Dấu ấn thị trường chứng khoán 2017

Năm 2017 qua đi là một năm thành công nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ với mức tăng trưởng khoảng 46%. Tuy vẫn còn kém mức tăng trưởng kỷ lục 59% của năm 2009, nhưng thị tr

Bỏ lại sau lưng những tổn thương của khủng hoảng tài chính

Ngày 4/12/2017 là một thời điểm đáng nhớ của thị trường chứng khoán năm nay khi VN-Index đạt tới đỉnh cao 970 điểm. Nếu như năm 2008 được đánh dấu là cột mốc của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan tới Việt Nam bằng mức sụt giảm gần 66% thì đúng 10 năm sau, thị trường đã hoàn toàn phục hồi. Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam quay trở lại mức điểm số của năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Câu chuyện đằng sau quá trình phục hồi kéo dài tới 1 thập kỷ không chỉ đơn giản là vấn đề điểm số của VN-Index. Đó còn là quá trình thay đổi mạnh mẽ về chất của thị trường chứng khoán. Nếu như thời kỳ bùng phát tăng trưởng nóng năm 2007 chủ yếu dựa trên sự tăng trưởng về giá cổ phiếu với số lượng ít ỏi, cộng với sự gia tăng quy mô chủ yếu dựa trên mức tăng giá bong bóng của cổ phiếu, thì năm 2017 lại đánh dấu một quy mô tăng trưởng dựa trên số lượng doanh nghiệp niêm yết mới của nhiều đại công ty cũng như chất lượng quản trị được cải thiện.

Nói cách khác, quy mô thị trường chứng khoán năm 2007 không dựa trên nền tảng doanh nghiệp niêm yết, mà chủ yếu dựa trên tăng trưởng giá không đi kèm giá trị. Một con số tiêu biểu để so sánh là mặc dù đỉnh cao của VN-Index năm 2017 chưa tới 1.000 điểm, nhưng quy mô của thị trường đã đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.

Không phải cổ phiếu nào ở thời điểm năm 2017 cũng đạt trở lại mức giá của năm 2007, nhưng quy mô thị trường vẫn tăng gấp nhiều lần. Đó là do số lượng doanh nghiệp trên sàn đã tăng, cộng với quy mô của bản thân doanh nghiệp tăng nhờ tăng vốn điều lệ, niêm yết mới của các doanh nghiệp trị giá tỷ USD. Đơn cử như Sabeco niêm yết ngày 6/12/2016 và vốn hóa hiện tại lên tới trên 171 ngàn tỷ đồng; VRE niêm yết 10/11/2017 vốn hóa trên 90 ngàn tỷ đồng; PLX niêm yết 21/4/2017 vốn hóa hiện vượt 89 ngàn tỷ đồng…

Mức độ tăng trưởng kỷ lục của thị trường chứng khoán năm 2017 cũng gắn liền với yếu tố tăng trưởng vĩ mô bền vững hơn. Nếu như năm 2007 thị trường chứng khoán hình thành bong bóng với đủ các yếu tố bất ổn nội tại như kinh tế tăng trưởng nóng dựa trên dòng tiền nhàn rỗi quá dư thừa, lạm phát tăng cao, dòng vốn vào thị trường chứng khoán quá lớn vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường thì năm 2017 lại đối lập hoàn toàn: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tích cực trên cơ sở được điều tiết ổn định và bền vững. Quy mô thị trường tăng lên đủ sức hấp thụ dòng vốn mới khổng lồ từ bên ngoài.

Mặt khác, 10 năm hậu khủng hoảng cũng là quãng thời gian dài để thị trường chứng khoán hoàn thiện hơn khung pháp lý chặt chẽ, bảo vệ thị trường tốt hơn trước các cú sốc. Đó là quá trình giám sát dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán từ kênh ngân hàng; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp bằng luật pháp; đặt ra các tiêu chuẩn an toàn tài chính chặt chẽ đối với các tổ chức trung gian của thị trường; giám sát và điều chỉnh dòng vốn vay đầu tư chứng khoán. Tất cả những yếu tố đó chưa hề có trong giai đoạn trước năm 2007.

Niềm tin trở lại, dòng vốn khổng lồ

Đối với thị trường chứng khoán, những tổn thương lớn nhất của một cuộc khủng hoảng là sự sụt giảm giá trị thị trường, doanh nghiệp làm ăn thất bại thậm chí là phá sản, niềm tin của giới đầu tư biến mất… Những hậu quả đó đã không còn nhìn thấy trong năm 2017.

Nếu có dấu ấn tích cực nào trong thời kỳ 2007 thì chính là dòng vốn nước ngoài tìm đến Việt Nam như một điểm sáng đầu tư của các thị trường chứng khoán cận biên. Lúc đó với số lượng quá ít doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ, thị trường đã không thể hấp thụ nổi dòng vốn này, đẩy nhanh hơn quá trình hình thành bong bóng khủng hoảng.

Năm 2017 dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn khổng lồ hơn nhiều so với năm 2007. Tuy nhiên hệ quả lại rất tích cực. Đó là quá trình tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp niêm yết, quy mô thị trường tăng lên nhưng không hình thành bong bóng do nội tại của thị trường lẫn doanh nghiệp đã mạnh lên. Các công ty niêm yết trị giá tỷ USD đã đủ lớn để tiêu hóa dòng vốn mới vào.

Thống kê quy mô rót vốn ròng của các tổ chức nước ngoài trực tiếp vào thị trường chứng khoán năm 2017 đã ghi nhận những con số khổng lồ: Tổng giá trị mua ròng đạt trên 1 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử của thị trường. Quy mô thanh khoản của thị trường cũng gia tăng vượt bậc với mức giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Đặc biệt đã xuất hiện các phiên giao dịch cực lớn tới gần 21.000 tỷ đồng. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%.

Thoái vốn thành công, cơ hội nâng hạng thị trường

Niềm tin của giới đầu tư dâng cao, thị trường tăng trưởng vượt bậc, dòng vốn vào khổng lồ là cơ hội thuận lợi cho nhà nước thực hiện thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không cần nắm giữ chi phối. Năm 2017 cũng đánh dấu những thương vụ thoái vốn chắc chắn sẽ đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 18/12, gần 343,7 triệu cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tương đương với hơn 53% cổ phần đã được hai nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của ThaiBev của Thái Lan. Thương vụ này đã giúp Nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng. Trước đó, 3,33% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được đưa ra đấu giá cũng đã được đấu giá thành công khi có một tập đoàn của Singapore mua trọn. Giá trúng bình quân là 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 24%. Để sở hữu 3,33% cổ phần Vinamilk, nhà đầu tư nước ngoài này đã phải chi 8.990 tỷ đồng.

Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay. Các cái tên sắp tới sẽ là MobiFone, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam… Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng năm 2017 đã có 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu không có một điều kiện thị trường tốt, các thương vụ thoái vốn khổng lồ sẽ không thể được hấp thụ một cách tích cực như vậy. Hiệu ứng ngược lại là thoái vốn thành công sẽ làm tăng quy mô của thị trường chứng khoán, từ đó đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.

Năm 2007 thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế mới chỉ là một thị trường sơ khai với các cơ hội nhỏ và đầy rẫy rủi ro. Chỉ 10 năm sau, giới đầu tư quốc tế đã nhắc đến Việt Nam như một cơ hội tiềm năng trong nhóm các thị trường mới nổi. Đối với giới đầu tư trong nước, từ sơ khai sang mới nổi hầu như không có ý nghĩa, nhưng với các định chế đầu tư toàn cầu, đó là một thay đổi về chất vì để được nâng hạng, chất lượng của thị trường phải đạt tới các tiêu chuẩn quốc tế.


Hoàng Nguyên