Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản với lao động nam

Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.

Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) đã đề xuất Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo hai đơn vị này, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định nam giới được nghỉ chế độ thai sản 5-14 ngày tùy từng trường hợp. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cha và mẹ được hưởng thời gian nghỉ thai sản bình đẳng sau khi sinh con, đứa trẻ không chỉ phát triển tốt hơn mà còn đảm bảo bình đẳng giới trong xã hội, giúp giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính.

Theo đề xuất của EuroCham và WIB SC, việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5 - 14 ngày lên 6 tháng là cần thiết. Tuy vậy, với dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, hai cơ quan trên đề xuất tăng thời gian nghỉ nói trên lên tối thiểu 30 ngày.

lao động nam nghỉ thai sản
EuroCham và WIB SC đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam lên tối thiểu 30 ngày

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay thời gian qua quỹ thai sản có mức thu - chi ngang nhau. Thậm chí, có năm, mức chi còn cao hơn mức thu, phải bù từ kết dư các năm trước.

Bản chất quỹ này là ngắn hạn nên tăng thời gian nghỉ thai sản đồng nghĩa với tăng mức đóng. 

Ông Nguyễn Duy Cường phân tích nếu tăng tỷ lệ đóng thì các doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tính toán quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội. 

Mặt khác, đề xuất chế độ thai sản cần xác định xu hướng chung của các nước trên thế giới cũng như căn cứ điều kiện kinh tế, quy mô quỹ thai sản của mỗi quốc gia.

Ông Nguyễn Duy Cường cũng lưu ý là lao động nam hiện có nhiều quyền lợi trong chính sách thai sản. Ngoài được nghỉ 5 - 14 ngày theo quy định, trường hợp vợ không đủ sức khỏe chăm sóc cho con, đối tượng này vẫn được nghỉ và hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. 

Bộ luật Lao động 2019 khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người lao động khi hưởng thai sản như bỉm sữa, hưởng lương. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chưa đề cập việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới.

Về lâu dài, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tác động của việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới. 

Căn cứ tại điểm e khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi Lao động nam có vợ sinh con:

Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“... Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về thời gian hưởng chế độ khi sinh con của lao động nam.

Cụ thể, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, lao động nam nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh thường là 5 ngày. 

Ngọc Châm