Đề xuất giải pháp phát triển ngành Thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

ThS. TRIỆU VĂN CHÚC (Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc)

TÓM TẮT:

Quy hoạch phát triển ngành Thương mại đã được nhiều tỉnh/thành phố xây dựng sau khi Chính phủ có Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đến nay, nhiều địa phương đang tiến hành thực thi quy hoạch.

Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành Thương mại cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc còn nhiều bất cập, như: số lượng siêu thị, trung tâm thương mại phát triển không đồng đều giữa các địa bàn; số lượng chợ cũng không hợp lý, khoảng cách từ chợ tới khu dân cư còn xa, nhiều chợ hoạt động sai chức năng, nhiều chợ nhắc đến trong quy hoạch của địa phương không còn tồn tại, số hộ kinh doanh trong chợ không được như mục tiêu kỳ vọng. Mạng lưới phân phối hàng hóa chưa được hình thành thành các chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường, lực lượng kinh doanh thương mại đang ngày càng phát triển, quy mô ngày càng tăng…

Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm phát triển ngành Thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ khóa: Ngành Thương mại, tỉnh Vĩnh Phúc, mạng lưới phân phối hàng hóa, phương thức lưu thông hiện đại.

1. Thực trạng phát triển ngành Thương mại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2016

1.1. Đóng góp của ngành Thương mại vào tăng trưởng GDP của tỉnh

Giá trị tăng thêm của ngành Thương mại Vĩnh Phúc năm 2008 đạt hơn 1.140 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 11,72% trong GDP toàn tỉnh (giá so sánh). Tốc độ tăng hàng năm, giá trị tăng thêm của ngành Thương mại Vĩnh Phúc đạt tốc độ tăng bình quân 25,55%/năm giai đoạn 2005-2008, cao hơn so với tốc độ tăng GDP toàn tỉnh và cao hơn nhiều so với nhịp độ tăng chung của cả nước là 7,94%/năm trong cùng thời kỳ. Tỉ trọng GDP thương mại đã tăng từ 6,15% năm 2004 lên 11,72% năm 2008. Mặc dù vậy, tỉ trọng giá trị gia tăng của ngành Thương mại trong GDP của Vĩnh Phúc vẫn còn thấp hơn so với tỉ trọng 13,85% của cả nước năm 2008.

1.2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

Trong giai đoạn 1998-2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (TMBLHH&DV) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm là 17,38%/năm, đạt 8.722,3 tỉ đồng vào năm 2008; trong đó, giai đoạn 1998-2000 tăng 8,61%/năm, giai đoạn 2001-2005 tăng 12,24%/năm, giai đoạn 2006-2010 tăng 36,67%/năm, giai đoạn 2011-2015 tăng 13,31%/năm.

1.3. Giá trị dịch vụ thương mại

Giá trị dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng với nhịp độ 49,33%/năm trong giai đoạn 2006-2008; năm 2016 giá trị tăng thêm của các ngành Dịch vụ đạt 12.420 tỷ đồng, tăng 6,26% so với năm 2010 nhanh hơn so với nhịp độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong cùng thời kỳ. Các loại hình dịch vụ thương mại chính là cho thuê kho bãi, dịch vụ đóng gói, vận chuyển, sửa chữa, bảo hành hàng hóa.... Các dịch vụ thương mại chỉ được thực hiện chủ yếu ở các khu vực đô thị, các tụ điểm trung chuyển hàng hóa như thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, khu vực xã Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường)...

2. Thực trạng các hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường tỉnh Vĩnh Phúc

2.1. Kênh phân phối truyền thống

- Đối với hàng nông sản, thực phẩm:

Hàng nông sản của tỉnh được tiêu thụ qua các kênh chủ yếu sau: 1) Từ người sản xuất trực tiếp tới người tiêu dùng trong tỉnh và khách vãng lai thông qua hệ thống chợ và mạng lưới cửa hàng, quầy hàng ở khắp các xã, phường…; 2) Từ người sản xuất trực tiếp thông qua trung gian là đội ngũ thương nhân thu gom, dự trữ, bảo quản (hoặc có thể sơ chế) và phát luồng tiêu thụ cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cho các cơ sở chế biến hoặc cho xuất khẩu; 3) Từ người sản xuất trực tiếp tới các cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở kinh doanh thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân và nhà sản xuất, nhà phân phối.

- Đối với hàng vật tư, hàng công nghiệp tiêu dùng:

Hàng vật tư và công nghiệp tiêu dùng được phân phối theo hai cách thức chính:

+ Từ doanh nghiệp sản xuất đến người tiêu dùng thông qua mạng lưới phân phối của doanh nghiệp bao gồm các tổng đại lý, đại lý, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đóng trên địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh khác trong cả nước.

+ Từ các doanh nghiệp sản xuất, từ nguồn nhập khẩu qua khâu bán buôn là các tổng công ty, công ty bán buôn, sau đó phát luồng tới các cửa hàng bán lẻ, các hộ tư thương và phân phối đến người tiêu dùng.

2.2. Kênh phân phối hiện đại

Cùng với sự phát triển nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, đồng thời được tiếp thu xu hướng kinh doanh hiện đại của thương mại trong vùng, đặc biệt là từ thành phố Hà Nội. Các cơ sở kinh doanh, các hộ tư thương đã sử dụng nhiều hình thức hiện đại hơn trong giao dịch và trao đổi mua bán hàng hóa như: đại lý, ủy thác, mua bán hàng qua điện thoại, bưu điện, qua catalogue… với các phương thức thanh toán mới, như: thanh toán trả chậm, trả góp…

3. Thực trạng các loại hình thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

3.1. Chợ truyền thống

Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số 81 chợ các loại (chưa kể các chợ cóc, chợ tạm được hình thành tự phát ở khu vực tập trung dân cư).

Hiện nay, mạng lưới chợ đang là loại hình thương mại phát triển khá phổ biến và có vị trí rất quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Mật độ chợ theo đơn vị hành chính xã, phường tính trung bình trên toàn tỉnh là 0,59 chợ/xã, phường. Dân số phục vụ trung bình là 13.018 người/chợ.

Loại hình chợ đơn điệu, chủ yếu là chợ tổng hợp (bán lẻ hoặc bán buôn, bán lẻ), loại hình chợ chuyên doanh, chợ đầu mối chưa phát triển. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 điểm bán buôn hàng nông sản tổng hợp tại thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), có tính chất như một chợ đầu mối. Xung quanh chợ Giang từ lâu đã hình thành khu vực thu gom và phát luồng hàng nông sản tổng hợp có phạm vi lan tỏa rộng ra ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán chủ yếu được tiến hành tại cơ sở của các hộ tư thương xung quanh phố chợ. Tại khu vực này, cần xây dựng mới một chợ đầu mối bán buôn tổng hợp để qui tụ các hộ tư thương vào kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng qui mô và phát triển các dịch vụ tiên tiến phụ trợ kinh doanh.

3.2. Các loại hình thương mại hiện đại

3.2.1. Các trung tâm thương mại và siêu thị

Tại các khu vực đô thị là các trung tâm mua bán, trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh đã bắt đầu hình thành một số loại hình thương mại hiện đại với các qui mô khác nhau kinh doanh hàng hóa tổng hợp hoặc chuyên ngành: hàng công nghiệp tiêu dùng, đồ gỗ nội thất, xe máy, vật liệu xây dựng, hàng điện máy…) như siêu thị Big C, Coop Mart, Hương Canh, HC... Các loại hình tổ chức thương mại hiện đại này chủ yếu tập trung tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, trung tâm huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

3.2.2. Khu mua sắm, khu thương mại - dịch vụ tập trung

- Khu vực đô thị:

Tại thành phố Vĩnh Yên: Từ lâu đã hình thành sự kết hợp giữa chợ truyền thống và các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại các khu phố trung tâm có nhiều hộ dân cư sinh sống tạo nên các khu mua sắm tập trung. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chợ có qui mô lớn hơn, mật độ các cửa hàng với các loại hình bán buôn, bán lẻ, đại lý… dày đặc hơn tạo thành các dãy phố buôn bán với nhiều chủng loại hàng hóa và dịch vụ phong phú, đa dạng.

Tại các thị xã, thị trấn hình thành khu thương mại - dịch vụ tập trung trên cơ sở kết hợp giữa chợ và các cửa hàng, cửa hiệu (Phường Trưng Trắc, Xuân Hòa - thị xã Phúc Yên…). Tuy nhiên, qui mô của các khu mua sắm tập trung ở các thị xã, thị trấn huyện còn nhỏ. Tại xã Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã hình thành khu vực bán buôn kết hợp giữa chợ và các hộ kinh doanh bán buôn nông sản xung quanh các phố chợ, tạo thành không gian buôn bán khá sầm uất.

- Khu vực nông thôn: Hình thành các điểm kinh doanh thương mại dịch vụ tại các trung tâm xã, cụm xã hoặc cửa hàng bám theo các trục giao thông, nơi đông đúc dân cư và thuận tiện cho đi lại của người dân. Phần lớn là các cửa hàng nhỏ, bán lẻ hoặc đại lý các mặt hàng thiết yếu hoặc dịch vụ thông thường như sửa chữa nhỏ, dịch vụ ăn uống, chăm sóc cá nhân, nhà nghỉ,…

3.3. Hệ thống cửa hàng, kho thương mại

Hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu bán hàng theo phương thức truyền thống phát triển khá nhanh chóng và có tính chất tự phát ở hầu hết các đường phố, thôn làng, dọc đường giao thông ở hầu khắp địa bàn toàn tỉnh. Những cửa hàng này rất đa dạng về qui mô, loại hình, chủng loại hàng hóa kinh doanh.

Các cửa hàng tự chọn cũng đang hình thành và phát triển, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị như chuỗi cửa hàng G7 MART.

Hệ thống kho hàng hóa của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh còn mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là các kho bãi vật liệu gần cảng sông và kho dành cho lưu trữ, bao gói hàng hóa.

4. Những vấn đề đặt ra

Từ việc phân tích hiện trạng phát triển thương mại tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 1997-2016, có thể đưa ra một số nhận định về hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh như sau:

- Những đóng góp của ngành Thương mại vào tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của ngành Thương mại đối với phát triển kinh tế Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng hướng.

- Kênh lưu thông hàng hóa: Các kênh, luồng hàng hóa vào, ra trên địa bàn tỉnh còn mờ nhạt, nhỏ lẻ. Để thay đổi những đặc trưng đó của các kênh, luồng hàng hóa vào, ra trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, cần phải có chuyển biến sâu sắc hơn về cơ cấu kinh tế, chuyển hướng đầu tư và đầu tư tập trung để đạt được mức độ cần thiết về quy mô, tăng cường quan hệ thị trường và tạo lập các mối quan hệ, liên kết sản xuất với các vùng, tỉnh khác.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đang trong giai đoạn định hình và phát triển đan xen giữa các mô hình thương mại truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, các loại hình thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay còn đơn điệu, chủ yếu là loại hình chợ truyền thống, các loại hình mới đang phát triển nhưng còn manh mún, lẻ tẻ. Các mô hình thương mại hiện đại chưa phát triển một cách đồng bộ và tập trung. Mạng lưới chợ hiện có cũng còn nhiều bất cập về tình trạng cơ sở vật chất, trình độ quản lý cũng như các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông...

- Quản lý nhà nước về thương mại: Công tác quản lý nhà nước về thương mại từng bước được đổi mới. Các hành lang pháp lý cho hoạt động lưu thông hàng hóa đang dần được hoàn thiện theo hướng linh hoạt, hợp lý. Mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thương mại đã được đổi mới trên cơ sở xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận nhằm thực hiện tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp, chỉ đạo thực hiện các hoạt động liên quan đến thương mại cũng như tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện hành.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý nhà nước về thương mại, như: Cơ chế quản lý chưa đồng bộ giữa hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh. Mô hình quản lý tại các chợ còn lạc hậu, kém hiệu quả. Thị trường phát triển còn mang tính tự phát, vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, hàng kém phẩm chất, vi phạm qui chế nhãn mác hàng hóa...

5. Đề xuất giải pháp phát triển ngành thương mại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020

Để phát triển ngành Thương mại trong thời gian tới, Nhà nước cần thực thi đồng bộ các giải pháp toàn diện, trong đó chú trọng đến một số giải pháp sau đây:

- Một là, đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại, thông qua việc phát triển các phương thức lưu thông hiện đại, nâng cao trình độ hiện đại hóa của các doanh nghiệp thương mại. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại tiến hành đổi mới kỹ thuật công nghệ kinh doanh.

- Hai là, đẩy mạnh giải pháp thu hút vốn phát triển thương mại. Trong đó, cần tranh thủ huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn ODA, vốn viện trợ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của Vĩnh Phúc, nhất là đối với các công trình có khả năng chậm thu hồi vốn.

Tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư cùng với chính sách ưu đãi, thông thoáng, để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành Thương mại Vĩnh Phúc. Trên cơ sở Luật Đầu tư, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi khác để thu hút các tập đoàn, công ty phân phối hàng đầu thế giới từ Đức, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản... vào đầu tư kinh doanh các loại hình bán buôn, bán lẻ quy mô lớn và hiện đại theo lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ phân phối của nước ta.

- Ba là, đẩy mạnh giải pháp phát triển nguồn nhân lực thương mại, thông qua việc thu hút các nhà quản trị kinh doanh trong và ngoài nước vào ngành Thương mại; công khai mời gọi, chiêu mộ Việt kiều - là những doanh nhân hiểu biết về thị trường của các nước phát triển cùng làm việc, cộng tác, hoặc tư vấn cho các doanh nghiệp thương mại của Vĩnh Phúc. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành Thương mại Vĩnh Phúc.

- Bốn là, đổi mới phương thức và tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong đó:

Giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý của Sở Công Thương và của các phòng chuyên môn cấp huyện, thành, thị... cần tập trung vào việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ chuyên nghiệp cho từng loại cán bộ; xây dựng và vận hành quy trình tác nghiệp thống nhất trong tổ chức đồng thời với tăng cường trang bị máy móc và thiết bị công nghệ hiện đại, thực hiện phân công và phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng cho từng cấp quản lý...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh; từng bước tách dần chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công.

- Năm là, đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường Vĩnh Phúc với các thị trường trong và ngoài nước, như:

+ Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu lợi thế so sánh, xác định các sản phẩm ngành hàng cần khai thác ở thị trường của từng vùng, từng địa phương để định hướng và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa hợp lý.

+ Ký kết hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm: Tiến hành trao đổi, ký kết các thỏa thuận giữa Vĩnh Phúc và các địa phương khác về mua bán sản phẩm hàng hóa hay những cam kết xây dựng quan hệ bạn hàng ổn định, lâu dài và đảm bảo chữ tín trong kinh doanh. Tích cực tham gia vào quá trình liên kết để xây dựng các hệ thống thị trường hàng hóa trong vùng, tạo điều kiện và yếu tố cho sự phát triển các hệ thống phân phối hiện đại trong vùng.

+ Xác định các sản phẩm có lợi thế và thị trường chiến lược để định hướng phát triển các liên kết song phương hoặc đa phương với các đối tác nước ngoài. Có chế độ chính sách khuyến khích thỏa đáng các hoạt động môi giới, trợ giúp tiếp cận thâm nhập thị trường mới.

+ Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hóa và dịch vụ có lợi thế của Vĩnh Phúc.

6. Kết luận

Có thể nhận thấy, thực trạng phát triển ngành Thương mại của Vĩnh Phúc trong giai đoạn vừa qua đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Những hạn chế của ngành Thương mại hiện nay đang tạo ra áp lực cho quá trình phát triển tiếp theo. Vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết để phát triển các hoạt động thương mại trên địa bàn Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới là nỗ lực tìm kiếm, nắm bắt các cơ hội kinh doanh gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với khai thác các lợi thế trong quan hệ thương mại với cả nước và khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội.

2. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 phê duyệt Đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020", Hà Nội.

3. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 113/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, Hà Nội.

4. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (2011), Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 về phát triển dịch vụ - du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020, Vĩnh Phúc.

5. UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2011), Quyết định số182/QĐ-UBNDngày 25/01/2011 V/v Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thương mại Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Vĩnh Phúc.

PROPOSING SOLUTIONS TO DEVELOP THE TRADE

SECTOR OF VINH PHUC PROVINCE

Master. TRIEU VAN CHUC

Department of Industry and Trade, Vinh Phuc province

ABSTRACT:

Vietnam’s trade sector development plan have been prepared by many provinces and cities in Vietnam after Vietnam’s government issued Decision No.27/2007/QĐ-TTg dated February 15, 2007 of the Prime Minister approving the scheme of domestic trade development to 2010 and orientations toward 2020. So far, many localities in Vietnam have implemented the scheme. However, the development of trade sector in many provinces including Vinh Phu province has faced difficulties, such as the number of supermarkets and shopping centers witnesses an unparalled development among areas, the number of traditional markets is unreasonable, distances between markets and residential areas are still long, many markets are being misused, many markets which are mentioned in plans no longer exist and the number of business households participating in markets misses expectations. In addition, goods supply chains of goods distributions in the market are not developed while the number of parties which do business in trade sector is increasing. This study is to analyze and propose some solutions to develop the trade sector of Vinh Phuc province up to 2020 with vision to 2030.

Keywords: Trade sector, Vinh Phuc province, goods distribution, modern goods circulation models.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây