Đánh giá khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

ThS. TRẦN HOÀI NAM (Bộ môn Kinh tế nông lâm - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh) và NGUYỄN THỊ THU HÀ (SV ngành Kinh doanh nông nghiệp khóa 40 - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông l

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp chỉ số thích nghi cấp độ nông hộ (HACI) để đánh giá khả năng thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ. Đồng thời, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng đối với xâm nhập mặn bằng phương pháp ước lượng OLS. Số liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 150 hộ trên địa bàn Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khả năng thích ứng của nông hộ đạt được là 0,58 điều này có nghĩa là dưới tác động của xâm nhập mặn thì khả năng thích ứng của nông hộ nằm ở mức thích ứng trung bình. Khả năng thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ chịu ảnh hưởng của các biến trình độ học vấn, tuổi, giới tính, thu nhập và khoảng cách.

Từ khóa: Xâm nhập mặn, khả năng thích ứng, chỉ số thích ứng cấp độ nông hộ, Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

I. Đặt vấn đề

Sản xuất nông nghiệp là một định hướng quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi được xem là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đồng thời cũng được xem là nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp trong vùng đang phải đối mặt với sự thay đổi thất thường của thời tiết nhất là tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt và ảnh hưởng của triều cường, trong đó xâm nhập mặn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân (Nguyễn Thanh Bình, 2012; Phạm Thanh Vũ, 2016). Nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản suất nông nghiệp, người dân trong vùng bước đầu đã có những hoạt động thích ứng như sử dụng giống chịu mặn, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia cố đê kè, đồng thời tăng cường các biện pháp kỹ thuật để chống sâu bệnh (Đặng Thị Hoa, 2015). Tuy vậy, đa số người dân đều có mức độ thích nghi với xâm nhập mặn rất thấp do họ bị hạn chế về năng lực thích ứng và thiếu nguồn lực để đương đầu với các rủi ro (Võ Văn Tuấn, 2014; Võ Thành Danh, 2015; Nguyễn Quốc Nghi, 2016).

Cù Lao Dài thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long là khu vực chịu tác động trực tiếp của tình trạng xâm nhập mặn. Hằng năm vào mùa khô, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến năng suất cây ăn trái cũng như hoạt động nuôi trồng thủy sản trong vùng. Vì vậy, để giảm thiểu tác động, cũng như nâng cao khả năng thích ứng đối với xâm nhập mặn, việc đánh giá khả năng thích ứng ở cấp độ hộ là rất cần thiết nhằm xây dựng các chiến lược ứng phó. Nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu là đánh giá và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ nông hộ tăng khả năng thích ứng với xâm nhập mặn.

II. Phương pháp nghiên cứu

1. Nguồn số liệu

Số liệu được thu thập từ 150 hộ tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm (1/2017). Đây là nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long. Số liệu cần thiết cho nghiên cứu này được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp bằng câu hỏi đã được kiểm tra. Nội dung phỏng vấn gồm: Các thông tin chung về hộ, đặc điểm hộ, thông tin sản xuất của hộ, nhận thức của nông hộ đối với xâm nhập mặn, tác động của xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất của hộ. Ngoài ra, còn thu thập các thông tin thứ cấp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Các tài liệu, các báo cáo, các nghiên cứu trong và ngoài nước được thu thập qua các nguồn khác nhau để phục vụ cho nghiên cứu.

2. Phương pháp phân tích và xử lí số liệu

2.1. Chỉ số HACI

Thích ứng không phải là hành động chỉ diễn ra một lần mà là một quá trình lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian. Do đó, lựa chọn các hoạt động thích ứng phù hợp với năng lực và bối cảnh địa phương là rất cần thiết ở cấp độ nông hộ cũng như cộng đồng (Đặng Thị Hoa, 2015). Để đo lường khả năng thích nghi đối với cấp nông hộ thì có thể dùng phương pháp thang điểm tổng hợp (Trương Thị Tư, 2016), chỉ số thích ứng cấp độ nông hộ (Võ Thành Danh, 2015). Trong nghiên cứu này, chỉ số thích ứng cấp độ nông hộ (HACI) được sử dụng để đo lường khả năng thích ứng của nông hộ. Chỉ số HACI được tính như sau:

Trong đó: n, o, p, q và r là tổng các số biến số trình bày lần lượt 5 nhóm yếu tố Si, Ej, Pk, Nl, và Im và wi, wj, wk, wl, và wm lần lượt là các trọng số của các chỉ số Si, Ej, Pk, Nl, và Im. Các trọng số này sẽ được xác định cho mỗi chỉ số. Các trọng số này được xác định dựa trên sự xếp hạng ưu tiên về tầm quan trọng của những yếu tố trong việc xây dựng khả năng thích nghi của cộng đồng đối với tác động xâm nhập mặn (tiêu chuẩn xếp hạng theo thang đo Likert mức độ 4) và mức độ thiệt hại của các loại thiệt hại này gây ra.

