Dệt may TNG: Giải thể 2 công ty con sau 4 năm hoạt động, thu hẹp mảng bất động sản

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa thông báo giải thể 2 công ty con, bao gồm 1 công ty bất động sản sau 4 năm hoạt động. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh kinh doanh của công ty có dấu hiệu “hụt hơi”.
Dệt may TNG kinh doanh bất động sản
Dệt may TNG bắt đầu lấn sân sang mảng bất động sản vào năm 2018 nhưng mảng kinh doanh này không đem lại doanh thu đều đặn do phụ thuộc vào tốc độ thi công và bàn giao dự án.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu: TNG – sàn: HNX) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc thông báo giải thể hai công ty con, gồm: Công ty TNHH MTV TNG Eco Green và Công ty TNHH TNG Fashion. Dệt may TNG cho biết việc giải thể là do mục tiêu hoạt động của hai công ty con không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Được biết, Công ty TNHH MTV TNG Eco Green được thành lập hồi tháng 2/2019, có trụ sở tại TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, Công ty TNHH TNG Fashion được thành lập vào tháng 6/2019, cũng có trụ sở tại TP.Thái Nguyên với ngành nghề chính là kinh doanh thời trang. Vốn điều lệ của mỗi công ty này là 50 tỷ đồng, do Dệt may TNG sở hữu 100% vốn.

Như vậy, Dệt may TNG hiện còn 1 công ty con là Công ty Cổ phần TNG Land, có trụ sở tại TP.Thái Nguyên, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. TNG Land hiện có vốn điều lệ là 162,4 tỷ đồng; trong đó, Dệt may TNG nắm giữ 86,17% vốn điều lệ.

Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là may mặc, Dệt may TNG bắt đầu lấn sân sang mảng bất động sản vào năm 2018 với kỳ vọng mảng này sẽ đóng góp 17% tổng doanh thu và 50% tổng lợi nhuận của công ty vào năm 2025. Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ mảng này vào năm 2019.

Tuy nhiên, mảng bất động sản có doanh thu không đều đặn do phụ thuộc vào tốc độ thi công và bàn giao dự án. Với việc giải thể TNG Eco Green, Dệt may TNG có thể đang cơ cấu lại lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong bối cảnh các điều kiện kinh tế chưa thực sự thuận lợi.    

Mảng may mặc hiện vẫn là mảng kinh doanh chính, đóng góp khoảng 99% doanh thu hàng năm của Dệt may TNG. Tới cuối năm 2022, công ty sở hữu 15 chi nhánh may với khoảng 322 chuyền may, trong đó có 12 nhà máy dệt thoi và 3 nhà máy dệt kim.

Về hoạt động kinh doanh, trong năm nay, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu ở mức 6.800 tỷ đồng, tương đương như năm ngoái, và lãi ròng 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với mức thực hiện của năm 2022.

Cổ phiếu TNG Dệt may TNG
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm bài viết: “Dệt may TNG: Kinh doanh tháng 6 có dấu hiệu hụt hơi, đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu cả năm” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Dệt may TNG đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 49% kế hoạch cả năm. Doanh thu xuất khẩu chiếm tới 97% tổng doanh thu của công ty. Trong đó, Hoa Kỳ, Pháp và Canada là 3 thị trường riêng lẻ lớn nhất của Dệt may TNG, lần lượt chiếm 46%, 15% và 10% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý, trong tháng 6 vừa qua, Dệt may TNG đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu âm (giảm 8% so với tháng 5/2022), kết thúc mạch tăng trưởng kéo dài 4 tháng trước đó.

Tuy nhiên, Dệt may TNG hiện vẫn là một trong số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh thị trường thiếu đơn hàng trầm trọng, sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm đều giảm mạnh. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG đạt

Duy Quang