Đề xuất các giải pháp để hoàn thiện và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài tại tỉnh Tiền Giang

LÊ THANH HẢI (Công ty TNHH Thương mại - Tư vấn - Dịch vụ SA NI CON)

TÓM TẮT:

Hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài là một hoạt động kinh tế theo hình thức cung ứng nguồn lao động của quốc gia sở tại ra nước ngoài nhằm phục vụ cho nhu cầu nguồn lao động của các doanh nghiệp tại nước ngoài. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển một cách đột biến hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Bài báo nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động của địa phương ra nước ngoài.

Từ khóa: xuất khẩu nguồn lao động, nguồn lao động, tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề

Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam có sự tăng đột biến số lượng nguồn lao động được xuất khẩu ra nước ngoài, nhiều nhất là tại các thị trường lao động của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.

Các quốc gia xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài phần lớn là các quốc gia đang phát triển tương ứng với dân số đông và tỷ lệ thất nghiệp cao. Điều này đã dẫn đến cuộc sống của gia đình và chính bản thân người lao động không được đảm bảo. Trong khi đó, các quốc gia phát triển thông thường có dân số ít hoặc dân số đông thì vẫn không đủ nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực do các công việc như năng nhọc, độc hại và nguy hiểm không thu hút được nguồn lao động tại nước sở tại. Để giải quyết vấn đề mất cân bằng nguồn nhân lực và duy trì hoạt động phát triển sản xuất, hoạt động xuất khẩu nguồn lao động từ các quốc gia đang phát triển sang các quốc đang phát triển ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh [1]-[3].

Chính vì lý do này, đã có các nghiên cứu trong việc đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện để thúc đẩy và phát triển hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài. Chẳng hạn như giải pháp làm tốt công tác lập kế hoạch, tăng cường hoạt động marketing phát triển thị trường, tuyển chọn lao động xuất khẩu phù hợp, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục định hướng, tăng cường quản lý lao động ở nước ngoài, tăng cường kiểm tra giám sát - đánh giá điều chỉnh, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý [4]; cần nâng cao sự phối hợp và trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động và thúc đẩy công tác đào tạo, tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao cho hoạt động xuất khẩu lao động; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm và biểu hiện tiêu cực trong công tác xuất khẩu lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động trên địa bàn các huyện, xã và thường xuyên quan tâm, việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn lao động xuất khẩu; và tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong hoạt động xuất khẩu lao động để mang lại hiệu quả cao nhất [5].

Trong số các địa phương trên cả nước, hoạt động xuất khẩu nguồn lao động tại tỉnh Tiền Giang chưa được phát triển một cách mạnh mẽ như các tỉnh và thành phố khác.

Trong những năm qua, nhận được tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu nguồn lao động, theo đó, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm và đề ra nhiều giải pháp để hàng năm con số người lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài vượt qua con số 500 người/năm.

Hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh Tiền Giang đã góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương và tạo ra việc làm cho nhiều lao động trong Tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 100 người lao động trong Tỉnh ra nước ngoài làm việc, song đây chưa phải là một con số ấn tượng.

So với các tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang có số lao động xuất khẩu ra nước ngoài thấp nhất. Năm 2016, tỉnh Vĩnh Long xuất khẩu hơn 700 lao động và tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu hơn 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc [6].

Từ thực tế trên cho thấy, tỉnh Tiền Giang cần phải cố gắng nỗ lực rất nhiều từ tổ chức bộ máy quản lý, thành lập doanh nghiệp xuất khẩu nguồn lao động, củng cố và hoàn thiện hoạt động Trung tâm Phát triển việc làm của Tỉnh để đạt được mục tiêu đã đề ra là xuất khẩu lao động hàng năm đạt 500 người, nhất là khi cơ hội tiếp nhận lao động vào thị trường Nhật Bản và Đông Âu đang rất lớn. Vì vậy, bài báo này nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài từ thực trạng và cơ hội tiếp nhận nguồn lao động của các thị trường nước ngoài, từ chính sách xóa đói giảm nghèo và từ kinh nghiệm của tỉnh Tiền Giang trong công tác liên quan đến xuất khẩu nguồn lao động.

2. Cơ sở lý thuyết về hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài

Hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng nguồn lao động của quốc gia sở tại ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn phục vụ cho nhu cầu nguồn lao động của doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam đã bắt đầu hoạt động kinh tế này từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các quốc gia xã hội chủ nghĩa cũ và một số quốc gia khác của thị trường Trung Đông theo các hiệp định được thỏa thuận và ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia nhằm tạo sự di chuyển hợp pháp và có tổ chức của lao động Việt Nam sang các Nga và các quốc gia Đông Âu.

Các hình thức của hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài bao gồm [7]:

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;

Hợp đồng cá nhân và hoạt động xuất khẩu nguồn lao động tại chỗ: người lao động làm việc ngay tại nước mình trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%.

Hoạt động xuất khẩu nguồn lao động tại Việt Nam đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm và được dựa trên sự hài hòa về lợi ích của người lao động, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nguồn lao động và Nhà nước. Khi ấy, người lao động được tăng thu nhập từ việc lao động ở nước ngoài; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nguồn lao động tăng thêm lợi nhuận; và Nhà nước có thêm nguồn ngoại tệ dồi dào từ hoạt động xuất khẩu nguồn lao động.

Hiệu quả của hoạt động xuất khẩu nguồn lao động là chỉ tiêu so sánh giữa kết quả đạt được và chi phí mà có thể được biểu diễn như sau [7]-[8]:

Hiệu quả = Kết quả - Chi phí                     (1)

Để cụ thể hơn về hiệu quả, bài báo này đề cập đến 2 chỉ tiêu lợi ích kinh tế từ hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài, bao gồm:

Chỉ tiêu 1: Số lượng lao động được giải quyết việc làm trong năm:

L = Lc + Lx - Ln                                           (2)

Trong đó:

L: Số lượng lao động được giải quyết việc làm trong năm;

Lc: Số lượng lao động từ năm trước vẫn còn đang tiếp tục;

Lx: Số lượng lao động được đưa ra nước ngoài làm việc trong năm;

Ln: Số lượng lao động kết thúc hợp đồng trở về nước trong năm.

Chỉ tiêu 2: Thu nhập quốc dân về ngoại tệ thông qua hoạt động xuất khẩu lao động:

Các tính toán thu nhập quốc dân về ngoại tệ thông qua hoạt động xuất khẩu lao động có thể sử dụng thống kê của Ngân hàng Nhà nước hoặc trực tiếp từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài mang tính kinh tế và xã hội cao; mang tính cạnh tranh; không có giới hạn về không gian; và là một hoạt động mua bán một loại hàng hóa đặc biệt vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia.

3. Đánh giá thực trạng hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài của tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, với phần lớn diện tích của Tỉnh thuộc địa bàn tỉnh Mỹ Tho trước đây. Tỉnh nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km,  phía Bắc giáp tỉnh Long An; phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp; phía Nam giáp tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long; phía Đông Bắc giáp Thành phố Hồ Chí Minh; và phía Đông Nam giáp Biển Đông.

Kinh tế của Tỉnh đang có xu hướng phát triển nhưng tốc độ chưa mạnh. Tỉnh có một số khu công nghiệp nổi tiếng, như: Khu Công nghiệp Mỹ Tho, Khu Công nghiệp Tân Hương, Khu Công nghiệp Long Giang và Khu Công nghiệp Bình Đông. Nhằm cải thiện kinh tế cho các gia đình trong khu vực, Tỉnh đã có chính sách khuyến khích lao động tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu sang Nhật Bản.

Dân số trung bình của Tỉnh năm 2018 ước tính 1.763.927 người, tăng 0,7% so với năm 2017, bao gồm: dân số nam 865.207 người, chiếm 49,1% tổng dân số, tăng 0,7%; dân số nữ 898.720 người, chiếm 50,9%, tăng 0,7%. Bảng 1 là thực trạng xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài tại Tỉnh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 cho thấy, số lượng người lao động được xuất khẩu thấp so với các Tỉnh thành khác trong khu vực [6]. Trong đó, tương ứng với các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, Tỉnh có lần lượt 161, 173, 151 và 156 lao động được xuất khẩu ra nước ngoài. Số lượng lao động này cho thấy nguồn lao động được xuất khẩu chưa cao và gần như không thay đổi qua các năm, mặc dù Tỉnh đã có chủ trương thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh cho hoạt động kinh tế này. Rõ ràng đây là một trong những vấn đề cần phải có các nghiên cứu và tìm giải pháp để số lượng người lao động xuất khẩu của Tỉnh được tăng lên.    

Bảng 1. Thực trạng xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài

tại tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018

Thị trường

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Số

lượng (người)

Tỷ

lệ (%)

Số

lượng (người)

Tỷ

lệ (%)

Số

lượng (người)

Tỷ

lệ (%)

Số

lượng (người)

Tỷ

lệ (%)

Malaysia

1

0,62

0

-

0

-

0

0

Hàn Quốc

4

2,48

18

10,40

15

9,93

14

8,97

Nhật Bản

143

88,82

144

83,24

126

83,44

129

82,69

Đài Loan

10

6,21

11

6,36

10

6,62

13

8,33

Khác

3

1,86

0

-

0

-

0

0

Tổng số

161

100

173

100

151

100

156

100

 Nguồn: Báo cáo tổng kết thống kê và phân tích thực trạng xuất khẩu nguồn lao động của tỉnh Tiền Giang, năm 2018

Qua nghiên cứu nhận thấy, hoạt động xuất khẩu lao động tại Tỉnh có nhiều ưu điểm cần được phát huy mạnh mẽ hơn, song bên cạnh đó, cũng còn tồn tại những nhược điểm cần phải được hoàn thiện để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tốc độ phát triển của hoạt động kinh tế này. Trong đó, các ưu điểm bao gồm [6]:

Nhận thức của các ngành, các huyện, xã, thị trấn trong Tỉnh về lợi ích của việc đi làm việc ở nước ngoài và tạo việc làm ngoài nước là một kênh quan trọng trong giải quyết việc làm của địa phương, nhất là đối với những đối tượng chính sách cần sự giúp đỡ và hỗ trợ.

Về thị trường, qua quá trình sàng lọc, Tỉnh đã xác định được các thị trường truyền thống có tiềm năng để tập trung liên kết với các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng hơn 70% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền đã tạo ra các chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong hoạt động xuất khẩu nguồn lao động.

Đối với bản thân và gia đình người lao động cũng đã thấy được các lợi ích và đã quyết tâm đầu tư tài chính và thời gian cho hoạt động kinh tế này.

Bên cạnh các ưu điểm của hoạt động xuất khẩu nguồn lao động của Tỉnh, những hạn chế vẫn còn tồn tại cần phải được nghiên cứu để tìm ra các nguyên nhân, giải pháp nhằm hoàn thiện và đẩy nhanh tốc độ phát triển cho hoạt động kinh tế này như sau:

Công tác chỉ đạo của một số xã, địa phương chưa thường xuyên; chủ trương chính sách của Nhà nước và Tỉnh được triển khai chậm; nhiều mô hình, kinh nghiệm xuất khẩu lao động có hiệu quả chưa được áp dụng, phổ biến kịp thời; thiếu chủ động và sáng tạo.

Người lao động trong Tỉnh đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thông qua các doanh nghiệp. Người lao động đi theo chương trình phi lợi nhuận, chương trình hợp tác của hai Chính phủ còn ít.

Hoạt động đầu tư, đào tạo nghề, giáo dục định hướng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa bảo đảm chất lượng.

Công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm đầu thực hiện Đề án “Chương trình việc làm quốc gia” chưa vững chắc. Số người không thành công còn nhiều, nên đã làm ảnh hưởng đến công tác này ở những năm sau.

4. Giải pháp hoàn thiện hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài của tỉnh Tiền Giang

Tỉnh Tiền Gang cần hoàn thiện cơ bản các khâu trong tổ chức và quy trình xuất khẩu nguồn lao động của Tỉnh; cũng là để đẩy mạnh hoạt động kinh tế này trong hầu hết các huyện và xã của địa phương. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phối hợp toàn diện của các ban, ngành của Tỉnh, đến các cấp huyện và xã với các gia đình có nhu cầu xuất khẩu lao động, sao cho số lượng người đi làm việc mỗi năm một tăng hơn, chất lượng hơn, làm giàu hơn cho gia đình và quê hương. Nghiên cứu này chọn mẫu ngẫu nhiên là 50 người để khảo sát. Trong đó, có 15 người là cán bộ công tác liên quan đến xuất khẩu nguồn lao động và 35 người lao động sắp đi xuất khẩu nguồn lao động. Thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp bằng bảng hỏi được thiết kế sẵn theo các nội dung liên quan đến các nội dung về công tác xuất khẩu nguồn lao động của Tỉnh. Như vậy, tổng phiếu khảo sát là 50 phiếu. Số phiếu hợp lệ là 47. Trong đó, có 14 phiếu cán bộ và 33 phiếu người lao động.

Người được khảo sát lựa chọn mức độ nhận định liên quan đến hoạt động xuất khẩu nguồn lao động của Tỉnh theo quy ước, 1: Không hiệu quả, 2: Hiệu quả không cao; 3: Trung bình; 4: Hiệu quả và 5: Rất hiệu quả. Kết quả khảo sát về hoạt động xuất khẩu nguồn lao động của tỉnh Tiền Giang cụ thể tại Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả khảo sát về hoạt động xuất khẩu lao động

của tỉnh Tiền Giang

TT

Nhận định

Đối

tượng

Mức độ hiệu quả

Trung

bình

Ý nghĩa

1

2

3

4

5

1

Hiệu quả quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động tại tỉnh Tiền Giang

Cán bộ

1

4

5

3

1

2,93

Trung bình

Người lao động

4

10

12

4

3

2,85

Trung bình

2

Hiệu quả hoạt động tuyên truyền và vận động  nhân dân tham gia xuất khẩu lao động

Cán bộ

0

1

3

6

4

4,21

Hiệu quả

Người lao động

0

4

6

13

10

3,88

Hiệu quả

3

Hiệu quả hoạt động tuyển chọn lao động đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động

Cán bộ

1

1

3

5

4

4,00

Hiệu quả

Người lao động

3

5

7

11

7

3,55

Hiệu quả

4

Hiệu quả hoạt động đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống và bồi dưỡng tay nghề cho lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Cán bộ

1

4

4

3

2

3,07

Trung bình

Người lao động

6

10

8

6

3

2,70

Trung bình

5

Hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về vốn cho người lao động khi đã ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Cán bộ

0

1

4

6

3

3,79

Hiệu quả

Người lao động

1

3

7

12

10

3,82

Hiệu quả

Dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu này đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động xuất khẩu nguồn lao động ra nước ngoài của tỉnh Tiền Giang, liên quan đến việc: tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu nguồn lao động; tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xuất khẩu lao động; tăng cường hoạt động tuyển chọn lao động đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động; tăng cường hoạt động đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng tay nghề cho lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tăng cường hỗ trợ về vốn cho người lao động khi đã ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cụ thể các nhóm giải pháp như sau:

4.1. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu nguồn lao động

Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền Tỉnh đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Tăng cường và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đơn vị cung ứng lao động, các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với các doanh nghiệp tuyển chọn lao động trên địa bàn Tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật;

Tăng cường củng cố và mở rộng các mối liên kết giữa đơn vị được giao làm đầu mối thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Tỉnh với các doanh nghiệp có uy tín, trách nhiệm, kinh nghiệm và thế mạnh;

Tăng cường mở và nhân rộng điển hình các mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc đào tạo dự nguồn tại các cơ sở đào tạo;

Tăng cường duy trì mối liên kết giữa đơn vị được giao làm đầu mối của Tỉnh với các địa phương, gia đình và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, tạo nguồn ở địa phương.

4.2. Giải pháp tăng cường hoạt động tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia xuất khẩu nguồn lao động

Tăng cường giới thiệu và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng lợi ích của việc đi làm việc ở nước ngoài;

Tăng cường lồng ghép nội dung đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các buổi sinh hoạt của hội, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,…

Bên cạnh việc tuyên truyền trên diện rộng, các địa phương cần tập trung vào các xã, ấp có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả; các địa phương có thành tích tốt làm hạt nhân để đẩy mạnh công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; không giao chỉ tiêu có tính bình quân cho tất cả các địa phương.

Đồng thời, xây dựng lực lượng cán bộ, cộng tác viên trực tiếp tuyên truyền người lao động.

4.3. Giải pháp tăng cường hoạt động tuyển chọn lao động đủ điều kiện tham gia xuất khẩu nguồn lao động

Một trong những nguyên nhân dẫn đến lao động vi phạm hợp đồng và bỏ trốn xuất phát từ phẩm chất đạo đức, nhận thức của người lao động, chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt mà không lường được hậu quả sau này. Do đó, để có thể ngăn ngừa và chặn đứng những hành vi tiêu cực và vi phạm hợp đồng lao động, cần phải cẩn trọng trong công tác tuyển chọn lao động, chỉ chấp nhận những người đầy đủ năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt để tham gia xuất khẩu lao động. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty xuất khẩu lao động, các đơn vị cung ứng lao động với chính quyền địa phương. Thực hiện tốt mô hình liên kết xuất khẩu lao động trong tuyển chọn lao động. Công tác tuyển chọn được tiến hành bởi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cùng sự phối hợp giữa các đơn vị xuất khẩu lao động.

Thêm vào đó, một trong những giải pháp quan trọng là người lao động phải ký quỹ như một khoản kinh phí ràng buộc trách nhiệm lao động của người lao động đúng hợp đồng. Khi kết thúc hợp đồng lao động, người lao động phải xuất cảnh về Việt nam, thanh lý hợp đồng và sẽ nhận lại khoản ký quỹ. Giải pháp này không cố định, nhưng cũng cần thiết và được đặt ra nhằm tránh rủi ro và phá vỡ hợp đồng.

4.4. Giải pháp tăng cường hoạt động đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng tay nghề cho lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Giải pháp này nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng tay nghề cho lao động, đào tạo nguồn nhân lực gắn với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tập trung hướng đến những ngành nghề được quan tâm đào tạo dự nguồn, như: các nghề trong lĩnh vực cơ khí, điện, xây dựng, công nghiệp may, chế biến thực phẩm, thủy hải sản, nông nghiệp, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình,…

Giải pháp này có thể cần đến sự đầu tư và xây dựng hệ thống các trường nghề; các trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm tại các vùng trọng điểm; cải tiến chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa đào tạo nghề kể cả liên doanh liên kết với nước ngoài; hỗ trợ chi phí cho người lao động học nghề theo chương trình xuất khẩu lao động, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa, lao động nông thôn trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh việc dạy ngoại ngữ và đào tạo nghề phù hợp cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động, cũng cần chú trọng giáo dục định hướng trước khi cho người lao động người tham gia xuất khẩu lao động, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động.

Song song với việc mở các lớp giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao động đã qua sơ tuyển theo từng hợp đồng cung ứng lao động cụ thể, cần tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động, nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nghề cho các Trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở dạy nghề để đào tạo nguồn lao động đủ tiêu chuẩn đi làm việc ở nước ngoài.

4.5. Giải pháp tăng cường hỗ trợ vốn cho người lao động khi đã ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Tỉnh cần thiết lập quỹ hỗ trợ tài chính cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hàng năm, Tỉnh trích một phần ngân sách để lập quỹ hỗ trợ học phí giáo dục định hướng và đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người lao động có nguyện vọng và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bao gồm: hỗ trợ 100 % học phí giáo dục định hướng, học ngoại ngữ, học nghề; cho vay vốn tín chấp 100 % chi phí môi giới.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh cần tranh thủ sự giúp đỡ của Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương xin đủ vốn cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phải thực hiên sự cam kết chặt chẽ giữa người lao động, gia đình, công ty xuất khẩu nguồn lao động với các ngân hàng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thu hồi nợ.

Thêm vào đó, điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với tất cả người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; bố trí ngân sách mở rộng đối tượng và mức vay đi làm việc ở nước ngoài, ngoài đối tượng và mức vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và quy định từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

5. Kết luận

Bài báo đã phân tích thực trạng hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2015 - 2018 với các ưu điểm và nhược điểm, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện hoạt động này liên quan đến quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động; hoạt động tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động; hoạt động tuyển chọn lao động đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động; hoạt động đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng tay nghề cho lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; và giải pháp hỗ trợ về vốn cho người lao động khi đã ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Thị Kim Thu (2017). Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 5 tháng 5, trang 60-65.
  2. Trần Thị Như Trang và Mai Thị Thanh Thu (2018). Khảo sát nhu cầu làm việc ở nước ngoài của sinh viên đại học điều dưỡng Nam Định. Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, tập 1, số 2, trang 90-96.
  3. Nguyễn Thùy Linh (2020). Xuất khẩu lao động Việt Nam sang các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á: Đặc điểm thị trường và thực trạng hoạt động (1992-2016). Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, tập 12, số 238, trang 23-28.
  4. Đoàn Thị Yến và Nguyễn Thị Minh Hiền (2014). Giải pháp quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Hà Nội. Tạp chí Khoa học và Phát triển, tập 12, số 1, trang 116-123.
  5. Dương Thị Hồng Vân (2020). Thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu quả công tác xuất khẩu lao động tại Nghệ An. Tạp chí Công Thương, số 4 tháng 3/2020.
  6. Tỉnh ủy Tiền Giang (2018). Báo cáo tổng kết thống kê và phân tích thực trạng xuất khẩu nguồn lao động của tỉnh Tiền Giang năm 2018.
  7. Tạ Đức Khánh (2009). Kinh tế lao động. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  8. Vũ Thị Mai và Vũ Thị Uyên (2016). Tổ chức và định mức lao động. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

 

SOME SOLUTIONS TO IMPROVE AND PROMOTE THE LABOR EXPORT OF TIEN GIANG PROVINCE

LE THANH HAI

SA NI CON Trading - Consulting - Service Co., Ltd

ABSTRACT:

Exporting labour resources is an economic activity in the form of the labor supply abroad under a contract to serve the needs of labor for foreign enterprises. Recently, the labour export of Vietnam to many countries, especially Taiwan, Japan, Korea and Malaysia, has witnessed a strong growth. This paper examines the labour export of Kien Giang Province and proposes some solutions to promote the provincial labour export.

Keywords: labor export, labour resources, Tien Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2021]