TÓM TẮT:
Theo ước tính trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm, số nhân lực qua đào tạo nghề cần bổ sung khoảng 6,88 triệu người trong đó khoảng 2 triệu người có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề (khoảng 45 nghìn sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới). Nhu cầu tài chính đầu tư cho đào tạo nghề để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn 2011-2020 nói chung là khoảng 489.650 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 293.790 tỷ đồng.
Từ khóa: Đào tạo nghề chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, nhu cầu tài chính.
I. Thực trạng đầu tư sử dụng nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao
1. Đầu tư nâng cao năng lực cho cơ sở đào tạo nghề trọng điểm
* Kết quả:
Bước đầu tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề phục vụ cho việc đào tạo nghề chất lượng cao, cụ thể:
- Tăng cường cơ sở vật chất thiết bị cho 425 cơ sở dạy nghề (126 trường cao đẳng và trung cấp nghề; 299 trung tâm dạy nghề). Theo đó, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được củng cố và phát triển mạnh mẽ, quy mô tuyển sinh học nghề cao đẳng và trung cấp tăng gấp 1,5 lần.
- Đội ngũ giáo viên đào tạo nghề tăng nhanh, số lượng giáo viên đào tạo nghề đạt chuẩn và có khả năng dạy tích hợp (cả lý thuyết và thực hành) ngày càng tăng.
- Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ kiểm định viên và tổ chức thí điểm kiểm định chất lượng đào tạo nghề cho một số cơ sở đào tạo nghề.
- Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có bước chuyển biến tích cực với khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
* Hạn chế:
- Một số địa phương có biểu hiện cục bộ, tùy tiện trong phân bổ và sử dụng kinh phí được Trung ương hỗ trợ nên vẫn xảy ra tình trạng phân bổ dàn trải, không đúng đối tượng thụ hưởng và nội dung.
- Mục tiêu là đầu tư trọng điểm cho các trường, các trường lại có nhu cầu đầu tư cho nhiều nghề, trong khi kinh phí được phân bổ còn hạn hẹp dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu vốn để phát triển đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng cho từng nghề.
- Các trường đề xuất, thiếu nội dung gì thì đầu tư cho nội dung đó và kinh phí thì có hạn dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải ở các nghề khác nhau cho các nội dung khác nhau nên mỗi nghề đều dang dở, chưa đảm bảo đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
2. Đầu tư tập trung theo nghề trọng điểm
Trên cơ sở đề xuất, các căn cứ và các tiêu chí lựa chọn nghề, trường trọng điểm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lựa chọn trường và nghề trọng điểm như sau:
- Theo cấp độ: Tổng số các nghề lựa chọn là 139 nghề, trong đó:
+ 26 nghề trọng điểm quốc tế (chiếm 19% số nghề được lựa chọn).
+ 33 nghề trọng điểm khu vực ASEAN (chiếm 24% số nghề được lựa chọn);
+ 129 nghề trọng điểm cấp quốc gia (chiếm 93% số nghề được lựa chọn và chiếm khoảng 30% tổng số nghề trong danh mục nghề đào tạo hiện nay).
- Theo ngành, lĩnh vực:
+ Lĩnh vực nông nghiệp và chế biến, dịch vụ: 29 nghề (chiếm 21%).
+ Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: 64 nghề (chiếm 46%). + Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: 46 nghề (chiếm 33%).
Đánh giá kết quả đầu tư nghề trọng điểm:
Việc đầu tư của Dự án theo phương thức đầu tư theo nghề trọng điểm đã làm thay đổi cả về nhận thức lẫn chương trình hành động của các cấp, ngành đặc biệt là về việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đặc biệt là đưa giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài nên có những nghề đã tiếp cận được trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Người học nghề đã được tiếp cận với những máy móc thiết bị tiên tiến, phù hợp với thực tế sản xuất nên đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường lao động; học sinh học nghề được thực hành sử dụng các trang thiết bị hiện đại, tăng thời gian thực hành cho học sinh; chất lượng thi tay nghề, thi tốt nghiệp được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, một số hoạt động của dự án từ nhiều nguyên nhân đã không được triển khai nên ảnh hưởng đến việc đào tạo nghề chất lượng cao. Ngoài ra, việc đầu tư nghề trọng điểm thời gian vừa qua cũng còn có một số bất cập như các địa phương đã không nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chương trình, chậm phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm, các nghề trọng điểm chưa được đánh giá một cách chặt chẽ trên cơ sở thế mạnh của trường và định hướng phát triển của ngành địa phương nên nghề được đầu tư thì không có học sinh ngược lại nghề không được đầu tư không đảm bảo cơ sở vật chất để đào tạo chất lượng thì tuyển sinh được; hay trên cùng một địa bàn cùng quy hoạch nghề trọng điểm giống nhau ở nhiều trường dẫn tới không có học sinh, hiệu suất sử dụng tài sản không cao. Việc mua sắm và quản lý, sử dụng cơ sở vật chất thiết bị đầu tư không đúng quy định nên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của Dự án.
3. Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề ở các nước tiên tiến và thực hiện đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế
Thực hiện Quyết định số 371/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chueyẻn giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thực hiện được những nội dung sau:
- Chuyển giao được 20/34 bộ chương trình từ nước ngoài của 20 nghề cấp độ quốc gia.
- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề cho 347 người tại Úc và Malaysia.
Tổng kinh phí thực hiện là 1.250 tỷ đồng. Các nội dung còn lại theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định 371 đến thời điểm này chưa được triển khai do vẫn còn lúng túng: 08 bộ chương trình đã nhận bàn giao từ Malaysia chưa được Tổ chức City &Guilds, Vương quốc Anh kiểm định và công nhận; do tổ chức này không đáp ứng yêu cầu của Hội đồng thẩm định giá của Bộ Tài chính về cung cấp hợp đồng tương tự, không tự tổ chức kiểm định mà giao cho tổ chức City &Guild, Malaysia thực hiện. Đối với bộ chương trình của 14 nghề còn lại, do chưa xác định được quốc gia, đơn vị đầu mối ở nước ngoài đồng ý chuyển giao bộ chương trình, công nhận bằng tốt nghiệp cho sinh viên Việt Nam. Mặt khác, Dự án AFD “Đầu tư phát triển các trường đào tạo nghề chất lượng cao” do Chính phủ Pháp tài trợ xác nhận sẽ chuyển giao 06 bộ chương trình từ Pháp nhưng đến nay Dự án đã xác nhận chỉ phát triển chương trình đào tạo theo cốt lõi của Pháp, nhưng không cấp bằng tốt nghiệp của Pháp cho sinh viên Việt Nam và như vậy đã không theo quy định trong Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, nội dung đào tạo thí điểm đến thời điểm này chưa triển khai được với nghề nào.
II. Hoàn thiện giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam
1. Đầu tư tập trung cho một số trường để hình thành hệ thống các trường nghề chất lượng cao
Việc lựa chọn một số trường để tập trung đầu tư thành các trường chất lượng cao như là những đầu tàu có đủ năng lực đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao trước mắt ở một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập không trong danh sách ưu tiên đầu tư tại Quyết định 761, đặc biệt các trường ngoài công lập chủ động huy động các nguồn lực đầu tư để đạt các tiêu chí và được công nhận là trường chất lượng cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
2. Tiếp tục thực hiện đầu tư theo nghề trọng điểm
Qua đánh giá tình hình thực hiện đầu tư nghề trọng điểm thời gian qua cho thấy đây là một giải pháp tài chính hiệu quả và vẫn là giải pháp phù hợp cho việc đào tạo nghề chất lượng cao trong thời gian tới. Theo đó, để giải pháp thực sự hiệu quả, cần thực hiện những nội dung để phát huy tối đa kết quả đạt được và hạn chế tối đa những tồn tại trong quá trình thực hiện giai đoạn trước.
Thứ nhất, cần rà soát lại danh mục nghề trọng điểm và các cấp độ nghề trọng điểm cũng như danh sách các cơ sở dạy nghề có nghề trọng điểm.
Thứ hai, huy động tối đa nguồn lực và tăng cường công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đầu tư nghề trọng điểm.
Thứ ba, có phương án đầu tư về cơ sở vật chất và sử dụng hiệu quả tài sản thiết bị được đầu tư.
3. Đổi mới cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm cho đào tạo nghề theo hướng chuyển sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng hay giao nhiệm vụ theo kết quả đầu ra
Qua việc thực hiện thí điểm đặt hàng đào tạo nghề cho thấy đặt hàng đào tạo nghề sử dụng là một chính sách lớn và đúng đắn của Nhà nước nhằm từng bước đổi mới cơ chế giao chỉ tiêu kế hoạch, ngân sách đối với các dịch vụ sự nghiệp công nói chung và dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực đào tạo nghề nói riêng. Để thực hiện tốt chính sách trên, cần phải triển khai các nội dung sau:
(1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cần ban hành bảng danh mục ngành/nghề đào tạo, trong đó quy định cụ thể ngành nghề nặng nhọc độc hại; ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải ban hành ngay hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để các chính sách đầu tư có cơ sở tính toán định mức kinh tế kỹ thuật và cơ sở trình cơ quan chủ quản ban hành định mức kinh tế kỹ thuật ngành/địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp ban hành định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia của từng ngành/nghề.
(3) Trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính ban hành khung dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo nghề, hình thành đơn giá để đấu thầu, đặt hàng;
(4) Sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực đào tạo nghề. Theo đó, có cơ chế khuyến khích đặt hàng đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề tự chủ ở mức độ cao nhất.
(5) Hoàn thiện các quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề; xếp hạng cơ sở dạy nghề; kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và kiểm định chương trình đào tạo nghề. Theo đó, ưu tiên đặt hàng đào tạo nghề cho các cơ sở đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định cao.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp đối với dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực đào tạo nghề; quy định mẫu hồ sơ đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công trong từng lĩnh vực đào tạo nghề…
4. Triển khai hiệu quả việc thí điểm đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế
Như đã trình bày ở trên, việc thực hiện đào tạo theo các bộ chương trình được chuyển giao từ các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế là con đường tiếp cận nhanh nhất trong đào tạo nghề chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN và TPP nhằm học tập các khâu trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng học sinh sinh viên sau tốt nghiệp được tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới đánh giá và công nhận.
Khi chưa có đủ các điều kiện cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác để triển khai đại trà về đào tạo nghề chất lượng cao, theo tác giả cần triển khai thí điểm việc thực hiện đào tạo theo chương trình chuyển giao của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt là triển khai tổ chức thí điểm đào tạo đối với 08 nghề đã chuyển giao từ Malaysia và 12 nghề đã chuyển giao từ Úc. Sau khi hoàn thành việc thí điểm đào tạo cần đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng triển khai đại tràn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình quản trị nhân lực - Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Khương Thị Nhàn (2015), “Đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục dạy nghề công lập”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2, số 621, tr.14-15.
3. Khương Thị Nhàn (2015), “Các giải pháp tăng cường xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động đào tạo nghề tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học đào tạo nghề, số 26, tr.12-18.
FINANCIAL SOLUTIONS FOR HIGH QUALITY
VOCATIONAL TRAINING IN VIETNAM
MA. PHAM THI PHUONG THAO
Faculty of Banking and Finance
University of Industrial Economics and Technology
ABSTRACT:
In the period of 2016-2020, the number of trained human resources is expected to increase to 6.88 million people annually, of which about 2 million people have college degrees (about 45,000 students graduated from the advanced vocational training program of developed countries in the region and the world). The financial investment demand for vocational training for the implementation of strategic missions in the period 2011-2020 is approximately about 489,650 billion VND, of which the period 2016-2020 would cost 293,790 billion VND.
Keywords: High quality vocational training, human resource development, competitiveness.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây