Đạm Cà Mau (DCM): Nhu cầu yếu, giá phân bón tháng 1/2024 giảm từ 1-7%

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) cho biết do nhu cầu yếu nên cả sản lượng tiêu thụ lẫn giá phân bón trong tháng 1/2024 đều giảm so với tháng 12/2023.
Đạm Cà Mau
Do nhu cầu yếu nên cả sản lượng và giá bán phân bón trong tháng 1/2024 của Đạm Cà Mau đã giảm xuống.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 1/2024.

Cụ thể, trong tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau đã sản xuất được 85.540 tấn ure quy đổi và 14.400 tấn NPK, tương ứng lần lượt tăng 6,5% và 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hoạt động tiêu thụ, Đạm Cà Mau đã tiêu thụ được 47.950 tấn ure, giảm 62% so với tháng 12/2023 nhưng vẫn vượt 6,5% so với kế hoạch tiêu thụ do công ty đặt ra. Xét về cơ cấu thị trường, tiêu thụ ure trong nước đạt 43.700 tấn (chiếm hơn 91%), giảm 44%; xuất khẩu ure đạt 4.250 tấn, giảm 91% so với tháng 12/2023.

Tương tự, tiêu thụ NPK, đạm chức năng và phân bón tự doanh của Đạm Cà Mau trong tháng 1/2024 lần lượt giảm 98%, 73%, và 87% so với tháng 12/2023.

Đạm Cà Mau
Kết quả sản xuất và tiêu thụ ure của Đạm Cà Mau qua các tháng. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Đạm Cà Mau cho biết, giá các chủng loại phân bón tại thị trường nội địa trong tháng 1/2024 đều giảm từ 1-7% so với tháng 12/2023 trong bối cảnh nhu cầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hạn chế và giá lúa giảm. Về giá xuất khẩu, giá chào bán xuất khẩu urê hạt trong tại Hải Phòng cho các lô hàng giao tháng 2 và tháng 3/2024 dao động trong khoảng 390-420 USD/tấn FOB Hải Phòng.

Trong tháng 2 này, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 76.270 tấn ure và 15.560 tấn NPK; tiêu thụ 75.000 tấn ure và 7.000 tấn NPK.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau trong năm nay dự kiến sẽ được cải thiện tích cực khi cả sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán có xu hướng dần hồi phục.

Giá ure Đạm Cà Mau
Diễn biến giá ure Phú Mỹ và ure Cà Mau qua các tháng. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Xem thêm: "Lãi ròng của Đạm Cà Mau (DCM) có thể tăng 126% nhờ thương vụ M&A và giá phân bón hồi phục" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, nguồn cung ure trên thị trường thế giới đang bị siết chặt lại khi Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón ít nhất đến tháng 4/2024. Hiện Đạm Cà Mau đã xuất khẩu phân bón sang khoảng 18 quốc gia trên thế giới; trong đó, thị trường Campuchia chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% giá trị xuất khẩu.

Đầu năm nay, Đạm Cà Mau đã phát triển thành công hai thị trường mới là Australia và New Zealand và đang chuẩn bị xuất các lô hàng đầu tiên sang hai quốc gia này.

Triển vọng kinh doanh của Đạm Cà Mau còn được củng cố nhờ thương vụ mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF) với giá trị đầu tư khoảng 600 tỷ đồng trong bối cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau đã luôn hoạt động trên 100% công suất. Nhà máy Phân bón Hàn Việt sẽ giúp nâng công suất mảng NPK của Đạm Cà Mau lên gấp đôi mức hiện tại, đạt 660.000 tấn/năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 28/2, thị giá cổ phiếu DCM đạt 34.050 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang