Bảo hiểm thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và một số kiến nghị sửa đổi

Nguyễn Thị Ngọc Thành (Công ty TNHH Phú Đại Lộc)

Tóm tắt:

Chế độ bảo hiểm thai sản là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đặc thù, có vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. BHXH chế độ thai sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ), quyền được chăm sóc trẻ em và đảm bảo thu nhập trong thời gian sinh sản. Bài viết phân tích các quy định của Luật BHXH năm 2014 về chế độ thai sản nhằm đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật, đề xuất một số kiến nghị là cơ sở hoàn thiện pháp luật về chế độ thai sản trong thời gian tới.

Từ khóa: bảo hiểm thai sản, lao động nữ, bảo hiểm xã hội.

1. Thực trạng quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản

1.1. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

1.1.1. Đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Điều 30 Luật BHXH 2014 có quy định đối tượng áp dụng chế độ thai sản là NLĐ bao gồm các trường hợp sau: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm thai sản cơ bản là các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không áp dụng chế độ thai sản.

1.1.2. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Theo quy định tại điều 31 Luật BHXH 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:

- Đối với trường hợp NLĐ nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi muốn được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Đối với trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chưa bệnh có thẩm quyền phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thay vì phải có đủ 6 tháng đóng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh như Luật BHXH 2006 trước đây. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo sự công bằng đối với những đối tượng đã tham gia BHXH trong khoảng thời gian dài những vì lý do bất khả kháng (phải nghỉ việc dưỡng thai do bệnh lý,…) mà không đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh được thụ hưởng chế độ

- Đối với nhóm đối tượng có thời gian thụ hưởng ngắn, không thường xuyên (lao động nữ đặt vòng tránh thai, lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con,…) pháp luật không quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH.

1.2. Chế độ và quyền lợi bảo hiểm thai sản

1.2.1. Đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản

1.2.1.1. Thời gian nghỉ khám thai

Theo Điều 32 của Luật BHXH năm 2014, NLĐ nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm (5) lần, mỗi lần một ngày. Nếu NLĐ có thai làm việc ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường, được nghỉ việc hưởng trợ cấp hai (2) ngày cho mỗi lần khám thai.  Những lần khám thai vượt quá 5 lần theo quy định của pháp luật, lao động nữ phải tự sắp xếp thời gian và không được hưởng chế độ.

1.2.1.2. Thời gian nghỉ khi bị sẩy thai, nạo, hút thai

Điều 33 của Luật BHXH năm 2014 quy định, khi sảy thai, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của bệnh viện có thẩm quyền. Trong đó, thời gian nghỉ việc (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần) việc hưởng trợ cấp sẽ là 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi, 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tháng, 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi và 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc do sảy thai. Nếu lao động nữ đóng BHXH chưa đủ 06 tháng, mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH. Theo đó, mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

1.2.1.3. Thời gian nghỉ sinh con

Về thời gian hưởng trợ cấp thai sản, theo quy định tại Công ước số 103 của ILO, thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh đối với lao động nữ ít nhất là 20 tuần. Lao động nữ có quyền nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản ít nhất là 6 tuần trước khi sinh. Thời gian nghỉ tối thiểu sau khi sinh các quốc gia có thể vận dụng linh hoạt căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của quốc gia mình nhưng không được ít hơn 6 tuần kể từ ngày sinh.

Theo Điều 34 Luật BHXH 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên, tính từ người con thứ hai trở đi, cứ mỗi người con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Ngoài ra, Luật BHXH 2014 quy định cụ thể về thời gian nghỉ đối với trường hợp sinh con mà con chết, hoặc sinh con mà mẹ chết (Khoản 3, khoản 4 điều 34 Luật BHXH)

1.2.1.4. Thời gian nghỉ khi nuôi con nuôi

Điều 36 Luật BHXH 2014, nếu NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi, NLĐ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp cả bố hoặc mẹ đều đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi) chỉ có bố hoặc mẹ được nghỉ việc. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng với NLĐ nhận nuôi 1 con nuôi sẽ không thống nhất với các quy định về việc không khống chế số lần sinh con được hưởng bảo hiểm thai sản. Vì thế, không nên khống chế số con nuôi sơ sinh, đồng thời cũng cần bổ sung thêm thời gian nghỉ cho NLĐ khi cùng một lúc nhận nuôi từ hai hoặc nhiều trẻ sơ sinh trở lên.

1.2.2. Chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Điều 37 Luật BHXH 2014, khi NLĐ thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai, biện pháp triệt thai sản, NLĐ được nghỉ chế độ tương ứng là 7 ngày và 15 ngày (thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần). Mức hưởng theo ngày được tính bằng mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 3 ngày. Việc thực hiện các biện pháp tránh thai thể hiện sự ý thức của NLĐ trong việc giới hạn con số được sinh ra, để từ đó có sự tập trung chăm sóc và đầu tư cá nhân về thể chất lẫn tinh thần cho con cái. Trước đây, khi thực hiện các biện pháp tránh thai, NLĐ chỉ được hưởng mức trợ cấp theo chế độ ốm đau (thấp hơn chế độ thai sản). Trong khi, các biện pháp tránh thai này đều gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tâm lý của NLĐ. Vì thế, thay đổi về quan điểm của nhà làm luật đã thể hiện sự thấu hiểu và đảm bảo tính công bằng, cũng như có sự hỗ trợ, động viên đối với NLĐ khi thực hiện các biện pháp tránh thai.

1.2.3. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh sản

Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con theo quy định mà sức khỏe còn yếu sẽ được nghỉ tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên, tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật và 5 ngày đối với các trường hợp khác. Như vậy, điều kiện để lao động nữ được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản là trong vòng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi. Việc xác định sức khỏe chưa phục hồi sẽ do cơ sở y tế có thẩm quyền xác định. Sau khi hết thời gian thai sản lao động nữ chưa đi làm sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh. Nếu hết thời gian thai sản mà họ đi làm lại, có thể sẽ được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh trong khoảng thời gian 30 ngày đầu quay trở lại làm việc sau khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản

1.2.4. Trợ cấp thai sản

Theo quy định tại Công ước số 103, mức trợ cấp bằng tiền được quy định bởi các quốc gia nhưng phải trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo duy trì sức khoẻ cho người mẹ và đứa trẻ theo tiêu chuẩn mức sống tối thiểu. Trong thời gian nghỉ việc đi khám thai, nghỉ việc khi bị sẩy thai, khi sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, NLĐ được hưởng tiền trợ cấp từ cơ quan BHXH thay vào phần thu nhập bị mất do không có lương.

Trợ cấp thay lương được tính bằng tiền lương của NLĐ khi đang làm việc, bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trước khi nghỉ. Kết hợp với mức trợ cấp này, cùng thời gian nghỉ từ 4 đến 6 tháng (tùy điều kiện lao động) đã tạo điều kiện bảo đảm tốt cho sức khỏe của người mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong trong thời kì thai sản. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục sẽ được cộng dồn.

Ngoài ra, khi lao động nữ sinh con, họ còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trước khi nghỉ. Đây là khoản tiền nhằm bù đắp thêm những chi phí tăng lên đột ngột do người mẹ cần phải sắm sửa những vật dụng cần thiết cho việc nuôi con nhỏ.

2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ thai sản tại Việt Nam

Trên cơ sở những bất cập trong các quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản cho NLĐ, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật như sau:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi các đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm thai sản.

Điều 48 Công ước số 102 của ILO, đối tượng được hưởng trợ cấp thai sản bao gồm mọi phụ nữ là người lao động làm công ăn lương với số lượng tham gia tối thiểu là 50% hoặc toàn bộ phụ nữ hoạt động kinh tế thường trú trong nước với số lượng tham gia tối thiểu là 20%. Còn theo quy định tại Công ước số 103 của ILO, đối tượng được hưởng trợ cấp thai sản được quy định là:  “những phụ nữ làm việc trong các cơ sở công nghiệp và trong các công việc phi công nghiệp và nông nghiệp, kể cả những phụ nữ làm công ăn lương, làm việc tại nhà” (Điều 1.1). Quy định này thể hiện tính chất bao quát của chế độ bảo hiểm thai sản, mọi người lao động nữ đang tham gia quan hệ lao động không phân biệt ngành nghề nông nghiệp - phi nông nghiệp, không phân biệt làm công ăn lương hay làm việc tại nhà đều là đối tượng được hưởng trợ cấp chế độ thai sản khi họ mang thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mặc dù nhóm đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm thai sản đã được mở rộng tới hầu hết người lao động đang tham gia quan hệ lao động và có sự kiện thai sản nhưng hầu như còn bỏ ngỏ phần lớn lực lượng lao động nữ trong xã hội, đặc biệt là nhóm lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì không nằm trong diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và nhận thức về bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, nên nhóm lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp không hề được hưởng bất cứ một quyền lợi gì trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con sơ sinh. Điều này làm giảm đi hiệu quả thực hiện trên thực tế của các quy định tiến bộ trong pháp luật bảo hiểm xã hội hiện nay.

Thứ hai, sửa đổi chế độ trợ cấp chăm sóc y tế khi người lao động nữ khi họ mang thai, sinh, nuôi con.

Theo thông lệ quốc tế, vấn đề này cũng được pháp luật các quốc gia quan tâm, chú trọng. Việc chỉ áp dụng chung quy định hưởng trợ cấp chăm sóc y tế theo diện hưởng và phạm vi hưởng bảo hiểm y tế bắt buộc theo Luật Bảo hiểm y tế như ở Việt Nam hiện nay là chưa hợp lý. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi cần có một chế độ bảo hiểm thai sản hoàn thiện làm cơ sở pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ lao động nữ và trẻ em. Ở một khía cạnh khác, sự thiếu thống nhất trong quy định cho người lao động nữ khi nạo hút thai được nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm thai sản nhưng không quy định lao động nữ trong trường hợp này được hưởng bảo hiểm y tế cũng là một điểm bất cập khiến cho quyền lợi của người lao động nữ trong suốt quá trình thai sản không được bảo đảm. Do đó, về giải pháp mang tính pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản hiện nay, tác giả cho rằng cần có sự xem xét cân nhắc bổ sung về vấn đề này.

Thứ ba, sửa đổi quy định về thời gian tham gia BHXH tối thiểu đề được hưởng trợ cấp thai sản.

Việc quy định điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm tối thiểu để được hưởng trợ cấp thai sản là một biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát triển về tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội, đảm bảo nguyên tắc bảo hiểm trên cơ sở đóng góp của chính người lao động. Mặt khác, theo quy định của pháp luật bảo hiểm, việc đóng góp bảo hiểm của người lao động được ghi nhận theo tính chất cộng dồn quá trình đóng mà không bắt buộc phải đóng liên tục. Tuy vậy, đối với những trường hợp người lao động nữ làm các công việc thời vụ, tính chất tạm thời và người sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ khó được hưởng trợ cấp thai sản vì họ không tham gia BHXH đầy đủ. Do đó, cần sửa đổi quy định để giảm thời gian tham gia BHXH tối thiếu là căn cứ để hưởng chế độ thai sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Thị Dung (2006). Chế độ bảo hiểm thai sản và hướng hoàn thiện nhằm đảm bảo quyền lợi của lao động nữ. Tạp chí Luật học, số 6/2006.
  2. Nguyễn Lan Phương (2018). Pháp luật về bảohiểm xã hội thai sản và thực tiễn thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn. Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội.
  3. Nguyễn Hiền Phương (2010). Pháp luật An sinh xã hội - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018). Giáo trình Luật an sinh xã hội. Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
  5. Nguyễn Hiền Phương (2016). Bình luận khoa học những nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội. Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  6. Mai Lâm (2021). Đề xuất áp dụng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Truy cập tại: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-06-09/de-xuat-ap-dung-che-do-thai-san-trong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-105445.aspx.
  7. Kiến An (2021). Đề xuất thay đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, hưu trí, ốm đau. Truy cập tại: https://congdoancongthuong.org.vn/tin-tuc/t5631/de-xuat-thay-doi-tien-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-che-do-thai-san-huu-tri-om-dau.html.

THE MATERNITY INSURANCE UNDER THE 2014 LAW ON SOCIAL INSURANCE AND SOME RECOMMENDATIONS TO ENHANCE THE LAW’S EFFECTIVENESS

Nguyen Thi Ngoc Thanh

Phu Dai Loc Co.,Ltd

Abstract:

The maternity insurance is one of special social insurances and it plays an important role in the system of social security policies. Social insurance for maternity leave is important for protecting employees' health and rights to take care of children, and ensuring employees’ income during their maternity leaves. This paper analyzes the 2014 Law on Social Insurance’s provisions on maternity insurance and makes some recommendations to enhance the law’s effectiveness in the coming time.

Keywords: maternity insurance, female workers, social insurance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 20, tháng 8 năm 2021]