Đánh giá thực trạng thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về cho vay của tổ chức tín dụng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

THS. LÝ THỊ THÚY (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Các quy định của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN khắc phục bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về: mục đích vay vốn; những nhu cầu vốn không được cho vay; phí liên quan đến hoạt động cho vay; phương thức cho vay; thứ tự thu hồi nợ; thời điểm cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn. Với sự ra đời của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện đã có một khung pháp lý riêng. Tuy nhiên, việc triển khai các quy định trên trong thực tế còn một số vấn đề cần trao đổi. Bài viết sẽ đánh giá lại thực trạng việc thực hiện các Thông tư trên.

Từ khóa: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN.

1. Những điểm lưu ý khi thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN

Theo quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự. Khác với quy định tại Quyết định 1627 nêu trên, trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính mình là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh của hộ gia đình do không còn tư cách chủ thể, nhưng các cá nhân vẫn có thể vay vốn kinh doanh với tư cách của chính cá nhân này. Về nguyên tắc, hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhu cầu kinh doanh của các cá nhân. Giới phân tích nhận định, về đối tượng được vay, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại tên gọi, khái niệm cho phù hợp với pháp luật hiện hành. Về mặt bản chất, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi hình thức là tên gọi. Theo quy định mới này, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân và chủ hộ không còn đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ năm 2017 chỉ thừa nhận hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Theo đó, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 đã có quy định này và không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn.

Từ việc phân tích trên cho thấy Thông tư số 39 bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự mới. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình thực chất chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi. Nếu trước đây đối với hộ gia đình hay hộ kinh doanh, chỉ cần chủ hộ gia đình hoặc chủ hộ kinh doanh đại diện hộ ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, còn từ ngày 15/3/2017 khi Thông tư 39 có hiệu lực, nếu hộ gia đình hay hộ kinh doanh có một thành viên thì chỉ cần một người duy nhất ký hợp đồng với ngân hàng. Việc thay đổi này khẳng định rõ ràng hơn trách nhiệm của người đi vay, tư cách pháp lý của người đi vay được thể hiện rõ hơn. Cần hiểu đây là sự điều chỉnh đúng mực, xét toàn diện thì có lợi cho cả người cho vay và người vay.

Thứ hai, Thông tư 43 là một cải thiện rõ nét và hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp người vay tiêu dùng có thể linh hoạt sử dụng khoản tiền vay phục vụ nhiều mục đích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa 100 triệu đồng phù hợp với các loại hình sản phẩm như các công ty tài chính đang có như FE CREDIT và cũng như phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Hệ thống công ty tài chính như FE CREDIT thể hiện lãi suất theo năm, nên đối với quy định này, bản thân FE CREDIT không phải sửa lại hệ thống quá nhiều. Tuy nhiên, trong trường hợp trên có vướng mắc, hợp đồng tín dụng cần được bổ sung quy định mới, trong khi vẫn phải được đăng ký tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Chắc chắn công ty tài chính FE CREDIT sẽ gặp phải những khó khăn như cách tính lãi quá hạn theo quy định mới khác biệt khá nhiều so với các quy định của FE CREDIT hiện nay, cho nên cần nhiều thời gian để chỉnh sửa hợp đồng tín dụng, cũng như cập nhật hệ thống. Ngoài ra, các hợp đồng tín dụng đã ký vẫn phải áp dụng cách tính hiện hành, không thay đổi theo quy định mới, nên FE CREDIT phải duy trì 2 hệ thống tính toán khác nhau. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay với việc áp dụng đồng thời 3 mức lãi suất (lãi suất trên nợ gốc trong khoảng thời gian trong hạn, lãi suất trên dư nợ gốc quá hạn và lãi suất cho phần lãi chậm trả) trong trường hợp khách hàng phát sinh nợ quá hạn sẽ gây khó khăn cho nhân viên tư vấn khi giải thích số tiền khách hàng phải đóng thực tế hàng tháng, trong khi kiến thức tín dụng của đa số đối tượng khách hàng của công ty tài chính thường không cao.

Thứ ba, các quy định mới về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày, thay cho 360 ngày như trước đây), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả, hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn…, sẽ buộc công ty tài chính phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp. Điều này sẽ có tác động lớn đến hoạt động của công ty tài chính như Home Credit Việt Nam, vì số lượng khách hàng của họ rất lớn và mọi việc đều phải thực hiện tự động. Với quy định hiện hành, công ty tài chính sẽ phải thay đổi hệ thống về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng và đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công Thương. Thời gian đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công thương ít nhất là 20 ngày làm việc mới được phê duyệt (trong trường hợp hợp đồng mẫu đầy đủ và hợp lệ).

