Đề xuất các phương án phát triển cho vận tải hàng hóa tại thành phố Hà Nội

ThS. NGUYỄN THÚY NGÀ và KS. PHẠM THỊ THU HẰNG (Trường Đại học Giao thông vận tải)

TÓM TẮT:

Vận tải hàng hóa ở thành phố Hà Nội đang trở thành một thách thức kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Dịch vụ logistics là một trong những giải pháp hiệu quả mang tính lâu dài đối với vận tải hàng hóa trong thành phố hiện nay. Vì vậy, cần xây dựng phát triển hệ thống logistics đô thị để cải thiện tình trạng hiện nay tại Hà Nội. Nội dung chủ yếu của bài báo là nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp phương án vận chuyển hàng hóa hợp lý để giảm thiểu lượng phương tiện tham gia giao thông trong Thành phố.

Từ khóa: Vận tải hàng hóa, Thành phố Hà Nội, cơ sở hạ tầng.

1. Đặt vấn đề

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và giao thông vận tải hàng hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Chất lượng cuộc sống ngày một gia tăng dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Vận tải hàng hóa theo đó chiếm một tỷ trọng lớn trong lưu lượng giao thông đô thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và phân phối hàng hóa, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng ô nhiễm không khí và chiếm tỷ lệ lớn trong không gian đô thị. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí. Do vậy, để Hà Nội phát triển bền vững trong tương lai thì cần xây dựng hệ thống logistics, nhằm giải quyết các vấn đề vận tải hàng hóa đang gây nhiều bất cập hiện nay.

2. Thực trạng vận tải hàng hóa tại Hà Nội hiện nay

Trong cơ cấu vận tải của Hà Nội, vận tải đường bộ chiếm hơn 60% khối lượng hàng hóa vận tải, cao hơn nhiều so với các loại hình vận tải đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, mật độ đường phố tại khu vực nội đô còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,74km/km2, trong khi mật độ đường phố yêu cầu cần đạt từ 6,5 - 8km/km2. Các loại xe tải phục vụ các hoạt động thương mại ước tính chiếm từ 20 - 40% diện tích đường và gây ra 20 - 40% lượng CO2 thải ra. Theo phân tích của các chuyên gia, lưu lượng vận tải hàng hóa trung bình đi vào thành phố chiếm 40 -50%, lượng xuất chiếm 20 - 25% còn lại là di chuyển nội đô từ 25- 40%. Các phương tiện vận tải hàng hóa không chỉ làm tăng ô nhiễm không khí, gây ùn tắc giao thông mà còn chiếm tỷ lệ tương đối lớn không gian đô thị. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ùn tắc giao thông có thể gây thiệt hại tới gần lên 27 tỷ đồng/ngày, tương đương với 5.900 tỷ đồng mỗi năm (2015).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 38 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, công nghệ cao; 198 làng nghề truyền thống; 135 siêu thị và 28 trung tâm thương mại cùng hàng trăm trung tâm bán buôn, bán lẻ. Giá trị sản xuất một số ngành kinh kế như công nghiệp, xây dựng và cả nông lâm nghiệp thủy sản cũng tăng nhanh qua các năm. Cùng với đó là 7,5 triệu cư dân đang sinh sống, làm cho nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan đến vận tải, logistics của Thành phố rất lớn. (Xem bảng 1)

Doanh thu từ hoạt động vận tải hàng hóa luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (46,3%) trong tổng doanh thu ngành Vận tải của Thành phố trong năm 2016 (Bảng 2.1) và có xu hướng tăng dần qua các năm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vận tải hàng hóa trong sự phát triển của thành phố. Cùng với vận tải hàng hoá, hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải,…) cũng đóng góp không nhỏ vào doanh thu của ngành (32,2%). Đây đều là những hoạt động nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, theo báo cáo hoạt động và chia sẻ của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố thì đa số các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ít có nhu cầu sử dụng trọn gói các dịch vụ logistics, họ tự mình thực hiện một số công đoạn và chỉ thuê ngoài một số dịch vụ đơn lẻ như vận tải nội địa, vận tải quốc tế, giao nhận hàng tại các cửa khẩu. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, một số nguyên nhân chính làm cho doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics như sau: 


Sự cung cấp các dịch vụ một cách nhỏ lẻ, không đồng nhất, đã làm gia tăng lượng luân chuyển hàng hóa, gây thêm sức ép cho hệ thống giao thông của Thành phố.

3. Giải pháp phát triển logistics tại Hà Nội

Trước thực trạng trên, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên hầu hết các giải pháp đều mới chỉ tập trung vào các nguyên nhân trực tiếp gây nên ùn tắc giao thông. Hiện tượng ùn tắc giao thông tại Hà Nội không chỉ cần được giải quyết ở việc kiểm soát giao thông mà còn ở vấn đề quy hoạch đô thị. Thành phố cần phát triển hệ thống logistics đô thị để phối hợp với các giải pháp đã thực hiện với tầm nhìn dài hạn thì mới có thể giải quyết một cách toàn diện vấn đề này.

Trước hết, quy hoạch sử dụng đất đô thị phải có sự tích hợp với quy hoạch giao thông. Ngay từ khi tiến hành quy hoạch sử dụng đất, thành phố cần nghiên cứu tính toán song song với quy hoạch các hành lang vận tải khối lượng lớn cũng như các đầu mối giao thông, các trạm trung chuyển để hỗ trợ phát triển các trung tâm thương mại, các đô thị vệ tinh và các khu chức năng quan trọng của Thành phố.

Không gian xếp dỡ hàng trong khu vực trung tâm Thành phố rất khan hiếm, do đó cần xây dựng các trung tâm gom hàng, trạm xe tải đầu mối và các điểm tập trung vận tải. Thông qua đó, hàng hóa vận tải đường dài từ khắp mọi nơi, với điểm đến, lộ trình cụ thể đề được quy tụ và dỡ xuống. Sau đó chúng được gửi đi theo khu vực hoặc theo cụ thể tuyến đường người nhận trong thành phố. Ưu thế của trung tâm phân phối nằm ở việc giảm chi phí kho bãi, tuy rằng điều này sẽ làm tăng tương đối chi phí vận tải, bởi hàng hóa cần phải được vận chuyển đến trung tâm phân phối. Chi phí vận tải có thể được gỉảm bớt bởi thông qua kết hợp tối đa các luồng vận chuyển với việc áp dụng phương thức vận chuyển khối lượng lớn trên những tuyến đường dài đến trung tâm phân phối. Vận chuyển hàng hóa cần phát triển vận tải liên hợp, đa dạng hóa chức năng vận tải bằng cách chia hệ thống phân phối thành nhiều công đoạn nhằm kết hợp logistics, tức là tích hợp dòng hàng hóa với mục đích tối ưu hóa vận chuyển, có thể thông qua kết hợp riêng lẻ từ phía hệ thống phân phối hoặc từ phía các nhà sản xuất, hay trường hợp lý tưởng nhất là sự kết hợp vận chuyển đồng thời từ cả hai phía nhà sản xuất và nhà phân phối thương mại.

Cụ thể, dịch vụ logistics cung ứng phụ thuộc vào loại hàng hóa vận chuyển và các dịch vụ đi kèm. Trong đó, khối lượng và tần suất nhu cầu hàng vận chuyển đóng vai trò quan trọng. Nhiều loại hàng hóa được vận chuyển từ các địa phương đến Hà Nội, tuy nhiên mỗi loại hàng, mỗi nhà cung ứng lại có mỗi phương thức riêng lẻ để cung ứng hàng hóa, điều này làm giao thông trở nên quá tải; đối với những lô hàng lớn chỉ có thể tiếp cận vào các khung giờ cho phép hoặc phải chuyển tải sang thành các lô hàng nhỏ để vận chuyển vào thành phố làm tăng chi phí vận chuyển. Để gỉải quyết hiện trạng này, cần tập hợp các loại hàng hóa trên cùng một phương tiện vận chuyển. Bắt đầu từ nhà cung ứng (nhà máy sản xuất, kho công nghiệp,...) tới các điểm nhận hàng khác nhau nhưng có khoảng cách địa lý gần hoặc cùng trên một tuyến đường vận tải. Từ nơi sản xuất, đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải xem xét đặc điểm hàng hoá, khối lượng vận chuyển để kết hợp các đơn hàng và thực hiện vận chuyển đến trung tâm phân phối hay đến thẳng khách hàng. Đối với hàng hóa được đưa đến trung tâm phân phối, hàng hóa của nhiều khách hàng khác nhau nhưng trên cùng một tuyến đường có thể kết hợp giao nhận thuận tiện sẽ được chất tải trên phương tiện khác được phép lưu thông trong nội thành. Như vậy, qua các giai đoạn kết hợp các khách hàng khác nhau đã có thể cùng chia sẻ chi phí vận chuyển nhằm giảm tổng chi phí. Phương pháp này cho phép tận dụng tối đa trọng tải của phương tiện trong trường hợp có nhiều hóa đơn nhỏ lẻ hoặc gia tăng tần số giao nhận của một hay nhiều địa điểm khi phương tiện đã đầy do khối lượng đơn hàng của một hoặc một số điểm đã đủ lớn.

Tập hợp hàng hóa của nhiều nhà cung ứng khác nhau đến cùng một khách hàng cũng là một phương án vận tải hàng hóa hiệu quả. Đối với phương án này, hàng hóa của nhiều nhà cung ứng được tập hợp trên cùng một phương tiện đưa đến một khách hàng duy nhất. Phương án này cho phép tận dụng tối ưu khả năng vận chuyển của xe tải, có thể giúp hạn chế chi phí trung chuyển giữa các kho. Phương án này giúp tăng hệ số sử dụng trọng tải của phương tiện, giảm số lượng phương tiện phải tham gia vận chuyển từng hàng hóa riêng lẻ của các nhà cung cấp đến chung một khách hàng, đồng thời giảm chi phí tiếp nhận.

Bên cạnh đó, xây dựng kho đa năng cũng là một giải pháp cần được triển khai rộng rãi và dần thay thế mô hình nhiều cấp như hiện nay. Về cơ bản, đây là kỹ thuật được thực hiện tại một địa điểm để trung chuyển hàng hóa trực tiếp từ vị trí nhận hàng đến vị trí giao hàng mà không dừng lại ở khâu trung gian (không cất hàng, lưu trữ, mà tìm kiếm đơn hàng để đóng gói, phân loại). Trung tâm kho đa năng được phân loại thành trung tâm trung chuyển nhanh một cấp và hai cấp. Trong trường hợp trung tâm một cấp, việc trung chuyển diễn ra không có sự thay đổi của thiết bị chứa hàng. Trong trường hợp trung tâm hai cấp (trung chuyển hàng hóa) diễn ra sự thay đổi của thiết bị chứa hàng, hàng hóa được đóng gói lại và phân chia theo từng lô hàng mới. Sự thay đổi diễn ra đối với phương tiện vận chuyển và số lượng hàng hóa. Thực tế cho thấy, việc sử dụng đồng thời trung tâm kho đa năng và kho phân phối trung tâm không gây ảnh hưởng lẫn nhau, ngơợc lại chúng thuờng đuợc áp dụng đồng thời.

Chính quyền Thành phố cũng nên có những biện pháp thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp logisitics nhằm gia tăng nhu cầu dịch vụ logistics trong thành phố. Đối với vận chuyển hàng hóa trong Thành phố, cần có các công ty vận tải chuyên dụng để chuyển hàng hóa cho từng khu vực. Khu phố cổ trung tâm và các thành phố phụ cận là nơi các hoạt động logistics diễn ra sôi nổi nhất. Tại Hà Nội, số lượng các đơn hàng nhận và gửi có thể lên đến 20.000 - 30.000 đơn/km2/tuần (đã bao gồm giao dịch chuyển phát nhanh). Do đó, việc cung ứng dịch vụ logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà cung cấp dịch vụ. Chính quyền Thành phố có thể thực hiện bằng cách nhượng quyền cho các nhà cung cấp dịch vụ có năng lực tại từng khu vực nhất định trong thành phố. Điều này sẽ mang lại hiệu quả cao không chỉ đối với nhà cung cấp dịch vụ mà với cả giao thông trong thành phố. Đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ có tiềm lực chưa đủ mạnh có thể liên kết với nhau tạo ra hệ thống giao hàng với giá thành thấp nhằm thu hút những hóa đơn nhỏ, giá trị thấp.

4. Kết luận

Bài viết đưa ra các phương án về cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ logistics vận chuyển hàng hóa tại Hà Nội bằng cách xây dựng trung tâm phân phối. Trong đó, đề cập đến vấn đề sử dụng chung dịch vụ giao nhận để giảm thiểu chi phí và lưu lượng vận tải tham gia trong thành phố. Bài viết cho thấy tiềm năng đưa ra phương án kết hợp sử dụng kết hợp dịch vụ giao nhận trong chuỗi logistics trong tương lai. Liên minh trong quá trình vận chuyển đòi hỏi các nhà cung ứng phải có sự thoả thuận chặt chẽ trong dài hạn, thống nhất phương án, cách thức cũng như chi phí vận chuyển để đạt được hiệu quả cao. Qua đó cũng cho thấy tiềm năng cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics tại Thành phố. Đây vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics trong Thành phố phát triển, vừa là giải pháp để giảm thiểu số lượng phương tiện tham gia giao thông.

Phát triển hệ thống logistics đô thị là một biện pháp có hiệu quả trong tương lai của Thành phố nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng tại Hà Nội. Tuy nhiên, để có được biện pháp phát triển bền vững trong tương lai, chính quyền Thành phố cần có nhận thức đúng đắn về logistics đô thị, nhằm phối hợp chặt chẽ giữa hai mặt giao thông đô thị và quy hoạch công trình thành phố. Đây là bước có tính chất bao trùm ảnh hưởng đến hiệu quả của các giải pháp logisitcs đô thị cụ thể trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS.TS. Từ Sỹ Sùa (2010), Giáo trình Thương vụ vận tải, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội.

2. GS.TS. NGƯT. Đặng Đình Đào, Logistics những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam (2011).

3. An Thị Thanh Nhàn, “Phát triển mạng lưới logistics quốc gia”, http://logistics.cntech.vn/phat-trien-mang- luoi-logistics-quoc-gia/

4. Dablanc, L., “Goods Transport in Large European Cities: Difficult to Organize, Difficult to Modernize”, Transportation Research Part A 41 (2007) 280.

5. Bộ Giao thông Vận tải (2013), Báo cáo thực trạng logistics.

6. Nguyễn Tương (2014), http://www.vjol.info/index.php/GTVT/article/viewFile/17573/15608

7. Seminar on port shipping and logistics management in foreign trade for developing countries, China, 2012.

PROPOSING DEVELOPMENT PLANS FOR FREIGHT TRANSPORT SECTOR OF HANOI CITY

Master. NGUYEN THUY NGA

University of Transport and Communications

PHAM THI THU HANG

University of Transport and Communications

ABSTRACT:

One of the most significant challenges of Hanoi city is the freight transport which is the main culprit of some issures including traffic congestion, air pollution and noise disturbance. Logistics services could be an effective solution to mitigate adverse impacts of the freight transport of Hanoi. As a result, it is important for Hanoi to develop its urban logistics system. This study assesses the feasibility of integrating the construction of infrastructure with appropriate freight transport plans to minimize the number of vehicles in the inner city of Hanoi.      

Keywords: Freight transport, Hanoi city, infrastructure.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây