Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn Doanh nghiệp Hàn Quốc”.
Hội thảo do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh (KOTRA) và Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức chiều 5/10 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp chủ thể quyền phải chủ động
Ông Kim Kwan Mook - Tổng Giám đốc KOTRA cho biết, Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc” được Tổng cục Quản lý thị trường và KOTRA phối hợp tổ chức hàng năm từ năm 2015. Song, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022 Hội thảo mới tiếp tục được diễn ra.
Cũng theo ông Kim Kwan Mook, với sự hợp tác mạnh mẽ của hai nước, những năm qua, nhiều sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc đã và đang được phân phối tại thị trường Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển của thị trường, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hàng hóa đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Đặc biệt, gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, việc phân phối hàng giả lại càng trở nên rộng rãi, phổ biến.
“Hàng giả lưu thông trên thị trường gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc và cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam khi lựa chọn, sử dụng phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng”, ông Kim Kwan Mook nhấn mạnh và đề xuất, các cơ quan chức năng của hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi việc phân phối, lưu thông hàng giả ngày càng tinh vi.
Chung quan điểm này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình nhận định, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan và Quản lý thị trường đã và đang trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.
Song theo Phó Tổng Cục trưởng, dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
“Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế”, Phó Tổng Cục trưởng chỉ rõ nguyên nhân của nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ và nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường, vì vậy, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình khẳng định, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tương tự, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác hai nước phát triển nhanh đã đặt ra nhiều thách thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
“Vai trò tiên quyết, quan trọng trong công tác này là chính là từ phía các doanh nghiệp chủ thể quyền. Các doanh nghiệp phải kịp thời xây dựng những biện pháp, kế hoạch ngăn chặn các sản phẩm bị làm giả, sau đó mới là sự phối hợp của các cơ quan chức năng hai nước”, ông Đinh Hữu Phí thông tin và khẳng định, Cục Sở Hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp các nước nói chung đang có hàng hóa phân phối tại thị trường Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người dùng.
Lê Hàn Quốc “nhập khẩu” tràn lan ngoài thị trường
Chia sẻ ngay tại Hội thảo về thực trạng hoa quả nước ngoài đội lốt thương hiệu “Hàn Quốc” tràn vào thị trường Việt Nam, đại diện Tổng Công ty xúc tiến thương mại nông thủy sản Hàn Quốc cho biết, trái lê tươi là mặt hàng bị mạo danh nhiều nhất. Kết quả khảo sát trong tháng 8 và 9/2022 của Công ty cho thấy, rất nhiều quả lê có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi vào thị trường Việt Nam lại biến thành lê Hàn Quốc. Thực trạng này diễn ra ở trong cả các siêu thị, trung tâm thương mại lớn chứ không riêng thị trường truyền thống.
“Quả lê Hàn Quốc kích thước to, vỏ nâu đậm. Còn lê Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn, vỏ màu vàng nhạt. Bên ngoài bao bì, lê Hàn Quốc có đầy đủ thông tin nhà sản xuất, công ty xuất khẩu và các nội dung bắt buộc khác. Còn với lê Trung Quốc, trên bao bì không ghi nơi xuất xứ, có chữ Hàn nhưng không đúng ngữ nghĩa thể hiện”, đại diện này cho biết và khẳng định, không riêng quả lê, nông sản Hàn Quốc được sản xuất theo chế độ an toàn từ gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch, vận chuyển. Các mặt hàng Hàn Quốc xuất sang Việt nam có ghi rõ xuất xứ, tên hàng hóa, tên công ty... Riêng mặt hàng hoa quả tươi sẽ được dán tem thương hiệu chung và sau đó mới tiến hành xuất khẩu.
Đại diện Công ty Cổ phần Everia - chuyên sản xuất chăn ga gối đệm với thương hiệu Everon cũng trăn trở, hầu hết các hãng có thương hiệu, có uy tín, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.
Hàng giả thường phổ biến ở các kênh bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, lượng hàng bán ra trên nền tảng hiện đại này ngày càng tăng. Everia đã nhiều lần yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử toàn cầu có mặt tại Việt Nam như Shopee cấm và hạn chế việc bán hàng giả.
“Chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, các sàn thương mại điện tử để đóng cửa, xóa sổ những cơ sở kinh doanh hàng Everon giả nhưng việc này chỉ như “muối bỏ biển” vì số lượng các đơn vị sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái Everon quá nhiều và có mặt ở mọi tỉnh, thành phố của Việt Nam”, đại diện Công ty cho hay.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Hàn Quốc, đại diện Công ty Luật TNHH ROUSE Việt Nam cho rằng, bên cạnh biện pháp “phòng”, các doanh nghiệp cần lưu tâm đến các giải pháp “chống”.
Cụ thể, theo đại diện này, để phòng ngừa việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thường xuyên thực hiện khảo sát trực tuyến và trực tiếp thị trường. Cùng với đó, sử dụng mã QR Code hoặc bộ Tem chống giả do Bộ Công an cung cấp.
“Đây là những giải pháp hữu hiệu có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, đại diện ROUSE Việt Nam nhấn mạnh.
Tương tự, đối với các giải pháp “chống”, đại diện ROUSE Việt Nam đề xuất, các doanh nghiệp phải chủ động, mạnh tay, phối hợp gỡ bỏ các bài đăng xâm phạm, chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...