc biệt, việc giá phân bón tăng cao kỷ lục trong năm 2022 đã khiến nhiều hộ nông dân giảm diện tích gieo trồng, kéo theo đó là sản lượng tiêu thụ phân bón giảm. Tuy nhiên, với việc giá gạo xuất khẩu và nhiều loại nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam đang tăng cao kỷ lục có thể thúc đẩy nông dân mở rộng canh tác trở lại và gia tăng sử dụng phân bón, nhất là khi giá phân bón đã giảm đáng kể.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau đạt 29.100 đồng/cổ phiếu; tăng gần 7% so với thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, so với mức đáy lịch sử hồi đầu tháng 3/2023, giá cổ phiếu DCM đã phục hồi hơn 26%.

Quỳnh Trang