ĐH Bách khoa đề xuất 6 giải pháp phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đề xuất 6 giải pháp nhằm phát triển Công nghiệp Sinh học của ngành Công Thương đến năm 2030 trong cuộc Tọa đàm chiều 27/8 tại Hà Nội.

Chủ trì buổi Tọa đàm xây dựng Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 có ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Công Thương và GS.Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với sự tham gia của đông đủ thầy cô nhà trường trong các lĩnh vực khác nhau.

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa (áo trắng) nghe giới thiệu về các nhiệm vụ công nghệ sinh học thời gian qua của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Tóm tắt những ý chính của Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 do Vụ Khoa học và Công nghệ chắp bút, ông Trần Việt Hòa nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, Đề án đã triển khai quá nhiều đề tài mang tính học thuật, không có tính đột phá. Việc đầu tư dàn trải trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước rất hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Do đó, trong định hướng đến năm 2030, quan điểm của Bộ Công Thương là tập trung nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng, nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường. “Ví dụ chúng ta đưa ra mục tiêu phải thương mại hóa được 10 sản phẩm, nhưng nếu chỉ 3 sản phẩm có thể khả thi chúng ta cũng làm, và phải đi đến tận cùng sản phẩm, không nhất thiết phải làm đủ 10 sản phẩm mà không hiệu quả” – ông Hòa nói.

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Bọ Công Thương tập trung nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng

Trước các băn khoăn của các thầy cô về những vướng mắc trong cơ chế chính sách, những khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp để tìm đối tác sẵn sàng chia sẻ rủi ro khi triển khai các sản phẩm từ qui mô phòng thí nghiệm ra sản xuất đại trà… ông Hòa cho rằng, quan điểm của Bộ Công Thương là không  thể ngồi chờ đến lúc chính sách thông thoáng mới làm, vì thế Bộ chỉ có thể cố hết sức trong phạm vi quyền hạn của Bộ, đơn giản hóa các thủ tục để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà khoa học xây dựng các nhiệm vụ thực sự hiệu quả.

Là một địa chỉ tin cậy của Bộ Công Thương nhiều năm nay, trong lĩnh vực công nghiệp sinh học, Trường Đại học Bách khoa có hẳn Phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, trong số 11 Phòng thí nghiệm trọng điểm và 01 Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm trong số 11 viện – trung tâm nghiên cứu thuộc Trường.

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học

Chia sẻ về định hướng phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian từ nay đến năm 2030, GS. Đinh Văn Phong cho biết, Trường sẽ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm với các ngành công nghệ sinh học – công nghiệp thực phẩm; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; công nghệ hóa – môi trường; Quá trình và thiết bị. Đồng thời đề xuất 6 giải pháp phát triển Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương.

Sau khi cùng các đại biểu thảo luận về dự kiến Khung Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, Đoàn đã đi thăm Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trực tiếp xem các sản phẩm công nghệ sinh học được sản xuất tại đây như nước mắm sản xuất từ phụ phẩm của tôm đông lạnh; bia lên men trong chai, các phòng thí nghiệm DNA, phòng thí nghiệm protein, phòng thí nghiệm lên men…

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Đại học Bách Khoa đề xuất 6 giải pháp phát triển Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương

Được biết, Bộ Công Thương đang đi khảo sát để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị cho Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương sẽ tập hợp mọi ý kiến đóng góp để xây dựng Đề án, lấy ý kiến tham vấn công khai và hoàn chỉnh, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

6 đề xuất của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhằm phát triển ngành Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030:

1. Phát triển và ứng dùng công nghệ enzyme và vi sinh vật để sản xuất sản phẩm có hoạt tính sinh học, nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp thực phẩm;

2. Nghiên cứu thiết kế chế tạo và sản xuất các hệ thống thiết bị, dây chuyền đồng bộ phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học;

3. Xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát và phát triển giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

4. Xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ sinh học công nghiệp;

5. Xây dựng hệ thống quản trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

6. Ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học công nghiệp xử lý chất thải trong công nghiệp chế biến để kiểm soát môi trường và tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Đoàn công tác nghe giới thiệu hệ thống máy móc thiết bị trong các phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm

 

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương
Các trang thiết bị trong Trung tâm nghiên cứu

 

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

 

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

 

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

 

Đại học Bách khoa hiến kế phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương

Hồ Nga