Tỉnh Điện Biên: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực

Là một địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Điện Biên có tiềm năng lớn phát triển thủy điện, lâm nghiệp, nông nghiệp, văn hóa kết hợp du lịch. Bên cạnh đó, với hệ thống cửa khẩu, Điện Biên còn đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế cửa khẩu.

Kinh tế địa phương có nhiều chuyển biến

Tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là tỉnh có đường biên giới dài nhất cả nước, và là tỉnh duy nhất có chung biên giới với hai quốc gia Lào và Trung Quốc (trên 456 Km) là điều kiện giúp kinh tế cửa khẩu phát triển. Với trên 730 ngàn ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp thích hợp phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp chuyên canh quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc điểm địa hình có độ dốc, lưu lượng lượng dòng chảy các con sông suối lớn; thuộc nhóm Tỉnh có thời gian bức xạ nhiệt trong ngày cao; tốc độ gió trung bình tốt, rất phù hợp để phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, Điện Biên có Quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cùng với đó là các vùng sinh thái tự nhiên rộng lớn còn nguyên vẻ hoang sơ, hệ thống di sản văn hóa các dân tộc phong phú, là nền tảng để phát triển các loại hình du lịch. Là tỉnh duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc có sân bay được quy hoạch là sân bay quốc tế tiểu vùng vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng, dự án Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang đã được tổ chức triển khai thực hiện sẽ giải quyết, tháo gỡ nút thắt về kết nối, giúp tỉnh Điện Biên thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong cả nước và quốc tế.

Điện Biên
Quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và nguồn lực phong phú, đa dạng, có thể nói tỉnh Điện Biên hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế khá và trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với nhiều nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Với quyết tâm đó, thời gian qua, kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,33%/năm, tăng cao so mục tiêu Nghị quyết (tăng 2,33 điểm %). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 43,09 triệu đồng/năm, tăng 8,88% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, ước thực hiện năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,62%, giảm 1,05%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,45%, tăng 1,1%; dịch vụ chiếm 57,5%, giảm 0,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,43%, giảm 0,02% (so với năm 2022).

 Điện Biên cũng là điểm đến của các nhà đầu tư. Năm 2023, tỉnh Điện Biên đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án, trên các lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, vật liệu xây dựng. Đồng thời đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đề xuất và triển khai thực hiện các dự án trồng rừng tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối; các dự án phát triển đô thị; các dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược liệu...;

Cấu trúc không gian dựa trên 03 Vùng kinh tế - 04 Trục động lực và 04 Cực tăng trưởng

Phát huy những thành tựu đã đạt được, dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Hội đồng thẩm định Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, thống nhất thông qua) đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.

 

TP. Điện Biên Phủ nằm trong vùng kinh tế động lực theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030
tầm nhìn đến năm 2050

Về không gian phát triển của Điện Biên, Dự thảo Quy hoạch tổ chức không gian với 03 Vùng kinh tế - 4 Trục động lực và 04 Cực tăng trưởng.

Cụ thể, 03 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) bao gồm TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Đây là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…Vùng kinh tế II bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, du lịch. Vùng kinh tế III bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà, và thị xã Mường Lay, là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.

Với 04 Trục động lực, gồm: (1) Trục động lực chính gắn với QL279 và đường Cao tốc Sơn La – Điện Biên. Đây là trục nối kết các trọng điểm đô thị, du lịch, dịch vụ, cửa khẩu, cảng hàng không của tỉnh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Đông và Đông Nam. (2) Trục kinh tế phát triển dọc theo QL12: Là trục kết nối thành phố Điện Biên Phủ với các vùng kinh tế trong tỉnh như (huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay) và với tỉnh Lai Châu đến cửa khẩu Mù Là Thàng. (3) Trục kinh tế phát triển dọc theo QL6: Là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh phía Đông Nam như: Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội. (4) Trục kinh tế phát triển dọc theo QL4H: Là trục kết nối nội tỉnh nằm trong vùng kinh tế 3 kết nối cửa khẩu ApaChải (huyện mường Nhé) với huyện Mường Chà.

 Cùng với 04 Cực tăng trưởng (Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay, Thị trấn Tuần Giáo, Thị trấn Mường Nhé), tỉnh Điện Biên kỳ vọng sẽ thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp chế biến (chế biến nông, lâm sản) và dịch vụ, tăng cường và tạo ra các liên kết phát triển mới với các tỉnh trong vùng cũng như với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc nhằm đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao.

Lê Hoa