Đây là nội dung đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mà Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 năm nay.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng; định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn nữa được hưởng lương hưu; đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế khi xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm. Tại Hội thảo Tham vấn về Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 7/4/2023, Ngân hàng Thế giới nhận định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là một đề xuất hợp lý trong việc thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Ngân hàng Thế giới đã phân tích về lợi ích và chi phí của các đề xuất thay đổi trong dự thảo luật cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc mở rộng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm tự nguyện. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, tất cả các giải pháp đồng bộ nêu trên có thể tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội thêm từ 8,2% đến 21%.
Trước đó vào ngày 5/4/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Tại hội thảo, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu về kế hoạch và lộ trình xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Theo đó, từ 1/3/2023, Ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương, đăng website; từ tháng 5/2023 gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tháng 6/2023 trình Chính phủ; tháng 7/2023 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tháng 10/2023 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa. Thông qua hội thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các cán bộ công đoàn để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.