Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vào cuối tuần này lần lượt đạt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan hiện được chào từ 480 – 482 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 475 – 482 USD/tấn ghi nhận vào cuối tuần trước. Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giá bán gạo trên thị trường nội địa nước này đang tăng lên khi vụ thu hoạch gần kết thúc, khiến nguồn cung gạo suy yếu.
Đà tăng của giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang được hỗ trợ nhờ thông tin Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Trong khi đó, giá gạo đồ loại 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ tuần này đạt 383 – 389 USD/tấn, so với mức 380 – 385 USD/tấn. Một thương nhân kinh doanh gạo tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết nhu cầu đối với các loại nông sản trên thị trường quốc tế đang tăng trở lại, điều này góp phần đẩy giá gạo Ấn Độ lên cao.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kế cho thấy xuất khẩu gạo trong quý 1/2023 của Việt Nam đạt hơn 1,7 triệu tấn và đạt kim ngạch hơn 900 triệu USD, tăng hơn 19% về khối lượng và hơn 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý 1/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.
Hiệp hội lương thực Việt Nam nhận định tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý 2/2023. Trong ngắn hạn, giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do các bất ổn về kinh tế, địa chính trị trên toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Các thị trường chính của gạo Việt Nam như Trung Quốc, Philippines và châu Phi đều đang tăng cường dự trữ lương thực.
Bên cạnh đó, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch miễn thuế đối với 80.000 tấn gạo/năm, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm (Hoa nhài 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào). Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Gạo hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng gạo năm 2023 của khu vực này ước đạt 24 triệu tấn. Trong đó, lúa hàng hoá dùng cho xuất khẩu ước đạt 13,2 triệu tấn tương đương 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn, gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn, nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn, và gạo nếp đạt 0,6 triệu tấn.