Điện Biên: Cát nghiền, giải pháp thiết thực thay thế nguồn cát tự nhiên

Cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên không hình thành mỏ mà tập trung tại các lòng hồ thủy điện và các lòng sông suối với trữ lượng rất ít.

Trước thực trạng nguồn cát tự nhiên trên địa bàn đang dần cạn kiệt, việc tìm vật liệu thay thế bằng cách khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có để sản xuất cát nhân tạo đã được tỉnh Điện Biên thực hiện đúng với chủ trương của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu cấp bách về VLXD cho các dự án trọng điểm.

Cát nghiền, cơ sở thay thế vật liệu cát tự nhiên

Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh; hệ thống sông và nhánh sông, suối dày đặc.

Cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên không hình thành mỏ mà tập trung tại các lòng hồ thủy điện và các lòng sông suối với trữ lượng rất ít. Đồng thời, do tác động của biến đổi khí hậu khiến lượng cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh cũng đang giảm dần. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tổng trữ lượng cát được phép khai thác là khoảng 400.000 m3, trữ lượng còn lại khoảng trên 250.000 m3.

Theo dự báo của Sở Xây dựng Điện Biên, nhu cầu sử dụng VLXD trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó có cát xây dựng chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, giai đoạn 2023-2025 trên 1 triệu m3, đến năm 2030 là trên 2 triệu m3.

Điện Biên
Sản xuất cát nghiền tại điểm mỏ Ka Hâu 2, xã Na Ư, huyện Điện Biên của Công ty TNHH TM & DV Hoàng Anh

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh sẵn có các mỏ đá được cấp phép khai thác là cơ sở để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu sản xuất cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Hoạt động này cũng phù hợp với định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong quản lý khai thác cát tự nhiên, sản xuất kinh doanh và sử dụng cát nghiền làm VLXD.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng Điện Biên, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 18 mỏ đá với tổng trữ lượng chưa khai thác là trên 10 triệu m3, việc sản xuất chế biến cát nghiền trên dây chuyền, công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Điện Biên là một lợi thế rất lớn, là cơ sở để dần thực hiện thay thế vật liệu cát tự nhiên.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hệ thống sông, nhánh sông và suối nhiều, nên trữ lượng sỏi cuội tương đối nhiều, đây cũng là nguồn cung ứng để sản xuất cát nghiền đảm bảo quy cách, chất lượng của cát sau khi nghiền thành phẩm.

Như vậy, việc sản xuất cát nghiền dần thay thế cát tự nhiên là nhu cầu tất yếu và cũng là lợi thế đối với tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

Kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách về VLXD các dự án trọng điểm

Trước thực trạng nguồn cát tự nhiên trên địa bàn đang dần cạn kiệt, việc tìm vật liệu thay thế bằng cách khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có để sản xuất cát nhân tạo đã được tỉnh Điện Biên thực hiện đúng với chủ trương của Chính phủ.

Năm 2019, đề tài Khoa học “Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa và bê tông cho các công trình xây dựng tỉnh Điện Biên” của Sở Xây dựng được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Điện Biên phối hợp với Viện nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) thực hiện đề tài với các hoạt động cụ thể như: Khảo sát hiện trạng, đánh giá, lấy mẫu đá gốc tại các điểm mỏ đang khai thác đá và cát nghiền tại Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên, Công ty CP Đầu tư thương mại Hưng Long Điện Biên để thí nghiệm, xác định tính chất cơ lý hóa của các loại đá, cát nghiền phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền.

Điện Biên
Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sử dụng trên 90% vật liệu cát nghiền

Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-SXD về việc ban hành định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh, là cơ sở pháp lý cho cấp phối bê tông sử dụng cát nghiền (bê tông xi măng, bê tông nhựa) có nguồn gốc từ mỏ đá Tây Trang 10, xã Na Ư, huyện Điện Biên và mỏ đá Mường Ảng 01, tổ 10, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng. Đây là một bước tiến quan trọng và kịp thời đáp ứng nhu cầu lớn đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tại Tây Trang và Mường Ảng đã có 3 đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền bảo đảm quy cách và chất lượng theo quy định, với tổng công suất sản xuất trên 150.000 m3/năm. Công suất có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo nhu cầu của thị trường nên không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cát.

Sản phẩm cát nghiền của các đơn vị sản xuất cũng đã kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách về VLXD các dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên, như: Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (sử dụng cát nghiền trên 90%); Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL 279 và QL 12 tỉnh Điện Biên đang triển khai công tác GPMB,…

Điện Biên
Cát nghiên được sử dụng  trong các Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Điện Biên

Cát nghiền tại Điện Biên không chỉ được sử dụng trong công xây dựng, mà còn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu, gạch TERRAZZO, bê tông thương phẩm, cột điện bê tông li tâm dự ứng lực …

Ông Nguyễn Thành Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên cho biết “Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Điện Biên tiếp tục thực hiện hóa kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên trong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển sản phẩm cát nghiền là chủ yếu, đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định của QCVN, TCVN…”.

Cần có chính sách ưu đãi đối với hoạt động sản xuất cát nghiền nhân tạo

Ngày 15/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2070/QĐ-UBND về việc công nhận Đề tài “Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa bê tông và bê tông cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên” là đề tài có ảnh hưởng phạm vi toàn quốc.

 Đây là điều kiện, cơ sở để sản phẩm cát nghiền được ứng dụng, áp dụng phổ biến nhiều hơn, rộng rãi hơn, không chỉ trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn đối tác công tư (PPP) hay vốn khác, mà còn được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

Tỉnh Điện Biên đang trong quá trình đô thị hoá, nâng cấp các cơ sở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị để phấn đấu trở thành Đô thị loại II vào năm 2025. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung đầu tư, kêu gọi đầu các dự án lớn, trọng điểm về giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trung tâm hành chính, chính trị tỉnh… Do vậy, việc sử dụng sản phẩm cát nghiền trong các công xây dựng thuộc ngành Xây dựng, ngành Giao thông vận tải, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn là một điều tất yếu.

Tuy nhiên, để phát triển cát nhân tạo dần thay thế cát tự nhiên, cần có chính sách ưu đãi phù hợp với từng loại quy mô sản xuất của doanh nghiệp sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng như của địa phương.

Hưng Nguyên