Điện Biên: Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, là tiền đề quan trọng, tạo đà cho Điện Biên thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh.

Kinh tế tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, là đề quan trọng, tạo đà cho Điện Biên thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, cơ bản hoàn thành 10/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội.

Trong đó, lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, tăng cao so mục tiêu Nghị quyết (tăng 2,33 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, ước thực hiện năm 2023; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,88%, công nghiệp - xây dựng chiếm 20,92%, dịch vụ chiếm 58,11%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,09%.

Điện Biên
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng

Tổng thu ngân sách địa phương của Điện Biên giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 41.892,19 tỷ đồng, đạt 71,61% mục tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5.619,79 tỷ đồng; trong đó: Thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt 2.442,74 tỷ đồng, vượt 22,4% mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu đến năm 2025 là 2.000 tỷ đồng). Hoạt động tài chính đạt được kết quả tiến bộ, góp phần cải thiện cân đối thu, chi ngân sách, tạo nguồn cho đầu tư phát triển; tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 41.561,08 tỷ đồng, đạt 70,68% mục tiêu Nghị quyết.

Giai đoạn vừa qua, dựa trên tiềm năng thế mạnh và đặc thù của tỉnh nhà, Điện Biên chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai hiệu quả; ngành nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu, tổ chức sản xuất, nâng cao số lượng và chất lượng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Dự ước tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 của Điện Biên đạt 287,51 nghìn tấn, vượt 2,68% mục tiêu Nghị quyết. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca...) với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô trồng 69.406 ha, tổng diện tích mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh 5.092,96 ha (trong đó, diện tích trồng của các nhà đầu tư là 4.871,85 ha). 

Duy trì khai thác diện tích cây cao su hiện có (diện tích 5.010,03 ha, sản lượng 5.201,5 tấn, tăng 1.929,5 tấn so với năm 2020); diện tích cây cà phê 2.710,8 ha (giảm 609,6 so với năm 2020, sản lượng 4.023,5 tấn, tăng 1.219,7 tấn so với năm 2020); diện tích cây chè năm 612,89 ha (sản lượng 216 tấn, tăng 148 tấn so với năm 2020). Đến nay Điện Biên đã hình thành 56 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mã bao bì đẹp, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc, được đánh giá phân hạng sản phẩm.

Điện Biên
Điện Biên đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3,49%/năm, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu tăng 3,5%/năm). Nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích và sản lượng; diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 2.758 ha, tăng 111 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt 13.517 tấn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt 44%, tăng 1,34 điểm % so với năm 2020 . Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả. Dự ước đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2020, tương đương 48,7% số xã, vượt 3,7% mục tiêu Nghị quyết (trong đó: 26/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 83,9% mục tiêu giai đoạn, 28/115 xã cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt từ 15 - 18 tiêu chí); bình quân tiêu chí đạt 14,4 tiêu chí/xã, tăng 2,4 tiêu chí/xã so với năm 2020, đạt 102,9% mục tiêu giai đoạn; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh có thêm 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Dự báo trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội tình hình an ninh chính trị quốc tế, tình hình thế giới và khu vực có thể tiếp tục biến động phức tạp, gây khó khăn thách thức đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu là những thách thức không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Kế thừa những kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, với 10/18 nhóm chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành, là tiền đề quan trọng, tạo đà cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh.

Hưng Nguyên