Ngày 27/8/2019, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) – Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định, Hội nghị được kỳ vọng cung cấp các thông tin và kiến thức hữu ích cho các cơ quan quản lý địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, từ đó giúp các cơ quan quản lý tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan, chuẩn bị quá trình phê chuẩn và thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với Hiệp định EVFTA, điều rất đặc biệt là Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU.
“Đây là lần đầu tiên một nước đi sau như Việt Nam trở thành đối tác trong hiệp định tương đối toàn diện với EU, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống về mở rộng thị trường, cắt giảm thuế quan, thương mại hàng hóa,… mà những nội dung phi truyền thống như sở hữu trí tuệ, quản lý nhà nước,… cũng chiếm phần lớn trong Hiệp định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%.
Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi rất lớn giúp Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường, phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng đồng nghĩa với các thách thức, nhiệm vụ cũng sẽ vô cùng nặng nề.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà ở cả các thị trường ngoài nước, không chấp nhận các sản phẩm có thương hiệu, không có nền tảng sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp.
Tại chính thị trường nội địa, các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của ta cũng sẽ phải chịu sự điều chỉnh khi các bộ luật được bổ sung, hoàn thiện dựa trên những cam kết quốc tế.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng trách nhiệm đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất lớn trong việc kịp thời xây dựng và triển khai các chương trình hành động, thực thi những hiệp định thương mại, trong đó có EVFTA.
“Nếu không kịp thời hoàn thiện thể chế, pháp luật, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối tượng của trừng phạt thương mại, đặc biệt trong các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, dù đây là một nội dung rất mới”, Bộ trưởng cảnh báo.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh không thể tiếp tục giữ tư duy cũ, nhận thức cũ, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc trước tiên, tạo nền tảng thể chế để thông qua các cam kết hội nhập sẽ tiến hành tái cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.
Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU với WTO và tương đương mức cao nhất trong các hiệp định thương mại gần đây.
Riêng về sở hữu trí tuệ, những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA cùng với cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai Bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể quyền, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai Bên, là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.
Ngoài ra, Hiệp định này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn,... do được biết đến thông qua Hiệp định.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam như: việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (hay nói cách khác chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động triển khai các nhiệm vụ nhằm thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết của Việt Nam trong EVFTA về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Về các cam kết về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, là một trong các cam kết của Việt Nam trong vòng 2 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ vào ngày 14/6/2019 nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định CPTPP. Đây cũng là một bước chuẩn bị đầu tiên để nghiêm túc thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA.
Sau phần trình bày của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các Bộ, ngành và VCCI đã có phần đối thoại trực tiếp với các đại biểu tham dự Hội nghị về các nội dung cam kết, giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu về EVFTA.
Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thể hiện góc nhìn của mình, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức mà Hiệp định mang lại.