Những khó khăn lớn nhất khi 2 Thông tư mới ban hành thì các công ty tài chính không đủ thời gian để chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp với những quy định mới. Ngoài ra, với cách tính lãi quá hạn theo quy định mới sẽ gây khó khăn hơn trong việc giải thích rõ ràng về mức phạt khách hàng phải nộp, bởi mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá khó hiểu đối với phần lớn khách hàng của các công ty tài chính. Một thực tế hiện nay như công ty tài chính Prudential đã thực hiện tính lãi tiền vay theo lãi suất theo năm, do đó, quy định của Thông tư sẽ không tác động lớn đến hệ thống của Công ty. Tuy nhiên, với những quy định khác như thời điểm chuyển nợ quá hạn, thay đổi cơ cấu thu hồi nợ sau khi chuyển nợ quá hạn, lãi trên lãi quá
hạn… sẽ là thách thức đối với công ty tài chính Prudential nói riêng và các công ty tài chính khác nói chung. Công ty đang có hơn 350.000 khách hàng, các quy trình đều thực hiện tự động thông qua các hệ thống đang có. Với các quy định mới đó, Công ty phải thay đổi hệ thống lõi về cách tính lãi, lãi phạt quá hạn, sửa đổi hợp đồng cho vay và phải đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, với quy định mới về cách tính lãi quá hạn sẽ gây khó khăn trong việc giải thích về mức phạt khách hàng sẽ phải nộp do mức lãi này thay đổi theo ngày và sẽ khá là khó hiểu cho khách hàng khi phần lớn khách hàng của các công ty tài chính chưa có kiến thức sâu rộng về vay tiêu dùng. Nhìn ở khía cạnh khác, đây chính là yêu cầu đặt ra cho các công ty tài chính cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau khi khoản vay hình thành.

2. Hoàn thiện quy định của Thông tư 39 và Thông tư 43

Về nội dung của Thông tư 39, cần phải điều chỉnh cụ thể:

- Điều 6, về sử dụng ngôn ngữ, Thông tư 39 quy định thỏa thuận cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cả khách hàng và ngân hàng cho vay đều là nước ngoài thì quy định này không những thừa mà còn là một trở ngại không đáng có cho việc vay vốn tương ứng.

- Điều 7 quy định khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này là hợp lý nếu khách hàng là doanh nghiệp vay vốn để sản xuất - kinh doanh. Nhưng nếu là khoản vay phục vụ cho mục đích tiêu dùng thì người vay làm sao đưa ra được phương án sử dụng vốn khả thi?

- Điều 8 quy định về những nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó có nhu cầu để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay. Trên thực tế, có một nghiệp vụ cho vay thông dụng là vay để đảo nợ, nhưng cả ngân hàng và khách hàng đều không thể hiện mục đích này trên giấy tờ, nên việc cho vay kiểu này không thể bị xử lý bằng pháp luật được, trừ khi cấm mọi hình thức cho vay nhiều lần cho cùng một khách hàng.

- Khoản 2, Điều 13 quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; và kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều khoản trên liệu có cần thiết khi chỉ quy định khống chế mức trần lãi suất ngắn hạn cho những khoản cho vay mà thường là trung và dài hạn như trong văn bản? Quan trọng hơn, điều khoản trên (và những điều khoản khác trong Thông tư 39) không đề cập về quyền lợi của tổ chức tín dụng sẽ được hưởng khi phải cho vay trong giới hạn trần lãi suất thường là thấp hơn thị trường, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng. Trong điều kiện này, tổ chức tín dụng có thể chủ động giảm thiểu cho vay trong những lĩnh vực này (vì không có lợi bằng cho vay trong những lĩnh vực khác), tức sẽ đi ngược với chủ trương và mong muốn của ngân hàng Nhà nước (NHNN).

- Điều 16 về cung cấp thông tin, có quy định khách vay phải báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết hoặc quá trói buộc với những khoản vay, ví dụ cho tiêu dùng.

- Điều 24 quy định khách hàng phải báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng. Điều này không phải là luôn cần thiết với những khoản vay tiêu dùng như đã lấy ví dụ ở trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017). Quyết định số 259/QĐ-NHNN ngày 28/2/2017 về Kế hoạch hành động của ngành Ngânhàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranhquốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;
  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016). Quyết định số 1162/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án Tinh giản biên chế của Ngân hàng Nhà nướcgiai đoạn 2016-2021. Thùy Linh (2018), Tăng cải cách hành chính, đa dạng dịch vụ để nâng cao tiếp cận tín dụng, Tạp chí Tài chính. Truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tang-cai-cach-hanh-chinh-da-dang-dich-vu-denang-cao-tiep-can-tin-dung-151848.html

Assessing the actual implementation of Circular No. 39/2016/TT-NHNN prescribing lending transactions of credit institutions and/or foreign bank branches with customers and Circular No. 43/2016/TT-NHNN prescribing consumer lending by finance companies

Master. Ly Thi Ly

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The provisions of Circular No. 39/2016/TT-NHNN and Circular No. 43/2016/TT-NHNN overcome the shortcomings arising during the implementation of Decision No. 1627/2001/QD-NHNN in terms of the loan purpose, non allowable lending purposes, lending method, order of debt recovery, time of rescheduling the repayment term, and transfer of overdue debt. The promulgation of Circular No. 43/2016/TT-NHNN has created a separate legal framework for consumer lending operations of financial companies in Vietnam. However, the enforcement of this circular still faces some difficulties. This paper is to assess the actual implementation of Circular No. 43/2016/TT-NHNN.

Keywords: Circular No. 39/2016/TT-NHNN, Circular No. 43/2016/TT-NHNN, Decision No. 1627/2001/QD-NHNN.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]