Trong công thức HACI, chỉ số trung bình trọng số (Weighted Mean Index - WMI) sẽ được xác định cho từng biến số S, E, P, N, và I theo Bảng 1. Tiếp theo, chỉ số trung bình trọng số tổng (Aggregated Weighted Mean Index-AWMI) được xác định. Cuối cùng, chỉ số HACI được tính cho phân tích khả năng thích ứng cấp độ nông hộ.

Sau khi tính toán các chỉ số thích nghi từng phần và chỉ số thích nghi tổng hợp cho từng nông hộ, các mức độ thích ứng tương ứng sẽ được phân loại như sau:

2.2 Hàm hồi quy đa biến phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thích ứng của nông hộ

Nghiên cứu tiếp tục xác định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của nông hộ. Mô hình được thể hiện như sau:

HACIi= f (Xi)

Trong đó: HACI: Khả năng thích ứng với xâm nhập mặn (%), có giá trị từ 0 đến 1. Do đó, biến phụ thuộc có thể được coi là bị chặn từ 0 đến 1. Các biến độc lập được xác định bao gồm: Trình độ học vấn của người ra quyết định chính trong hộ (Số năm đi học); Độ tuổi của người ra quyết định chính trong hộ (Năm); Giới tính của người ra quyết định chính trong hộ (biến giả - 0 là nữ và 1 là nam); Số lao động phi nông nghiệp (Người); Diện tích sản xuất nông nghiệp (m2 ); Thu nhập từ nông nghiệp (triệu đồng/hộ/năm); trồng trọt (biến giả - 1 là hộ trồng cây ăn trái, 0 là hộ chăn nuôi); khoảng cách từ khu vực canh tác đến sông (km).

Mô hình được thể hiện như sau:

HACI = β0 + β1HOCVAN + β2TUOI + β3GIOITINH + β4LAODONG + β5DIENTICH + β6THUNHAP + β7TRONGTROT + β8KHOANGCACH + εt

III. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

1. Nhận thức của nông hộ về xâm nhập mặn

1.1. Đặc điểm hộ điều tra

Đặc điểm của nông hộ tại địa bàn nghiên cứu được trình bày ở Bảng 3. Kết quả thống kê cho thấy đối tượng khảo sát khá đa dạng và phong phú về tuổi tác cũng như trình độ học vấn. Độ tuổi trung bình của chủ hộ vào khoảng 48 tuổi (trong đó mức tuổi từ 40 đến 60 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất 55,33%), ở độ tuổi này nông hộ vẫn còn đủ sức khỏe để trực tiếp tham gia sản xuất. Trình độ học vấn của nông hộ chủ yếu là trung học cơ sở (36,67%) và trung học phổ thông (32,67%), điều này tạo ra nhiều thuận lợi cho việc nắm bắt thông tin, cũng như đưa ra những quyết định quan trọng trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn. Quy mô nhân khẩu trung bình của hộ là 4 người (61,33%), diện tích canh tác của hộ là tương đối thấp, số hộ có diện tích <= 5.000 m2 chiếm tỷ trọng lớn nhất (58%).

1.2. Nhận thức của nông hộ về xâm nhập mặn

Xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn. Trong 150 hộ được khảo sát thì có đến 125 hộ (83,33%) biết đến thực trạng xâm nhập mặn, điều này cho thấy nhận thức về xâm nhập mặn là một yếu tố rất quan trọng hỗ trợ nông dân trong ứng phó với xâm nhập mặn.

Cù Lao Dài được biết đến là miền đất chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn và tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp tại địa phương. Đánh giá diễn biến xâm nhập mặn của nông hộ ở Bảng 5 cho thấy xâm nhập mặn là rất không bình thường (82,67%). Sự xuất hiện của nước mặn đột ngột và không theo quy luật hằng năm đã làm cho các hộ không xử lí kịp gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như chăn nuôi và trồng trọt.

2. Đánh giá khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn

Sử dụng chỉ số thích ứng (HACI) cho cấp nông hộ, giá trị của trị số thích ứng nằm trong khoảng từ 0 - 1. Nghiên cứu đã ước tính khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn tại Bảng 6. Theo đó, giá trị trung bình của chỉ số HACI là 0,58 điều này có nghĩa là dưới tác động của xâm nhập mặn thì khả năng thích ứng của nông hộ nằm ở mức thích ứng trung bình.

Kết quả phân tích sâu hơn ở Bảng 7 chỉ ra rằng, đa số nông hộ thích ứng ở mức độ trung bình là 41,33% và 42,67% là thích ứng cao. Như vậy, đã có một sự phân hóa rất rõ rệt trong khả năng thích ứng của nông hộ, điều này có thể được giải thích bởi sự khác biệt của các yếu tố kinh tế - xã hội (thu nhập, việc làm, chi tiêu, khả năng tiếp cận tài chính...) có giá trị thấp trong thang đo năng lực thích ứng.

3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn

Kết quả phân tích hồi quy các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng được trình bày trong Bảng 8. Kết quả phân tích hồi quy chỉ ra mức ý nghĩa của mô hình nghiên cứu Prob (F - stat) = 0,000 nhỏ hơn rất nhiều so với mức = 5%, nên mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kê hay các biến độc lập có ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ. Hệ số R2 của mô hình là 65,5%, cho thấy sự biến thiên của khả năng thích ứng với xâm nhập mặn được giải thích bởi các biến độc lập là 65,5%.

Kết quả phân tích ở Bảng 8 cho thấy các biến tuổi, giới tính, diện tích, thu nhập và khoảng cách có ý nghĩa thống kê ở mức 1%; biến trình độ học vấn có ý nghĩa thống kê ở mức 5%; biến lao động và biến trồng trọt không có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Mô hình hồi quy được thiết lập như sau:

HACI = 0,303 + 0,013*HOCVAN + 0,105*TUOI + 0,067*GIOITINH + 0,010*LAODONG – 0,067*DIENTICH + 0,080* THUNHAP - 0,002*TRONGTROT + 0,135*KHOANGCACH

Việc nhận ra các nhân tố tác động đến khả năng thích ứng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để hạn chế rủi ro và nâng cao khả năng chống chịu với xâm nhập mặn. Trong mô hình này, khả năng thích ứng của nông hộ tăng lên đối với các biến như trình độ học vấn, tuổi, giới tính, thu nhập và khoảng cách. Tuy nhiên, những nông hộ có diện tích canh tác lớn lại có khả năng thích ứng thấp hơn những hộ có ít đất canh tác.

IV. Kết luận

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chỉ số thích ứng (HACI) để tính toán khả năng thích ứng của nông hộ đối với xâm nhập mặn. Kết quả tính toán cho thấy, đa số nông hộ có khả năng thích ứng trung bình với chỉ số HACI là 0,58. Kết quả phân tích cũng chỉ ra các yếu tố như trình độ học vấn, tuổi, giới tính, thu nhập và khoảng cách là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của nông hộ.

Từ kết quả nhiên cứu trên, để cải thiện khả năng thích ứng của nông hộ với xâm nhập mặn, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị đối với nông hộ như là thay đổi lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng lâu dài trong điều kiện xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có chương trình cải thiện nhận thức về xâm nhập mặn cho nông dân, đồng thời tăng cường đầu tư vào các công trình có chức năng chống xâm nhập mặn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hà, 2014. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tạp chí Khoa học và Phát triển, 12 (6), 885 - 894.

2. Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hà, 2015. Cơ sở lý luận và thực tiễn về sự thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 1, 116 - 124.

3. Nguyễn Quốc Nghi, 2016. Đánh giá sự tổn thương do biến đổi khí hậu tác động đến sinh kế của công đồng dân cư ven biển tỉnh Cà Mau. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 4, 133 - 141.

4. Nguyễn Thanh Bình, Lâm Huân và Thạch Sô Phanh, 2012. Đánh giá tổn thương có sự tham gia: Trường hợp xâm nhập mặn ở đồng bằng Cửu Long. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ, 24b, 229 - 239.

5. Phạm Thanh Vũ, Võ Quang Minh, Vương Tuấn Huy và Phan Chí Nguyện, 2016. Tác động của mặn và ngập theo kịch bản biến đổi khí hậu đến tiềm năng thích nghi đất đai vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ, 4, 71 - 83.

6. Võ Thành Danh, 2015. Đánh giá năng lực thích nghi đối với xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ, 36, 64 - 71.

7. Võ Văn Tuấn, Lê Cảnh Dũng, Võ Văn Hà và Đặng Kiều Nhân, 2015. Khả năng thích ứng của nông dân đối với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Cần Thơ, 31, 63 - 72.

8. Trương Thị Tư, 2016. Đánh giá mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu của một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Khoa học và Giáo dục - Trường Đại học Huế, 3 (39), 117 - 124.

EVALUATING THE FARMERS ADAPTABILITY

TO SALTWATER INTRUSION IN THE CU LAO DAI,

VUNG LIEM DISTRICT, VINH LONG PROVINCE

● MA. TRAN HOAI NAM

Agricultural Economics Program, Faculty of Economics, Nong Lam University

● NGUYEN THI THU HA

Student K40, Faculty of Economics, Nong Lam University

ABSTRACT:

In this study, the household adaptive capacity index (HACI) was employed to measure the adaptability of farmers to the saltwater intrusion. In order to measure the effects of the adaptability of farmers, OLS regresstion was used to estimate. The data were collected by interviewing 150 farmers in the Cu Lao Dai, Vung Liem district. Results showed that the adaptability of farmers to the saltwater intrusion index was 0,58. This means that the adaptability of farmers to the saltwater intrusion is at a moderate level. The adaptability of farmers affected by household education, age, gender, income and farm distance.

Keywords: Salinity intrusion, adaptability, farm level adaptation index, Cu Lao Long, Vung Liem district, Vinh Long Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây