“Hàng giả bây giờ diễn ra ở rất nhiều mặt hàng”
Trao đổi tại Tọa đàm “Nhận diện và và giải pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 28/7, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương nhận định: “Mặt trận” chống hàng giả, hàng nhái đang tiếp tục diễn ra rất dai dẳng.
Dai dẳng ở chỗ, trong giai đoạn năm 2018 - đầu năm 2020 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng giả rất nhức nhối, sau đó tình hình có giảm đi với hoạt động tích cực của các lực lượng có nhiệm vụ trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Đến năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện tượng hàng lậu, hàng giả đặc biệt giảm đi rất nhiều, các vụ việc xảy ra tập trung chủ yếu là hàng giả, hàng nhái những thiết bị, vật tư y tế, phòng chống dịch. Tuy nhiên từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm đi thì tốc độ cũng như quy mô, đặc biệt là tính phức tạp của tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng, ngày càng tinh vi.
Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, từ đầu năm đến nay, những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch thu. Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…
Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa nắng nóng cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Điển hình như: Cục QLTT TP Hồ Chí Minh thu giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu; Cuối tháng 4/2022, Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT chủ trì, phối hợp với Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa và Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá các kho hàng, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm, trong đó phần lớn là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Gần đây nhất, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh vừa kiểm tra bắt giữ một số lượng rất lớn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn, bên cạnh đó là những hàng làm giả đồ gia dụng, vật tư y tế, giả nhãn mác của thực phẩm...
Việc trở lại hoạt động bình thường các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kéo theo các vi phạm liên quan đến sử dụng nguyên liệu (thực phẩm) như mỡ, nội tạng và sản phẩm động vật khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, ông Linh cho biết hàng giả bây giờ diễn ra ở rất nhiều các mặt hàng, nếu trước đây chỉ tập trung một số mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... thì bây giờ hàng giả có thể đến từ những mặt hàng đặc thù khác nhau như xăng dầu, phân bón.
“Trong một năm trở lại đây, hiện tượng xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng có thể nói là rất phổ biến. Thứ hai là các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều vụ việc chế tạo, sản xuất phân bón giả ngay ở trong thị trường nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất và xỉ vào để làm phân bón bán ra ngoài thị trường”, ông Linh cho biết.
Gian lận trên môi trường thương mại điện tử ngày càng tinh vi, khó lường
Một cái khó khác đối với công tác xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng đó là các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) làm cho việc thông tin về hàng giả cũng như hàng giả dễ dàng được đặt hàng trao đổi hơn, hàng giả bây giờ thậm chí là vận chuyển một cách tương đối công khai. Trước đây hàng giả, hàng nhái thường phải đi chui lủi nhưng bây giờ lợi dụng những vấn đề về chuyển phát của các hãng chuyển phát công khai chính thức, thành ra cũng làm cho các lực lượng chức năng rất khó đối phó.
Bên cạnh đó, theo ông Linh từ đầu năm đến nay ở phía biên giới Trung Quốc vẫn thực hiện cấm biên cho nên hàng hóa không đi qua được những kênh truyền thống như đường mòn, lối mở nữa mà phải đi chính ngạch. Chính vì lưu thông chính ngạch cho nên những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái sẽ phải tìm cách để luồn lách qua kênh chính ngạch.
Do đó, hiện nay việc sản xuất rồi thẩm lậu hàng giả, hàng nhái vào trong thị trường nội địa phải nói rất là phức tạp và ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, hàng nhái mà tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm.
“Ví dụ như cách đây một tháng, chúng tôi có kiểm tra và thu giữ một cơ sở ở ngay huyện Hoài Đức, Hà Nội sản xuất mật ong giả ngay trong khuôn viên một hộ gia đình, mỗi ngày sản xuất hàng trăm lít mật ong giả hoàn toàn và chỉ bán trên facebook. Đấy là những thứ rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Qua đó chúng ta thấy rằng sau gần hai năm diễn ra dịch Covid-19, khi thị trường mở cửa trở lại thì những hàng hóa còn tồn, hàng hóa chuẩn bị quá date được những đối tượng gian lận thương mại, tẩy xóa, sửa chữa, có sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua… dẫn đến tình hình tệ nạn hàng giả vẫn tiếp tục gia tăng và rất dai dẳng”, ông Linh cho biết.
Cũng liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thông tin thêm: Việc lợi dụng đặc thù của TMĐT có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến gian lận thương mại, trốn thuế...
Hiện nay phổ biến những hiện tượng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi hoặc thậm chí bán hàng qua các trung gian để kiếm lời hoặc chia kho ra ở rất nhiều các tỉnh, thành phố khác nhau, đặc biệt rất nhiều đối tượng lưu hàng hóa ở các khu chung cư. Do vậy cơ quan chức năng hết sức khó khăn khi thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thời gian qua, thực hiện các Kế hoạch tăng cường công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT do Bộ Công Thương ban hành, các lực lượng chức năng trong đó chủ công là Tổng cục QLTT và Cục TMĐT và Kinh tế số đã phát hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến bán hàng giả trên môi trường TMĐT, tập trung vào các nhóm hàng bị làm giả nhiều như mỹ phẩm, hàng thời trang, quần áo, giày dép, đồ điện tử…
Đặc biệt, theo ông Tuấn, ngoài hàng giả còn có vấn đề hàng cấm thì các đối tượng thường không bán một sản phẩm mà chia nhỏ sản phẩm ra để bán thành các bộ phận. Trường hợp khác là các đối tượng bằng cách thỏa thuận với nhau trên các nhóm kín, sau đó đưa bán trên các sàn TMĐT để lợi dụng dịch vụ vận chuyển của sàn để giao hàng, sau đó chúng lại xóa sản phẩm đấy đi rồi thu thập thông tin người dùng trái phép để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dự báo những tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Bởi mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trên môi trường TMĐT diễn biến phức tạp hơn. Chưa kể hàng hàng hóa quá “date”, hàng giả, hàng tồn trong quá trình dịch bệnh Covid-19 chưa có cơ hội tiêu thụ thì nay là thời điểm thích hợp. Bằng chứng là trong 3 tháng gần đây, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện rất nhiều vụ việc.
Để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, phối hợp đồng bộ hơn của các cơ quan chức năng; nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân nhận diện và tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái.