Theo đó, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án.
Giữ nguyên quy định hiện hành về việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Đây là phương án 1, theo đó người lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội và sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được rút một lần. Tuy nhiên, quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Thân nhân của người lao động cũng không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Một vấn đề khác đáng chú ý, đó là số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
"Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014", theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phân tích.
Nhận 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần
Đây là phương án 2, điều kiện tương tự phương án 1 nhưng bổ sung mức nhận tối đa của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại sẽ được bảo lưu để người lao động hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu. Việc này giúp người lao động có một khoản chi tiêu khi hết độ tuổi lao động, tránh tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.
Với phương án này, cơ quan soạn thảo đánh giá sẽ giảm được số tiền chi trả ban đầu cho quỹ bảo hiểm xã hội và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề nghị cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi việc điều chỉnh này rất nhạy cảm. Đặc biệt trong những năm gần đây, sau nhiều thay đổi khiến người lao động thấy mình "đang chịu phần thiệt" như: điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu tối đa, ... thì việc ràng buộc trong hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể là động thái tiếp theo gây bất lợi đối với người lao động.
Việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 NLĐ đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.