Giá dầu thô tăng hơn 6% tuần này, xác lập tuần tăng thứ 3 liên tiếp

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã tăng hơn 6%, giữ vững trên mức 85 USD/thùng, chủ yếu do lo ngại nguồn dầu sẽ trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Chốt  phiên giao dịch ngày 6/4, giá dầu thô tăng nhẹ 0,2% lên 85,12 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 0,1% đạt 80,70 USD/thùng. Trong ngày hôm nay 7/4, thị trường nghỉ lễ và sẽ giao dịch trở lại vào đầu tuần sau.

Tính chung từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng hơn 6%, chủ yếu do liên minh OPEC+ bất ngờ thông báo cắt giảm mạnh thêm sản lượng khai thác vào cuối tuần trước. Qua đó, xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá dầu thô.

Kể từ tháng 5 tới đây, tổng sản lượng khai thác dầu thô được các quốc gia liên minh OPEC+ cắt giảm sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.   

Liên minh OPEC+, bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và 10 nước khai thác đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ khiến nguồn cung dầu thô trở nên căng thẳng hơn, thậm chí thị trường có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.

Đà tăng của giá dầu thô trong tuần này còn được hỗ trợ từ việc tồn trữ dầu thô, xăng dầu và các chế phẩm từ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước sụt giảm tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm mạnh hơn dự báo. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu.

Dữ liệu cũng cho thấy các hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần này tiếp tục giảm số lượng giàn khoan khai thác tuần thứ hai liên tiếp, xuống chỉ còn 590 giàn khoan hoạt động. Điều này sẽ làm giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong tuần này bị kìm hãm khi các dữ liệu tháng 2/2023 cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Hoa Kỳ, gồm: sự sụt giảm số lượng vị trí việc làm lần đầu tiên trong gần 2 năm trở lại đây, các hoạt động sản xuất suy yếu tháng thứ 5 liên tiếp, và số lượng đơn đặt hàng của các nhà máy tiếp tục giảm. Đồng thời, một số chuyên gia tài chính cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tất cả những yếu tố trên cho thấy Hoa Kỳ đang đối mặt với rủi ro suy thoái lớn hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.

Hiện nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã nâng dự báo giá dầu trong năm nay sau động thái của OPEC+. Trong đó, tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt 95 USD/thùng vào cuối năm nay, tăng 5 USD so với mức dự báo trước đây, và đạt 100 USD/thùng vào cuối năm 2024. Tập đoàn UBS dự báo giá dầu thô đạt 100 USD/thùng vào tháng 6/2023 khi nhu cầu di chuyển bằng xe ô tô tăng vọt. Thậm chí giá dầu thô Brent có thể đạt 110 USD/thùng vào mùa hè này, theo hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy.

Dữ liệu của các sàn giao dịch cũng cho thây các quỹ phòng hộ đã mua ròng các hợp đồng dầu thô trong tuần này.

Tường Vy