Lãi ròng nửa đầu năm nay tăng gấp 8 lần
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã cổ phiếu KBC – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với nhiều kết quả đáng chú ý. Theo đó, doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 2.051 tỷ đồng trong quý 2/2023, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, lợi nhuận gộp của Đô thị Kinh Bắc tăng gấp 8 lần, lên mức 1.492 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh từ mức 46,8% lên 72,7% trong quý 2/2023.
Doanh thu hoạt động tài chính của Đô thị Kinh Bắc trong quý 2/2023 cũng tăng 64% lên mức 138 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm nhẹ 2% so với hồi quý 2/2022. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng gấp 19 lần và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý 2/2023, Đô thị Kinh Bắc báo lãi ròng 1.027 tỷ đồng, cải thiện vượt trội so với mức lỗ 276 tỷ đồng của quý 2/2022. Theo giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh tăng mạnh chủ yếu do đã tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.274 tỷ đồng và lãi ròng 2.341 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và tăng gấp 8 lần so với mức thực hiện trong nửa đầu năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Đô thị Kinh Bắc hiện đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 59% mục tiêu lãi ròng cả năm. Mức mục tiêu doanh thu và lãi ròng năm 2023 của Đô thị Kinh Bắc cao hơn 150% so với mức thực hiện của năm 2022.
Tính đến hết tháng 6/2023, tổng tài sản của Đô thị Kinh Bắc đạt hơn 33.600 tỷ đồng, giảm 4% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm gần 10%, xuống còn 9.856 tỷ đồng (chiếm 29% tổng tài sản), chủ yếu do khoản trả trước cho người bán ngắn hạn giảm. Ngược lại, bất động sản đầu tư đã tăng gấp 6 lần so với thời điểm đầu năm, lên 1.041 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Đô thị Kinh Bắc đã giảm mạnh 19% so với thời điểm đầu năm, xuống còn 13.837 tỷ đồng (chiếm 41% tổng nguồn vốn). Trong đó, nợ ngắn hạn giảm tới 31%, chủ yếu do vay ngắn hạn giảm mạnh. Đáng chú ý, Đô thị Kinh Bắc đã không còn ghi nhận dư nợ từ trái phiếu.
Bất chấp triển vọng kinh doanh tích cực, cổ phiếu KBC chịu áp lực điều chỉnh
Trong một diễn biến có liên quan, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Hội đồng Quản trị Đô thị Kinh Bắc đã thông qua việc thực hiện mua 11,88 triệu cổ phần chào bán riêng lẻ của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) với tổng giá trị lên đến 1.188 tỷ đồng. Thương vụ này sẽ được thực hiện bằng việc hoán đổi khoản nợ 1.188 tỷ đồng của SHP đối với Đô thị Kinh Bắc thành số tiền thực hiện mua cổ phần tại SHP.
Sau thương vụ này tổng số lượng cổ phần SHP do Đô thị Kinh Bắc sở hữu sẽ tăng lên mức 15,48 triệu cổ phiếu. SHP hiện là công ty con của Đô Thị Kinh Bắc. Tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ sở hữu của Đô thị Kinh Bắc tại SHP là 89,26% vốn điều lệ.
SHP là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Duệ, dự án thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải - Hải Phòng. Trong đó, các Khu công nghiệp Tràng Duệ 1 và Tràng Duệ 2 với tổng quy mô 402 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầu 100% vào năm 2019.
Đối với dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (687 ha), dự kiến năm nay, công ty sẽ hoàn thiện thủ tục phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và chuẩn bị triển khai đền bù giải phóng mặt bằng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi cuối tháng 6, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đô thị Kinh Bắc cho biết, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh như điện tử của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đang quan tâm đến Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, giá cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc đạt 32.050 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu KBC đã có 4 phiên giảm giá liên tục sau khi lên vùng giá cao nhất kể từ đầu tháng 9/2022 đến nay. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu KBC đã tăng 32%.