Dệt may TNG vượt khó, doanh thu quý 1/2023 tăng 6%

Trong bối cảnh ngành dệt may đối mặt nhiều khó khăn, Dệt may TNG vẫn ghi nhận doanh thu quý 1/2023 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dệt may TNG ghi nhận doanh thu quý 1 năm 2023 tăng 6% so với cùng kỳ
 Tổng doanh thu quý 1/2023 của Dệt may TNG đạt 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã chứng khoán: TNG - sàn: HNX) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh quý 1/2023 với tổng doanh thu đạt 1.333 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng tương ứng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2023 của công ty đạt 106 triệu USD, tăng 2,3 triệu USD tương ứng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng tháng 3/2023, doanh thu của công ty đạt 561 tỷ đồng, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Dệt may TNG là gia công may mặc (theo phương thức FOB 1 và CMT) và xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Decathlon, The Children’s Place… Với doanh thu xuất khẩu hiện chiếm 99%, Dệt may TNG tiếp tục tập trung vào các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Pháp, Canada. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm 47,83%, Pháp 17,68% và Canada chiếm 10,98% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty trong quý 1/2023.

Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh sức mua tại nhiều thị trường chủ lực suy yếu, đơn hàng giảm mạnh, việc doanh thu có tăng trưởng tương đối tốt so với cùng kỳ thể hiện sự nỗ lực và vị thế của Dệt may TNG trên thị trường.

Trong quý 1/2023, Dệt may TNG đã đón tiếp một số đối tác lớn đến thăm và làm việc như đại diện Decathlon trong tháng 2/2023 và đại diện Columbia vào cuối tháng 3 vừa qua.

Diễn biến giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG
Diễn biến giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đầu năm 2022 đến nay (Nguồn: FireAnt)

Vào đầu năm 2023, để duy trì đà tăng trưởng, Dệt may TNG đã triển khai đầu tư nhiều máy móc, thiết bị tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào. Cụ thể, TNG đã đưa vào hoạt động Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa TNG) và Trung tâm phát triển mẫu TNG tại Nhà máy TNG Sông Công 3.

Trong đó, Chi nhánh TOT có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm máy tự động hóa công nghệ cao dành cho lĩnh vực may mặc. Trung tâm phát triển mẫu TNG có chức năng nghiên cứu các mẫu sản phẩm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng lớn. Qua đó, Dệt may TNG đã đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm may cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Decathlon, Nike, Adidas, TCP...

Đến nay, Trung tâm này đã phát triển 25 mã sản phẩm cho Decathlon, trở thành nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu EUR.

Dệt may TNG dự kiến sẽ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 23/4 tại chi nhánh TNG Đồng Hỷ, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu là 6.800 tỷ đồng, gần như tương đương năm 2022, và lợi nhuận sau thuế là 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với mức thực hiện năm ngoái và mức chi trả cổ tức ít nhất là 16%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG giảm 1,12%, đạt 17.600 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt gần 1,9 triệu cổ phiếu.

Duy Quang